PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀXÂY DỰNG NỀN KINH TẾ TRI THỨC Ở THỤY ĐIỂN
Tóm tắt: Thụy Điển là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế tri thức và đội ngũ trí thức. Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu để phân tích về các chính sách cũng như thực tiễn phát triển đội ngũ trí thức ở Thụy Điển. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của Thụy Điển gắn chặt với việc thiết lập một hệ thống giáo dục bao trùm, các chính sách đầu tư mạnh mẽ cho R&D và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tri thức nói chung. Những thành tựu và những kinh nghiệm của Thụy Điển về lĩnh vực này là bài học đáng tham khảo cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển trong việc phát triển đội ngũ trí thức trong nền kinh tế tri thức.
Giới thiệu[1]
Năm 2021, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Thụy Điển xếp thứ 19 trong tổng số gần 200 quốc gia được xếp hạng về GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương ở mức 59.222 USD (World Bank, 2023). Xét về chất lượng tăng trưởng, điều tra kinh tế thường niên của khối OECD cho thấy, năm 2019, nền kinh tế Thụy Điển tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đầu tư vào công nghệ giúp nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, các chính sách khuyến khích sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, đặc biệt nền kinh tế có sự đóng góp của lực lượng lao động có tay nghề cao với tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn hầu hết các quốc gia khác (OECD Economic Surveys, 2019). Chính vì thế, Thụy Điển luôn được coi là quốc gia có nền kinh tế tri thức hàng đầu trên thế giới. Quốc gia này cũng lấy việc phát triển kinh tế tri thức là định hướng lâu dài nhằm duy trì chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.
Những năm 1980, Thụy Điển là một nền kinh tế trì trệ, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp giảm dần. Trong những năm 1990, quốc gia này đã có những cải cách và chuyển mình, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ, năng động và cạnh tranh. Sự phát triển trở lại của Thụy Điển một phần là nhờ vào những chính sách tập trung vào nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh phát triển và một nền tảng tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, là điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia. Đặc biệt, giai đoạn 2018-2020, Thụy Điển liên tục xếp hạng lần lượt thứ 3, 2, và 2 vào các năm tương ứng về Chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index - GII) trong số 131 nền kinh tế được xếp hạng. Các chỉ số thành phần của Chỉ số Đổi mới toàn cầu của Thụy Điển đều cao hơn trung bình nhóm các nền kinh tế thu nhập cao và các nền kinh tế ở châu Âu (GII, 2020). Bên cạnh đó, Thụy Điển còn có phần chi tiêu cho R&D cao nhất trên thế giới và dân số có trình độ cao, chỉ số bất bình đẳng thấp và phúc lợi tốt cho người dân (OECD Economic Surveys, 2019).
Với vị thế là quốc gia hàng đầu về kinh tế tri thức trên thế giới, kinh nghiệm của Thụy Điển trong xây dựng và thực thi chính sách về vốn con người, vốn tri thức, đổi mới… cung cấp nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các nước khác, đặc biệt các nước đang phát triển để xây dựng đội ngũ trí thức và nền kinh tế tri thức phát triển và bền vững.
1. Giáo dục và đào tạo
Xây dựng đội ngũ trí thức[2] tại Thụy Điển bắt đầu từ một nền giáo dục tiên tiến và bao trùm, giáo dục kết nối với thị trường lao động. Vốn được biết tới là một quốc gia có phúc lợi tốt và bình đẳng, Thụy Điển đã xây dựng một hệ thống giáo dục bao trùm và công bằng trên nhiều khía cạnh. Đặc biệt, hệ thống giáo dục từ cấp tiền tiểu học đến đại học đều được đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước và miễn phí đối với người dân.
Phổ cập giáo dục
Ở Thụy Điển, trẻ em thường bắt đầu đi học từ năm 7 tuổi và duy trì chương trình học bắt buộc trong ít nhất 9 năm theo chính sách phổ cập giáo dục (Swedish Institute, 2021). Phổ cập giáo dục được quy định trong Luật trường học 2010 (School Code) và đã có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn. Bộ luật này thừa nhận sự tồn tại của các trường tư thục và đối xử như nhau giữa các cơ sở công lập và tư thục. Bộ luật còn chỉ rõ, giáo dục phải khách quan và không chịu bất kỳ ảnh hưởng tôn giáo nào, và phải có một chương trình giảng dạy quốc gia chung mà mọi trường học cần tuân theo (Stanfors, 2014).
