GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG DỰA VÀO NỘI LỰC VÙNG TÂY NAM NGHỆ AN
Tây Nam Nghệ An là vùng đất có nhiều tiềm năng cả về điều kiện tự nhiên và văn hóa, lịch sử cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch vùng hiện nay vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của vùng, nhất là việc đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Trên cơ sở phân tích tổng quan thực trạng tài nguyên du lịch sẵn có của vùng, bài viết này sử dụng cách tiếp cận phát triển dựa vào nội lực, những phân tích về xu thế du lịch trong thời gian tới và định hướng phát triển du lịch địa phương nhằm đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở vùng Tây Nam Nghệ An. Nghiên cứu chỉ ra rằng, Tây Nam Nghê An là vùng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa. Dựa trên cách tiếp cận dựa vào nội lực, nghiên cứu đề xuất sáu giải pháp cơ bản nhằm hướng tới sự phát triển du lịch bền vững của vùng.
Đặt vấn đề
Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam được hiểu là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai (Luật Du lịch, 2017). Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần đảm bảo một số nguyên tắc nhất định; đặc biệt là việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, vừa phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch, vừa giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên, đồng thời duy trì bảo tồn sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên, xã hội và nhân văn (Gutierrez và các cộng sự, 2005). Ở Việt Nam, tài nguyên du lịch được định nghĩa là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở cho việc hình thành các sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch (Luật Du lịch, 2017). Việc khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên này ở mỗi địa phương không chỉ đòi hỏi đánh giá đúng tiềm năng mà còn phải đặt việc khai thác tiềm năng ở địa phương đó trong mối quan hệ với vùng lân cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vùng Tây Nam Nghệ An gồm 5 huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt về kinh tế, chính trị và quốc phòng an ninh của tỉnh Nghệ An và là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển vùng, liên kết vùng, trong đó có du lịch. Vùng có hơn 390km đường biên giới trên bộ với nước bạn Lào, phía Tây Bắc có huyện Kỳ Sơn tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), phía Tây Nam có các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tiếp giáp tỉnh Borikhamxay (Lào) (UBND tỉnh Nghệ An, 2023). Vùng còn có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2007, có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Vườn Quốc gia Pù Mát, 2023). Theo đó, Vùng Tây Nam Nghệ An đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động vật, thực vật, đặc biệt là dược liệu, đồng thời là nơi giàu, đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số và tri thức bản địa đầy tiềm năng cho sự phát triển các loại hình du lịch văn hóa trải nghiệm và du lịch sinh thái. Tuy vậy, phát triển du lịch Vùng Tây Nam hiện nay được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của vùng, nhất là việc đảm bảo phát triển theo hướng bền vững (Nguyễn Thị Minh Tú, 2023). Để đưa ra các định hướng giải pháp nhằm phát huy một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của vùng Tây Nam Nghệ An, bài viết này sử dụng cách tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và những phân tích về xu thế du lịch trong thời gian tới nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở vùng Tây Nam Nghệ An.
1. Tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và việc áp dụng trong du lịch
Phát triển dựa vào nội lực hay Phát triển Cộng đồng dựa vào Nội lực (Assets – Based Community Development - ABCD) là một tiếp cận phát triển được xây dựng bởi John McKinght và John Kretzman. Tiếp cận này được hai ông đề cập trong cuốn sách “Building Communities from the Inside Out: A Path Toward Finding and Mobilizing A Community’s Assets” (Xây dựng cộng đồng từ bên trong: Con đường hướng đến việc tìm kiếm và huy động nguồn lực cộng đồng) năm 1993. Đây là cách tiếp cận phát triển đề cao những điểm mạnh của địa phương. Theo Kretzman và McKnight (1993) để giải quyết những vấn đề ở mỗi địa phương thường có hai cách tiếp cận khác nhau: tiếp cận dựa trên nhu cầu và tiếp cận dựa trên nội lực.