Đảm bảo bình đẳng và hội nhập
Sự bao trùm và công bằng trong hệ thống giáo dục Thụy Điển thể hiện ở các nỗ lực chính sách để người thiểu số gốc Sami có môi trường học tập riêng phù hợp, có hệ thống trường chuyên biệt dành cho những trẻ có nhu cầu học tập đặc biệt, đảm bảo phụ nữ được đối xử và hưởng cơ hội công bằng, người lớn cũng có cơ hội học tập như trẻ em… Với số lượng người nhập cư ngày một tăng, Thụy Điển cũng quan tâm tạo cơ hội bình đẳng cho nhóm học sinh nhập cư, chiếm 17,4% nhóm trẻ 15 tuổi. Khoảng 40% học sinh có nguồn gốc di cư có điểm số thấp hơn trung bình cả nước về khoa học (PISA 2015). Do đó, chính phủ Thụy Điển đã dành 2,3 tỷ SEK (khoảng 260 triệu USD) trong năm 2017 cho chương trình can thiệp sớm tại các trường học. Các địa phương cũng như trường tư có thể sử dụng khoản ngân sách này để giảm quy mô lớp học hoặc để tuyển dụng thêm giáo viên (OECD, 2017).
Chuyển tiếp giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động
Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục tại một quốc gia, thể hiện ở năng lực cung cấp các kĩ năng và hiểu biết về thị trường lao động cho người học, có ảnh hưởng quan trọng tới quyết định học tập của người dân. Số liệu thống kê cho thấy tính hiệu quả của hệ thống giáo dục tại Thụy Điển. Thụy Điển có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp ở nhóm 25-34 tuổi có trình độ đại học trở lên, trong năm 2015 là 5,1% so với mức trung bình của OECD là 6,9%. Tỷ lệ dân số 15-29 tuổi không đi học và không đi làm cũng rất thấp (9,1% so với trung bình OECD là 14,6%). Chính phủ đã nỗ lực để hệ thống giáo dục cho người lớn trở nên dễ tiếp cận và thực tế, công dân Thụy Điển và một số trường hợp không phải công dân được tham gia chương trình giáo dục cho người lớn miễn phí. Trong khảo sát Kĩ năng của người lớn khu vực OECD, Thụy Điển cũng đạt mức trên trung bình của khối ở trình độ đọc hiểu và tính toán(OECD, 2017).
Ở Thụy Điển, người 16 tuổi có thể lựa chọn trong tổng số 18 chương trình học trung học phổ thông, trong số đó có 12 chương trình có định hướng đào tạo nghề. Quốc gia này cũng chú trọng chương trình đào tạo trung học phổ thông đảm bảo cung cấp các kĩ năng cần thiết để chuẩn bị học tập lên cao hoặc đi làm. Những học sinh không đủ điểm để chuyển cấp vào các chương trình giáo dục, đào tạo quốc gia có thể lựa chọn hoàn thành một trong số 5 chương trình bổ trợ để đạt điểm vào học chương trình quốc gia(Peterka, et al., 2017).
Nâng cao trình độ và kĩ năng người dân và tăng tính hấp dẫn của đào tạo nghề
Kể từ năm 2011, các chương trình thực tập và học qua làm việc đã được tích hợp trở thành một phần của giáo dục và đào tạo nghề trong các trường trung học phổ thông. Cục Giáo dục nghề nghiệp nâng cao được thành lập năm 2009 có chức năng quản lý khung chương trình của hệ thống giáo dục nghề nghiệp sau chương trình học phổ thông. Cục đóng vai trò là cầu nối để khớp nối cung và cầu lao động trên thị trường thông qua việc phân tích và đánh giá nhu cầu đối với lao động có chất lượng và các xu hướng của thị trường lao động để điều chỉnh khung chương trình.
Chương trình Thúc đẩy tri thức (Knowledge Boost) có ngân sách từ chính phủ dành cho địa phương có thể sử dụng cho những địa điểm học tập về nghề nghiệp lâu dài, với khoảng 70% dành cho chương trình học qua làm việc. Một phần ngân sách cũng có thể được sử dụng cho các chương trình học kết hợp giữa học nghề với học tiếng cho học sinh nhập cư để họ có thể tiếp cận được giáo dục nghề nghiệp trong khi vẫn cần học thêm tiếng Thụy Điển (Peterka, et al., 2017).
Quản lý trong giáo dục - Hệ thống giáo dục mang tính phân cấp rõ rệt
Chính quyền trung ương Thụy Điển giữ vai trò bao quát mảng giáo dục và có trách nhiệm xây dựng chương trình giảng dạy, các mục tiêu quốc gia và định hướng cho hệ thống giáo dục. Các cơ quan tham gia quản lý hệ thống giáo dục có Bộ Giáo dục và Nghiên cứu ở cấp trung ương cùng 3 cơ quan khác gồm Cục Giáo dục quốc gia hỗ trợ và đánh giá hoạt động của các địa phương, các trường học, hợp tác với Bộ trong việc đề ra các mục tiêu và chương trình giảng dạy quốc gia và công bố các thống kê về giáo dục;Cục Thanh tra trường học có trách nhiệm lập nên các trường tư độc lập và đảm bảo các địa phương, các nhà sáng lập trường tư độc lập và chính các trường tuân thủ theo luật và quy định chung của trung ương;Cục Giáo dục chuyên biệt điều phối những nỗ lực của chính phủ dành cho học sinh có nhu cầu giáo dục chuyên biệt(Peterka, et al., 2017).
Riêng với giáo dục đại học và nghiên cứu tại Thụy Điển, quốc hội và chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cao nhất. Họ quyết định về mục tiêu, quy định và phân bổ nguồn lực. Giáo dục và nghiên cứu là lĩnh vực của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu. Cục giáo dục đại học chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng với giáo dục đại học trở lên và cấp bằng, chứng chỉ trong khi Hội đồng giáo dục đại học lại có trách nhiệm chống phân biệt đối xử, thúc đẩy đối xử bình đẳng và thúc đẩy việc học đại học trong người dân. Mặc dù vậy, các trường đại học và cao đẳng cũng như những cơ sở đào tạo sau đại học vẫn có sự tự chủ nhất định về nội dung các khóa học, tuyển sinh, điểm hay phân bổ nguồn lực. Nhìn chung, các quyết định liên quan đến giáo dục và đào tạo tại Thụy Điển có gần 20% do cấp trung ương, hơn 30% ở cấp địa phương và hơn 40% ở cấp trường (Peterka, et al., 2017).
Ngân sách cho giáo dục chủ yếu từ khu vực công
Chi tiêu cho giáo dục tại Thụy Điển chiếm 13,64% GDP trong năm 2020 (Macrotrends, 2023). Tỷ lệ này trong 3 năm trước đó đều đạt trên 15% GDP. Thụy Điển là quốc gia duy nhất trong khối OECD có mức chi cho giáo dục hoàn toàn từ ngân sách cho các cấp giáo dục phổ thông. Ở cấp đại học, tỷ trọng ngân sách nhà nước chiếm tới 90% tổng chi cho giáo dục đại học (Peterka, et al., 2017).
2. Phát triển đội ngũ trí thức
Nhân lực chất lượng cao thường được xác định dựa trên trình độ học vấn và tại Thụy Điển, những người có trình độ đại học trở lên được coi là nguồn nhân tài của quốc gia. Như vậy, nhân tài tại Thụy Điển tương tự với khái niệm trí thức tại Việt Nam. Thụy Điểncoi trọng đầu tư cho nhân tài với các chính sách tập trung riêng cho hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Lý do cho sự đầu tư đó là vì hệ thống các trường đại học vừa giúp nâng cao nền tảng kĩ năng vừa dẫn dắt đổi mới thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nói cách khác, hệ thống giáo dục đại học vừa giúp nâng cao vốn nhân lực vừa góp phần tăng năng suất quốc gia (Awel, 2013; Oxford Economics, 2020).
Hệ thống giáo dục phục vụ cho phát triển trí thức
Thụy Điển có hệ thống giáo dục đại học tương đối linh hoạt so với các quốc gia khác với nội dung giáo dục được thiết kế theo các khóa học cụ thể, cung cấp nhiều khóa học từ xa và trực tuyến. Nguồn lực được tập trung cho các cơ sở đào tạo đại học để mở rộng đào tạo đại học và thạc sỹ, tăng tiếp cận của người học với những khóa học ngắn hạn về phát triển nghề nghiệp, mở hàng loạt các khóa học trực tuyến và hỗ trợ các lớp học từ xa. Với hệ thống giáo dục linh hoạt như vậy, Thụy Điển có lợi thế và thuận lợi trong xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân.
Với đào tạo nghiên cứu sinh và nghiên cứu, Chính phủ cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo theo gói và được các cơ sở đào tạo sử dụng một cách tự do tùy theo lĩnh vực nghiên cứu. Nhà nước tài trợ phần lớn ngân sách cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, và do đó hầu hết việc học ở cấp này là miễn phí. Thông thường, ngân sách cho lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ thường được nhiều hơn khoa học xã hội. Các cơ sở đào tạo cũng có thể cạnh tranh với các cơ sở khác, nộp đề xuất để nhận tài trợ từ các quỹ khác do các bộ vận hành. Các tổ chức tư nhân hay khối EU cũng có nhiều quỹ dành cho hoạt động nghiên cứu mà các cơ sở có thể đăng kí (Swedish Higher Education Authority, 2020).
Ngoài ra, Thụy Điển còn có hệ thống dạy nghề. Hệ thống dạy nghề sau cấp trung học phổ thông là nhằm đáp ứng trực tiếp nhu cầu của thị trường lao động với thời gian đào tạo từ 1-3 năm. Nhìn chung, tỷ lệ theo học nghề chiếm khoảng 10% nên phần lớn nhân lực đang học đại học và sau đại học đều ở các trường đại học, cao đẳng (Swedish Higher Education Authority, 2020).