Tiếp cận dựa trên nội lực bắt đầu bằng một tư duy hoàn toàn khác biệt. Đó là quan điểm dù là bất cứ địa phương nào, cộng đồng nào, dù nghèo khó thế nào cũng có điểm mạnh. Phát triển nên được bắt đầu bằng những điểm mạnh đó để khơi dậy niềm tự hào của cộng đồng, lòng tự tôn của cộng đồng, của địa phương. Thay vì nhìn vào những vấn đề, những thiếu hụt, thì cách tiếp cận phát triển này lại nhìn vào những điểm mạnh của các địa phương, những nguồn lực sẵn có của họ. Những nguồn lực đó có thể đến từ tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác một cách hiệu quả; là những hiểu biết, tri thức bản địa, thậm chí là những kiến thức, kỹ năng đã từng tồn tại trong quá khứ có thể khôi phục; là những cơ sở vật chất sẵn chưa được phát huy một cách có hiệu quả nhất; là những khoản tiết kiệm trong dân hoặc những khoản cộng đồng có thể tiếp cận; đặc biệt là những giá trị văn hoá có thể bị lãng quên hoặc chưa từng được sử dụng phù hợp trong việc tạo ra các giá trị mới. Bên cạnh đó, tiếp cận dựa trên nội lực khuyến khích phát triển các mô hình dựa trên khả năng khai thác nội lực của cộng đồng theo hướng cộng đồng làm chủ quá trình phát triển. Với cách nhìn nhận mới, cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn, tiềm năng hơn và người dân trong cộng đồng có thêm sự tự tin, động lực cho các hoạt động phát triển (Kretzman & McKnight, 1993).
Trong lĩnh vực du lịch, tiếp cận ABCD được sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau và bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Nghiên cứu của Hipwell (2009) tại vùng nông thôn Đài Loan cho thấy, với việc nhấn mạnh và khai thác các tài sản sẵn có tại địa phương, các sáng kiến phát triển dựa trên các giá trị văn hóa và di sản bản địa đã giúp cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và thúc đẩy niềm tự hào văn hóa và sử dụng nó một cách có hiệu quả trong phát triển du lịch trên địa bàn. Tại Trung Quốc, Wu & Pearce (2014) nghiên cứu cộng đồng Lhasa Tây Tạng áp dụng ABCD trong phát triển du lịch địa phương. Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc áp dụng ABCD đã giúp cho người dân địa phương nâng cao nhận thức về các nguồn lực mà họ có, độc lập hơn trong việc quản lý tài nguyên du lịch của họ. Việc áp dụng ABCD đã góp phần vào việc giảm nghèo trong hoạt động du lịch và việc áp dụng cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch mà còn làm cho sự phát triển của họ ít phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Một ví dụ điển hình khác là việc áp dụng ABCD trong phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở vùng Jaunsar-Bawar, Uttarakhand, Ấn Độ. Nghiên cứu của Rout & Gupta (2017) cho thấy, người dân vùng Jaunsar-Bawar ở Uttarakhand sinh sống trên cao nguyên Himalya đã thành công trong phát triển du lịch với việc đặt cộng đồng vào trung tâm và tận dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đặc biệt để phát triển hoạt động du lịch một cách có hiệu quả. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những nghiên cứu đầy đủ về việc áp dụng ABCD trong phát triển du lịch, những thành công của các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng đã và đang gửi đi những tín hiệu tốt cho việc áp dụng tiếp cận này trong phát triển du lịch ở nhiều địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ (Lai Châu), nơi người H’Mông phát huy những lợi thế về văn hóa và điều kiện tự nhiên làm du lịch được Diễn đàn Du lịch Quốc tế tại Indonesia đánh giá “Điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN” (Báo Nhân dân điện tử, 2023), mô hình du lịch cộng đồng Mộc Châu (Sơn La) đã được vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu khu vực Châu Á 2022” (Đặng Hạnh & Trường Bách, 2023); hơn 80 mô hình du lịch cộng đồng trên cả nước được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 3 sao trở lên (Bộ Công Thương, 2023). Đây là những minh chứng cho thấy việc lấy phát huy nguồn nội lực du lịch làm cơ sở cho các hoạt động du lịch là một cách tiếp cận phù hợp và bền vững đối với sự phát triển du lịch ở địa phương.
2. Tài nguyên du lịch vùng Tây Nam Nghệ An
Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch tự nhiên của một điểm đến là những yếu tố được xác định trong phạm vi môi trường mà khách du lịch thích tại một điểm đến. Theo đó, tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm khí hậu, thảm động – thực vật, phong cảnh. Đây là các yếu tố quan trọng đối với khách du lịch gắn với nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là một nguồn tài nguyên vô giá cho sự phát triển bền vững nói chung và phát triển du lịch sinh thái nói riêng của vùng. Được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới tháng 9 năm 2007, với tổng diện tích 1.303.285ha, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An được biết đến như khu dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Nguyễn Văn Sinh (2021), những giá trị nổi bật của khu dự trữ sinh quyển thể hiện ở chỗ nó tạo ra một hành lang xanh kết nối 03 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát (nơi nằm trong địa giới hành chính của huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương); Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống bao gồm lâm phần của 12 xã thuộc 5 huyện trong đó có Tương Dương và Con Cuông; Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt. Do đó, tạo nên sự liên tục về sinh cảnh, duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An còn có tính đa dạng sinh học rất cao với 3 vùng lõi là các khu rừng đặc dụng đại diện cho các kiểu rừng nhiệt đới với ít nhất 1.297 loài thực vật và có 132 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: Voi, Sao La, Hổ, Thỏ vằn trường sơn...; 361 loài chim; 86 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá, 39 loài dơi và 459 loài bướm (Nguyễn Thị Trang Nhung, 2023).