Học tập suốt đời
Học tập suốt đời cũng là một nội dung trọng tâm của giáo dục Thụy Điển nhằm xây dựng đội ngũ trí thức và nhân lực chất lượng cao. Có thể thấy tại Thụy Điển gần đây, rất nhiều tân sinh viên có tuổi đời 25 tuổi trở lên (Swedish Higher Education Authority, 2020). Tái cấu trúc số và những biến đổi khác của xã hội sẽ đặt ra yêu cầu kĩ năng mới, nhiều nghề sẽ có sự thay đổi. Do đó, Chính phủ mong muốn mỗi cá nhân có nhiều cơ hội trở lại các cơ sở đào tạo đại học và có thể theo học các khóa học giúp họ có được các kĩ năng mới, mở rộng những kĩ năng đã có và trở nên chuyên nghiệp hơn. Thiết kế các chương trình và khóa học rất linh hoạt giúp hiện thực hóa mục tiêu này của chính phủ: khóa học từ xa, cả toàn thời gian và bán thời gian; việc theo học là miễn phí với sinh viên trong nước không giới hạn độ tuổi và quay trở lại trường lần thứ bao nhiêu; người sử dụng lao động có thể kí hợp đồng đào tạo cho người lao động theo yêu cầu.
Đào tạo theo nhu cầu thị trường
Định hướng chính sách của Thụy Điển cũng tập trung nhiều vào đảm bảo tiếp cận kĩ năng của người dân. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Thụy Điển cao (vẫn thấp hơn khu vực châu Âu), song quốc gia này vẫn phải đối mặt với thiếu hụt nhân lực ở một số lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và chăm sóc y tế. Ngành công nghệ thông tin (IT) cũng là ngành gặp khó trong tuyển dụng đủ nhân lực. Chính vì thế, các cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ nắm bắt và giải quyết nhu cầu của người học và thị trường lao động trong bối cảnh không phải lúc nào sở thích và định hướng của người học cũng dựa trên tín hiệu của thị trường lao động. Chính phủ đã có nhiều sáng kiến để tăng cường kết nối giữa các cấp độ. Chính phủ đã có 4 chương trình chiến lược cho giai đoạn 2019-2022 để tăng kết nối giữa khu vực tư nhân, khu vực đào tạo và chính phủ. Mục tiêu chính là huy động các nguồn lực để đẩy mạnh sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Thụy Điển nhằm đối mặt với các thách thức hiện nay.
Tinh thần khởi nghiệp xuyên suốt
Năm 2009, Cục giáo dục Thụy Điển đã triển khai chiến lược giáo dục khởi nghiệp. Nhờ đó, giáo dục khởi nghiệp đã được tích hợp ở tất cả các cấp và các loại hình giáo dục. Cụ thể hóa chiến lược này, nhiều trường đại học cung cấp các chương trình doanh nghiệp chú trọng tới trang bị cho sinh viên các kĩ năng cần thiết tại nơi làm việc hoặc cho khởi nghiệp như chương trình thực tập, chuyển giao tri thức và tư vấn nghề nghiệp… (Oxford Economics, 2020). Đáng lưu ý, các mối liên kết và liên hệ mà sinh viên đã thiết lập khi còn học, với giảng viên, với các sinh viên khác, với các hiệp hội, câu lạc bộ… giúp tạo lập nền tảng quan trọng cho sự thành công nghề nghiệp sau này.
Chú trọng nghiên cứuvà phát triển
Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các cơ sở đào tạo ít bị quản lý và quy định chặt chẽ như hoạt động đào tạo. Quy định pháp lý về hoạt động nghiên cứu chỉ nêu lên việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu là tự do, các phương pháp nghiên cứu có thể được tự do xây dựng và các kết quả nghiên cứu được tự do xuất bản. Thêm nữa, sự ghi nhận trong lĩnh vực học thuật và các trường hợp tiến hành nghiên cứu tốt được tạo điều kiện và khuyến khích (Swedish Higher Education Authority, 2020). Công nghệ xanh và khoa học cuộc sống là hai lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu và các công ty Thụy Điển có năng lực và tiềm năng lớn. Chính phủ đã bố trí một văn phòng khoa học cuộc sống để xây dựng chiến lược quốc gia về khoa học cuộc sống nhằm thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này.
Nhân lực nghiên cứu và giảng dạy
Thụy Điển có khoảng 67.900 cán bộ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2019. Lực lượng cán bộ và giảng viên này đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong số đó, khoảng 60% là lực lượng giảng viên và nghiên cứu. Đội ngũ nhân lực này đảm nhận các vị trí khác nhau gồm: giáo sư, giảng viên có thâm niên, các vị trí phát triển nghề nghiệp (chẳng hạn sau tiến sĩ), giảng viên, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có bằng tiến sĩ khác, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu không có bằng tiến sĩ khác. Trong thực tế, nghiên cứu sinh đảm nhận khối lượng công việc giảng dạy và nghiên cứu rất nhiều nhưng không được thống kê chính thức trong các số liệu được công bố. Tỷ trọng giáo sư chỉ chiếm 4% (đối với cả nam và nữ) trong tổng số cán bộ làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Tính trên tổng số cán bộ, số lượng người làm việc R&D nhiều nhất lần lượt là khoa học xã hội, dược và khoa học sức khỏe và khoa học tự nhiên với hơn 70%. Tuy nhiên, tốc độ tăng lớn nhất là số lượng cán bộ ngành khoa học tự nhiên (Swedish Higher Education Authority, 2020).