Bên cạnh quy mô và sự đa dạng sinh học trong không gian khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, tài nguyên du lịch của vùng còn bao gồm cảnh đẹp tự nhiên của khu vực, đặc biệt ở một số điểm chính như:
Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương);
Huyện Con Cuông có thác Khe Kèm, đập Phà Lài, khe Nước Mọc;
Huyện Thanh Chương có Đảo Chè (đập Cầu Cau), thác Liếp, thác Mưa, thác Cây Trám, thác Cối, đập Sông Rộ;
Huyện Anh Sơn có vực Bụt, Sông Giăng - bản Vều;
Tương Dương có hồ Thủy điện Bản Vẽ, rừng Săng Lẻ, khe Cớ;
Kỳ Sơn có cổng trời Mường Lống, đỉnh Pu Xai Lai Leng, thác Rồng, rừng Sa Mu.
Ngoài ra, vùng Tây Nam Nghệ An còn có những điểm cao như Pù Hoạt, Pa Khăm, Pu Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát có thể được khai thác trong các hoạt động du lịch gắn liền với nghiên cứu. Vùng còn có nhiều tiểu vùng với khí hậu khác biệt như Mường Lống, Na Ngoi ở Kỳ Sơn, Tam Hợp ở Tương Dương, Cao Vều ở Anh Sơn. Với thời tiết mát mẻ, Mường Lống (Kỳ Sơn) với độ cao gần 1500m so với mặt nước biển còn được xem như Sapa của xứ Nghệ (Nguyễn Thị Trang Nhung, 2023).
Phân tích trên cho thấy, những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, thảm thực vật, động vật và cảnh quan là những tài nguyên quan trọng cho sự phát triển du lịch của Tây Nam Nghệ An. Những tiềm năng này mang đến cơ hội khả thi cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sức khỏe trong vùng.
Mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhưng hoạt động du lịch những năm qua chưa có những thay đổi lớn, chưa tận dụng được lợi thế vốn có của vùng, lượng khách và doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của các địa phương trong vùng (Nguyễn Thị Trang Nhung, 2023; Vi Thị Thắm, 2023). Cụ thể, tại Khu du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, nơi có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú nhưng hoạt động khai thác trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của địa phương và của tỉnh. Tài nguyên chưa được khai thác gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên du lịch tự nhiên vốn có trên địa bàn (Đặng Đức Hạnh, 2023).
Tài nguyên du lịch văn hóa
Tài nguyên du lịch văn hóa được hiểu là toàn bộ những giá trị vật chất cũng như tinh thần do con người tạo ra có thể được sử dụng gắn liền với hoạt động du lịch. Theo đó, tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm các di sản văn hóa, truyền thống lịch sử, đặc trưng kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ.
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn luôn được quan tâm. Theo thống kê đến cuối năm 2022, huyện Thanh Chương có 62 di tích đã được xếp hạng, trong đó cấp quốc gia 12 và cấp tỉnh 50; huyện Anh Sơn có 7 di tích đã được xếp hạng, trong đó quốc gia 2 và cấp tỉnh 5; huyện Con Cuông có 3 di tích đã được xếp hạng, trong đó 2 quốc gia và 1 cấp tỉnh; huyện Tương Dương có 1 di tích xếp hạng cấp tỉnh; huyện Kỳ Sơn có 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (Nguyễn Thị Trang Nhung, 2023).
Vùng Tây Nam Nghệ An có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng cho sự phát triển của vùng. Theo Tổng cục Thống kê (2020), vùng Tây Nam Nghệ An là nơi sinh sống của 8 nhóm dân tộc chính gồm: Kinh, Thái, H ‘Mông, Tày Pọng, Ơ Đu, Khơ Mú, Đan Lai, Hoa, Mường[1]. Những đặc trưng văn hóa của các nhóm dân tộc cùng với địa bàn cư trú của họ tạo nên những nét riêng biệt có thể khai thác cho hoạt động du lịch như các lễ hội truyền thống trong vùng như Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương), Lễ hội Pu Nhạ Thấu (Kỳ Sơn), Lễ hội Đền Bạch Mã (Thanh Chương), Lễ hội uống nước nhớ nguồn ở Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn), Lễ hội Môn Sơn -
Lục Dạ (Con Cuông); kiến trúc và ẩm thực của người Thái, người Mường; nghề thủ công của người Khơ Mú, người Mường; hoa văn và trang phục của người Mường, người Thái, người H’Mông.
Đặc biệt có 02 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An, đó là dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương) và dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3000 nhân khẩu ở Con Cuông) (Nguyễn Văn Sinh, 2021) cũng sẽ là những nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng cho phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với bảo tồn văn hóa của những nhóm dân tộc thiểu số ít người.
Cùng với sự đa dạng về văn hóa, tài nguyên nhân văn hóa cũng là một nguồn tài nguyên du lịch ở Tây Nam Nghệ An. Tài nguyên này gắn liền với truyền thống hiếu học, nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng với rất nhiều đền, chùa, nhà thờ họ được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh phủ khắp các vùng quê ở Tây Nam Nghệ An.
Ngoài ra, Nghệ An là một địa phương, cùng với Hà Tĩnh được coi là quê hương của dân ca ví, dặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận năm 2014. Loại hình nghệ thuật này cũng sẽ là một nguồn tài nguyên văn hóa quý báu có thể khai thác trong các loại hình du lịch tại Tây Nam Nghệ An.
Tóm lại, nghiên cứu sơ bộ trên cho thấy, nguồn tài nguyên du lịch của vùng Tây Nam Nghệ An là rất lớn và có thể là cơ hội cho phát triển một số loại hình du lịch cơ bản như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Trong khi đó, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch kết hợp với việc duy trì hoặc tăng cường sức khỏe cá nhân (Global Spa & Wellness Summit, 2013). Hai loại hình này có thể khai thác hiệu quả những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển vùng Tây Nghệ An.
Du lịch văn hóa là một loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch (UNESCO, 2017). Du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương. Du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng gắn với các điểm du lịch trong vùng có lợi thế nhằm khai thác các nét đặc trưng văn hóa của các nhóm dân tộc trong vùng Tây Nam Nghệ An.
Có thể thấy những nội lực cho phát triển du lịch vùng Tây Nam Nghệ An cả về du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa thông qua những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên và văn hóa của vùng. Mặc dù vậy, việc phát triển du lịch nơi đây còn gặp nhiều khó khăn thách thức như: (1) Các sản phẩm của từng loại hình du lịch trong các địa phương chưa phong phú đa dạng mà còn trùng lặp và chồng chéo; (2) Các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng; (3) Thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch; (4) Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; (5) Việc quảng bá, truyền thông về du lịch còn hạn chế (Nguyễn Thị Trang Nhung, 2023; Vi Thị Thắm, 2023).
3. Xu hướng du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa
Những nghiên cứu về xu hướng du lịch trên thế giới và Việt Nam đến năm 2030 cho thấy, xu hướng du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa trải nghiệm ngày càng trở nên phổ biến.
Xu hướng du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo Viện Nghiên cứu Du lịch (2023), du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững hơn để giảm tác động đến môi trường và cộng đồng địa phương như tái chế nhựa, giảm lượng rác thải và mức tiêu thụ năng lượng trong chuyến đi hay sử dụng các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và hy vọng ngành du lịch có thể cung cấp nhiều lựa chọn du lịch bền vững hơn. Du lịch sinh thái có thể chỉ đơn giản như việc đảm bảo sự sẵn có của tín chỉ carbon khi đặt chuyến bay hoặc tùy chọn thuê xe điện thay vì phương tiện giao thông đi lại ít thân thiện môi trường, hay phức tạp hơn như lồng ghép yếu tố hoạt động tình nguyện, làm việc trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Du lịch chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện từ lâu và ngày nay đã trở thành một xu hướng của du lịch thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã dự báo trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt với những chuyến du lịch dài ngày của du khách sẽ không còn là những chuyến đi du lịch tham quan đơn thuần mà thay vào đó là hình thức du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.