3. Xây dựng nền kinh tế tri thức
Cùng với hệ thống giáo dục bình đẳng, bao trùm và các định hướng phát triển tri thức mạnh mẽ (Mục 1, 2), các chính sách và chương trình đầu tư cho R&D và đổi mới cũng được coi trọng nhằm xây dựng đội ngũ trí thức và nền kinh tế tri thức tại Thụy Điển.
Các chính sách chung liên quan đến đổi mới và phát triển nền kinh tế tri thức tầm quốc gia tại Thụy Điển được xây dựng bởi chính phủ với sự tham gia của ba bộ gồm: Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Văn hóa; Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp, Việc làm và Truyền thông.
3.1. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
Ngân sách cho R&D
Trong năm 2018, Thụy Điển đầu tư 3,3% GDP của mình cho hoạt động R&D và là một trong những quốc gia đi đầu về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Thụy Điển cũng là một trong số ít các quốc gia đạt được mục tiêu đầu tư cho R&D của khối EU. Chính phủ Thụy Điển thậm chí đặt ra mục tiêu cao hơn là đầu tư 4% GDP cho R&D (Swedish Higher Education Authority, 2020).
Xét về tỷ trọng, chính phủ Thụy Điển đầu tư 94,3% trong khi 6 quỹ nghiên cứu bán công đầu tư phần còn lại cho R&D. Trong tổng số ngân sách của chính phủ cho R&D, 56% dành cho các nghiên cứu khám phá và 42% cho các hoạt động R&D theo nhiệm vụ (đặt hàng). Phần lớn ngân sách nghiên cứu khám phá được chuyển trực tiếp cho các trường đại học và cao đẳng. Trong 42% ngân sách cho các nhiệm vụ đặt hàng, 5% được dành cho Cục Hệ thống sáng tạo (VINNOVA) với nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua cấp vốn cho R&D và phát triển các hệ thống sáng tạo hiệu quả (Åström, et al., 2006).
Đáng chú ý, khoảng 1/3 ngân sách cho nghiên cứu là dành cho khoa học sức khỏe và y tế. Kết quả là, phần lớn các xuất bản phẩm cũng tập trung vào lĩnh vực khoa học sức khỏe và y tế. Chẳng hạn, năm 2019, xuất bản phẩm trong lĩnh vực sức khỏe và y tế là 19.000 bài, tiếp theo mới là lĩnh vực khoa học xã hội với 14.300 xuất bản phẩm (Swedish Higher Education Authority, 2020).
Những chủ thể tiến hành R&D
Khu vực doanh nghiệp tại Thụy Điển tiến hành phần lớn các hoạt động R&D (khoảng gần 75%). Các trường đại học không chỉ chịu trách nhiệm về nghiên cứu khám phá, hơn thế nữa, họ cũng chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đối với hầu hết các hoạt động R&D theo nhiệm vụ và chuyển giao công nghệ liên quan (hơn 25%). Khoảng 30 viện nghiên cứu chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng năng lực R&D nhưng chúng vẫn là những đơn vị trung gian quan trọng giữa hoạt động nghiên cứu với hoạt động ứng dụng trong các ngành, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Åström, et al., 2006).
Chuyển giao tri thức và phổ biến công nghệ cho các doanh nghiệp
Hầu hết việc chuyển giao tri thức R&D bắt nguồn từ các trường đại học và thường thông qua các khóa học giáo dục thường xuyên, công việc trong ngành công nghiệp, khai thác thông qua các công ty mẹ, sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng theo ngành và thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu. Sự cần thiết của các cơ chế chuyển giao như vậy được nhấn mạnh trong các dự luật chính sách nghiên cứu nói trên và chiến lược đổi mới quốc gia.
Thương mại hóa R&D
Có nhiều tổ chức được ngân sách nhà nước tài trợ có vai trò thúc đẩy khởi nghiệp. Cơ quan quan trọng nhất là Cục Tăng trưởng vùng và kinh tế - NUTEK; Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp - ALMI; Cơ quan đổi mới; Quỹ công nghiệp. NUTEK khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển vùng. Cơ quan đổi mới có mục tiêu thương mại hóa những ý tưởng nghiên cứu thông qua phát triển doanh nghiệp và vườn ươm và tài trợ hạt giống. Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhà đổi mới, cung cấp quỹ mạo hiểm và tư vấn về phát triển doanh nghiệp. Quỹ công nghiệp thúc đẩy sáng tạo trong các doanh nghiệp Thụy Điển thông qua đầu tư vốn cổ phần hoặc các khoản vay.