Theo báo cáo của Global & Wellness Institute (2018), năm 2017 ngành du lịch sức khỏe toàn cầu đạt giá trị 639 tỷ USD và sẽ đạt mức 919 tỷ USD vào năm 2022. Trung bình, cứ 6 đô la Mỹ chi tiêu cho du lịch trên toàn cầu thì 1 đô la Mỹ thuộc về thị trường chăm sóc sức khỏe. Trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch chăm sóc sức khỏe (Global & Wellness Institute, 2018).
Nghiên cứu của Nguyễn Văn Đính (2021) cho thấy, du lịch y tế cực kỳ phát triển trên thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới sớm nhận biết hướng mới trong ngành du lịch và lợi dụng ưu thế để phát triển du lịch sức khỏe. Tiêu biểu là Nhật Bản với thế mạnh về spa khoáng nóng, Indonesia với resort giữa thiên nhiên, Ấn Độ với thiền, yoga… Khu vực phát triển nhanh và thành công nhất hình thức du lịch Wellness Tourism (du lịch chăm sóc sức khỏe) chính là châu Á. Có thể nói, nếu duy trì tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện tại, du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ chiếm được gần 20% tỷ trọng của ngành du lịch toàn cầu (Global & Wellness Institute, 2018). Global Wellness Institute (2018) còn cho hay, thị phần của du lịch chăm sóc sức khỏe đang tăng nhanh hơn 50% tỷ lệ phát triển du lịch toàn cầu. Điều này chứng tỏ, xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở nên phổ thông hơn, đại chúng hơn, với lượng khách du lịch ngày càng đông. Tại khu vực Đông Nam Á, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đang nổi lên như một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, du lịch sức khỏe năm 2020 mang lại 4,7 tỷ USD cho Thái Lan với 6,5 triệu chuyến du lịch sức khỏe, đưa Thái Lan trở thành nước đứng thứ 5 toàn cầu về du lịch sức khỏe (Global Wellness Institute, 2022). Với Singapore, Singapore Medicine (Y tế Singapore) là một sáng kiến của các cơ quan chính phủ nhằm mục đích đưa Singapore trở thành một điểm đến hàng đầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Nguyễn Văn Đính, 2021).
Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, khu vực nông thôn - miền núi - thiên nhiên có nhiều cơ hội để phục hồi ngành du lịch, khi du khách tìm kiếm những điểm đến mới, vắng người, trải nghiệm không gian thoáng rộng và hoạt động ngoài trời. Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững. Khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn những điểm đến có lợi thế về du lịch hướng về thiên nhiên, nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Theo dự báo, du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15% (Nguyễn Thanh Bình, 2022).
Theo báo cáo phân tích thị trường du lịch văn hóa giai đoạn 2023 - 2027 của Technavio (2022), thị trường du lịch văn hóa ước tính sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 20,77% từ năm 2022 đến năm 2027. Quy mô của thị trường được dự báo sẽ tăng thêm 6.600,7 triệu USD. Theo đó, một trong những động lực chính thúc đẩy du lịch văn hóa là sự tăng lên thu nhập đặc biệt ở một số nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể như Malaysia, Indonesia, và Việt Nam, đưa khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có tỷ lệ tăng trưởng du lịch văn hóa lên hàng đầu. Xu hướng phát triển du lịch văn hóa gia tăng còn bởi các yếu tố ảnh hưởng đến căng thẳng trong cuộc sống cá nhân và việc chăm sóc sức khỏe. Báo cáo cho rằng, trong nhiều trường hợp căng thẳng không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm, có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm cơ thể kiệt sức và thể chất và tinh thần. Các chuyên gia y tế cho rằng, đi du lịch hoặc đến thăm một nơi mà người ta có thể cảm thấy bình yên trong tâm hồn giúp điều trị căng thẳng và lo âu. Sự thay đổi bầu không khí và thoát ra khỏi lối sống hàng ngày có thể chữa lành vết thương một cách nhanh hơn (Technavio, 2022). Điều này dẫn đến cơ hội cao cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch văn hóa nhắm đến những du khách đến vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe.
Những phân tích trên cho thấy, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa đang là một xu hướng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các loại hình du lịch này, việc phát triển các điểm đến mới cũng như nâng cao năng lực phục vụ của những điểm đến truyền thống là rất quan trọng. Nội lực sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống của Tây Nam Nghệ An cho thấy, việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa không chỉ phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của vùng mà còn đáp ứng được nhu cầu, xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Nếu tận dụng tốt cơ hội, Tây Nam Nghệ An hoàn toàn có thể là một điểm đến ấn tượng trong bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
4. Các giải pháp phát huy tiềm năng tài nguyên du lịch hướng tới phát triển du lịch bền vững vùng Tây Nam Nghệ An
Định hướng phát triển du lịch Vùng Tây Nam Nghệ An được thể hiện trong các chủ trương, chính sách phát triển của Trung ương dành cho Nghệ An cũng như các chủ trương, cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội do tỉnh Nghệ An và 5 huyện trong vùng ban hành. Theo đó, du lịch được xem là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng và của mỗi huyện.
Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định phương hướng phát triển của ngành du lịch là: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Trong phương án phát triển, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Du lịch trải nghiệm lối sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các bản làng dân tộc vùng miền tây, du lịch nông thôn, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe được xem là các sản phẩm du lịch tiềm năng của tỉnh.
Những quan điểm định hướng này cho thấy, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng là phù hợp với những định hướng phát triển chung của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng tài nguyên du lịch, liên kết du lịch vùng hướng tới sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Nghệ An. Từ tiếp cận phát triển dựa vào nội lực, nhằm phát huy các tài nguyên du lịch của vùng theo hướng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số về tài nguyên du lịch, về giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với tài nguyên du lịch. Một trong những yêu cầu của giải pháp này là chuyển những giá trị của tài nguyên du lịch (thiên nhiên và văn hóa truyền thống) thành niềm tự hào, là tài sản cho các hoạt động phát triển của cộng đồng và là cơ hội trong các hoạt động hợp tác phát triển với các nhà đầu tư, các nhà tài trợ.
Hai là, rà soát, đánh giá đầy đủ các tài nguyên du lịch trong vùng, đặc biệt là các tài nguyên phi vật thể, tri thức bản địa, những ngành nghề truyền thống, những giá trị văn hóa, câu chuyện văn hóa để có chiến lược khôi phục, bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên từng địa bàn. Đặc biệt chú trọng đến văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (Ơ Đu và Đan Lai). Việc thực hiện các giải pháp này cần huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân, các cộng đồng và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch; đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng và các nghệ nhân địa phương.
Ba là, trên cơ sở rà soát tài nguyên du lịch của các địa phương trong vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng đặc thù của mỗi địa phương, khai thác tối ưu các lợi thế tương đối của mỗi vùng; đồng thời hình thành các tour, tuyến, cung đường du lịch phù hợp, đặc trưng, tránh trùng lặp các sản phẩm trong cùng một tour, tuyến du lịch.
Bốn là, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa, đồng thời gắn với năng lực làm chủ quá trình phát triển của cộng đồng. Cụ thể, ở cấp cộng đồng, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, không gian du lịch cộng đồng gắn với trình diễn và trải nghiệm văn hóa. Trong đó, cộng đồng đóng vai trò là chủ từ lập kế hoạch tới tổ chức thực hiện; cần xây dựng cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng. Việc thực hiện đúng theo giải pháp này sẽ bảo đảm lợi ích của cộng đồng được tích hợp tốt trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển du lịch di sản văn hóa. Ngoài ra, cần tạo cơ chế liên kết giữa đại diện Nhà nước với khu vực tư nhân theo mô hình tham gia, đại diện, góp vốn, tham gia trong tư vấn hoạch định chính sách phát triển hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch di sản văn hóa nói riêng và hoạch định chính sách phát triển các sản phẩm du lịch di sản văn hóa nói chung; quỹ phát triển, quỹ xúc tiến du lịch di sản văn hóa...
Năm là, trong quá trình phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, cần đánh giá các tác động của du lịch đối với việc phát triển cộng đồng bền vững. Khuyến khích phát triển các mô hình du lịch xanh, du lịch áp dụng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường ở tất cả các quy mô và loại hình du lịch.
Sáu là, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch đảm bảo phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái thông qua các quy chế về việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch ở một số vùng sinh thái tiêu biểu. Trong đó, cân nhắc các biện pháp kỹ thuật như sức chứa du lịch để đưa ra các giải pháp đảm bảo đồng thời việc bảo tồn khu dự trữ sinh quyển và phát triển cộng đồng bền vững vì lợi ích của cộng đồng.
[1] Kinh, Thái, H’Mông, Tày, Ơ Đu, Khơ Mú (Tương Dương), Kinh, Đan Lai, Tày, Thái (Con Cuông), Thái, Khơ Mú, H'Mông, Hoa, Kinh (Kỳ Sơn), Dân tộc: Kinh, Mường, Thái (Anh Sơn) Kinh, Thái, H’Mông, Đan Lai (Thanh Chương)