3.2. Đầu tư cho đổi mới
Tăng cường các chính sách về đổi mới và tri thức
Các dự án dự báo công nghệ được tiến hành 2 lần và gần nhất năm 2004. Dự án đánh giá những thách thức lớn của Thụy Điển cũng như chỉ ra những lĩnh vực công nghệ đa ngành mà Thụy Điển có điều kiện tốt để phát triển trong tương lai và để tập trung phát triển các hoạt động R&D. Một trong các khuyến nghị được đưa ra là nguồn lực quốc gia nên tập trung vào một số vùng có năng lực để tập trung phát triển.
Môi trường thân thiện với đổi mới
Năm 2001, sắc lệnh “R&D và hợp tác trong hệ thống đổi mới” đưa ra thông điệp rõ ràng cho những nghiên cứu theo nhiệm vụ/chức năng. Các trường đại học vẫn là nơi tiến hành nghiên cứu do nhà nước tài trợ chính trong khi các viện nghiên cứu được chỉ định hỗ trợ sự phát triển toàn diện trong công nghiệp và làm cầu nối giữa các viện nghiên cứu hàn lâm với việc ứng dụng trong các ngành. Sắc lệnh cũng yêu cầu các viện nghiên cứu cần được sát nhập lại thành những một số viện lớn hơn để tăng tính cạnh tranh quốc tế và các ngành cũng cần có vai trò hiệu quả hơn đối với các viện nghiên cứu. Ngoài ra, sắc lệnh cũng cho phép tất cả trường đại học quyền được thành lập các công ty cổ phần để thúc đẩy sự tìm tòi và thực hiện nghiên cứu của riêng họ (Åström, et al., 2006).
Ngoài ra, Thụy Điển còn ban hành nhiều chính sách khác nhằm khuyến khích môi trường đổi mới như Sách trắng “Một Thụy Điển đổi mới”, đề ra chương trình đổi mới cho những năm tiếp theo; “Quỹ thương mại hóa các đổi mới” nhằm tăng cường tiếp cận đến các nguồn tài trợ hạt giống; Chiến lược phát triển ngành quốc gia với 6 ngành trọng điểm của Thụy Điển; “Nghiên cứu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn” tập trung vào khoa học cuộc sống, kỹ thuật và phát triển bền vững. Dựa vào điều kiện và nhu cầu của từng vùng, Thụy Điển cũng có các Chương trình phát triển vùng chính là các giải pháp khuyến khích đổi mới và khởi nghiệp.
Đổi mới toàn diện và liên tục
Với quan niệm đổi mới là những cách mới và tốt hơn tạo ra giá trị cho xã hội, doanh nghiệp và cá nhân; đổi mới bắt đầu ở sự sáng tạo và sức mạnh của các sáng kiến do cá nhân sở hữu. Do đó, Thụy Điển quan niệm đổi mới có điểm khởi đầu chính là ở con người, những người có thể và có mong muốn đem lại sự cải tiến một cách độc lập hay cùng với người khác.
Chiến lược đổi mới của Thụy Điển 2020 mong muốn đạt được: “Thụy Điển là một quốc gia sáng tạo, đặc trưng bởi những ý tưởng tiên phong và cách nghĩ cùng cách làm mới để hình thành tương lai của đất nước trong một cộng đồng toàn cầu. Mọi người ở tất cả các nơi trong Thụy Điển có thể và mong muốn đóng góp vào việc tạo ra giá trị cho con người, nền kinh tế và môi trường thông qua giải pháp mới hoặc cải tiến” (Government Offices of Sweden, 2020, p. 13).
Chiến lược dựa trên 3 nguyên lý: 1) Điều kiện thuận lợi nhất cho đổi mới gồm con người đổi mới, nghiên cứu có chất lượng cao và hệ thống giáo dục đại học vì đổi mới, điều kiện pháp lý và hạ tầng cho đổi mới; 2) Người dân, doanh nghiệp và tổ chức làm việc một cách hệ thống với đổi mới: doanh nghiệp và tổ chức đổi mới, đổi mới trong khu vực công, các vùng và môi trường đổi mới; 3) Thực hiện chiến lược đổi mới dựa trên cái nhìn tổng thể: liên kết giữa lĩnh vực chính sách với các cấp độ chính sách, đối thoại với tác nhân trong ngành, khu vực công và xã hội dân sự, trong quá trình học tập liên tục.
4. Thành quả của việc đầu tư vào vốn tri thức
Từ đầu những năm 1990 trở đi, Thụy Điển với chính sách miễn học phí và tăng cường đầu tư ngân sách, đã có được sự tăng lên cả số lượng và chất lượng các tổ chức giáo dục đại học. Kết quả là, lực lượng lao động có bằng cử nhân trở lên đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Hiện nay, hơn 40% tổng số lao động đang làm việc có trình độ đại học trở lên. Sự tăng lên đáng kể của lực lượng này nhằm chuẩn bị nguồn lao động cho một xã hội tri thức và bước chuyển đổi phía cầu theo hướng ưu tiên sản xuất sử dụng nhiều vốn nhân lực. Tuy vậy, sự thay đổi trong vốn nhân lực diễn ra ở khu vực công mạnh mẽ và tích cực hơn trong khi ở khu vực tư, tỷ lệ này chỉ là 25% (Eklund & Pettersson, 2019).
Trong dài hạn, xu hướng chung là sự gia tăng ổn định về việc làm yêu cầu sử dụng nhiều tri thức hay còn gọi là công việc trí óc. Từ năm 2012 đến năm 2020, Thụy Điển đã tạo thêm 68.000 công việc trí óc. Trong số này, 52.800 đã được tạo ra trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT) và 7.500 trong các dịch vụ tiên tiến, 7.200 trong các lĩnh vực sáng tạo và 500 trong lĩnh vực công nghệ(Sanandaji, 2021).
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều tri thức năm 2020 là 9,6%. Với tỷ lệ này, Thụy Điển là nước dẫn đầu trong khối EU và tính trong các nước châu Âu, Thụy Điển chỉ sau Thụy Sĩ. So với các nước châu Âu, Thụy Điển cũng có thế mạnh ở tất cả các lĩnh vực lao động trí óc, trừ mảng sản xuất công nghệ cao và dịch vụ IT. Hạn chế duy nhất của Thụy Điển hiện nay chính là giá lao động rất cao, dẫn đến khuyến nghị quốc gia này cần xem xét giảm thuế lao động (Sanandaji, 2021).
Eklund và cộng sự (2019) phân tích việc mở rộng giáo dục đại học đã có đóng góp vào năng suất và tăng trưởng kinh tế ở Thụy Điển ra sao. Với mẫu nghiên cứu là 50.000-60.000 công ty Thụy Điển trong giai đoạn 2001-2010 chiếm 85% giá trị tăng thêm của nền kinh tế, các tác giả đã chỉ ra: Trong vòng 10 năm, GDP tăng hàng năm 2,2% và GDP được tạo ra bởi khu vực tư nhân tăng trưởng gần 2,7% mỗi năm, tương ứng với tổng mức tăng trưởng là 30% trong giai đoạn 2001-2010. Trong đó, 50% mức tăng trưởng giá trị gia tăng của nền kinh tế là do sự tăng lên tỷ trọng những người lao động có bằng đại học trở lên trong các doanh nghiệp. Mỗi yếu tố gồm năng suất nhân tố tổng hợp và đầu tư vốn đóng góp ¼ vào tăng trưởng giá trị gia tăng. Mặc dù số lượng lao động có trình độ dưới đại học tăng nhanh, đóng góp của lực lượng này vào tăng trưởng là không đáng kể (5%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, trung bình, lao động có bằng cử nhân trở lên có năng suất cận biên cao gấp 2-3 lần nhóm có trình độ dưới đại học. Trong giai đoạn 2017-2018, đầu tư của các trường đại học vào kỹ năng đã làm tăng nguồn vốn con người tương đương khoảng 83,6 tỷ SEK (gần 9 tỷ USD). Điều này phản ánh sự thay đổi ở nhóm có trình độ chuyên môn cao nhất trong số những người có bằng cấp trong giai đoạn này (Oxford Economics, 2020).
Trong dài hạn, một đơn vị tăng lên về việc làm ở khu vực đô thị tại Thụy Điển làm cầu lao động trong lĩnh vực phi thương mại tăng khoảng 0,4–0,8 việc làm. Đáng chú ý, tác động này lớn hơn đối với công việc trong lĩnh vực thương mại với trình độ vốn nhân lực cao và với các ngành công nghệ cao. Thêm một công việc trình độ đại học trở lên vào lĩnh vực thương mại của nền kinh tế địa phương giúp tạo thêm 3 việc làm trong lĩnh vực phi thương mại trong dài hạn. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích rõ rệt của việc đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao ở nền kinh tế Thụy Điển (Moretti & Thulin, 2012).
Đầu tư mạnh mẽ của Thụy Điển vào hoạt động R&D cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Lợi tức của R&D không chỉ giới hạn ở những thành tựu của các tổ chức tiến hành R&D mà còn mang lại hiệu quả cho các tổ chức khác. R&D có thể mang lại hiệu quả cho cả nền kinh tế và toàn xã hội thông qua những hiệu ứng lan tỏa tích cực. Chẳng hạn, lợi tức của hoạt động R&D khu vực công của Thụy Điển là 3,1%. Tính riêng hoạt động R&D của các trường đại học tại Thụy Điển (chiếm 30% tổng hoạt động R&D của Thụy Điển) mang lại 6,7 tỷ SEK cho GDP (hơn 700 triệu USD), tương đương 1.300 SEK (139 USD) cho mỗi hộ gia đình (Oxford Economics, 2020).
5. Khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển đội ngũ trí thức
Như đã phân tích ở trên, Thụy Điển có được vị trí cao về kinh tế tri thức trên thế giới phần lớn nhờ vào đội ngũ trí thức ở nước này. Quá trình phát triển đội ngũ trí thức ở Thụy Điển thành công là nhờ vào chiến lược và cách thức quản lý đúng đắn của chính phủ. Dựa trên những phân tích ở trên, căn cứ vào định hướng phát triển và đặc điểm của Việt Nam, những luận điểm sau từ trường hợp của Thụy Điển có thể là các gợi ý chính sách hữu ích cho Việt Nam trong phát triển đội ngũ trí thức.
Đội ngũ trí thức được hình thành và phát triển dựa trên một hệ thống giáo dục thống nhất, bao trùm, mang tính hỗ trợ cao từ tiền tiểu học tới đại học. Thụy Điển quan tâm tới từng cấp học trong hệ thống giáo dục của đất nước để đảm bảo trẻ em được đến trường đúng tuổi và đầy đủ. Các cấp học thấp được coi là gốc, là tiền đề cho các cấp học sau nên đảm bảo trẻ đi học đầy đủ cũng như đảm bảo chất lượng chương trình học là ưu tiên của Thụy Điển. Giáo dục phổ thông cho trẻ em, cho người lớn, hệ thống dạy nghề và giáo dục đại học đều là thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục tại nước này. Tính ưu việt của hệ thống giáo dục này là ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là chủ yếu (năm 2018 là hơn 7% GDP dành cho giáo dục) nhằm đảm bảo người học là công dân Thụy Điển ở bất cứ độ tuổi nào có thể được tạo điều kiện theo học và học miễn phí. Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũng cố gắng bao phủ tới các đối tượng khó khăn như người dân tộc thiểu số, người nhập cư, người có nhu cầu giáo dục đặc biệt… để bất cứ ai không phân biệt xuất thân, điều kiện kinh tế - xã hội, dân tộc … đều được đi học.
Kết nối cung cầu lao động chặt chẽ để đảm bảo cơ sở giáo dục đào tạo cung cấp cho người học kĩ năng mà thị trường cần. Chính vì thế, hệ thống giáo dục Thụy Điển được đánh giá là hiệu quả khi các kĩ năng được trang bị cho người học là phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế và là những kĩ năng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống giáo dục cũng sẵn sàng linh hoạt trong việc cung cấp các khóa học như học từ xa, học trực tuyến, thiết kế khóa học theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Chính phủ chủ động tác động vào phía cầu bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào những ngành kĩ thuật cao có tính chất dẫn dắt trong nền kinh tế tri thức. Thụy Điển đang ở vị trí cao, dẫn đầu về chất lượng nhân lực cũng như nền kinh tế tri thức trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và duy trì lợi thế so sánh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt là một thách thức lớn với quốc gia này. Trong bối cảnh đó, Thụy Điển chủ động đầu tư mạnh vào những ngành có trình độ cao, đòi hỏi nguồn trí thức có chất lượng như trí tuệ nhân tạo, khoa học cuộc sống, y tế và sức khỏe… để chủ động tạo cầu và dẫn dắt thị trường lao động.
Xây dựng một xã hội học tập liên tục, suốt đời để duy trì nguồn trí thức cả về số lượng và chất lượng. Thụy Điển chủ trương xây dựng xã hội học tập suốt đời phục vụ cho quá trình đổi mới và nền kinh tế tri thức. Việc học tập suốt đời được thực hiện thông qua đào tạo nghề nghiệp và đào tạo cho người lớn hay các dịch vụ học tập số với cả những người đang làm việc và những người thất nghiệp. Quá trình học tập suốt đời cũng được diễn ra ngay tại các doanh nghiệp và tổ chức thông qua hình thức học qua làm việc và đào tạo nâng cao kĩ năng hoặc trang bị những kĩ năng mới để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi mới của nền sản xuất. Mới đây, có một số đề xuất thay đổi quy định về độ tuổi của người đi học để gỡ bỏ giới hạn đối với người đi học, theo đó, những người 55-60 tuổi vẫn có thể đi học nếu có nhu cầu.
Tích hợp tinh thần khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục và chủ động xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ cho doanh nghiệp, cho nền sản xuất. Thụy Điển xây dựng chương trình giáo dục khởi nghiệp và tích hợp trong tất cả các cấp học, đặc biệt ở bậc đại học để người học có đủ kĩ năng và kiến thức cần thiết khi tìm việc hay khởi nghiệp. Các chương trình nghiên cứu, giảng dạy cũng được yêu cầu quan tâm tới nhu cầu từ phía doanh nghiệp và để phục vụ doanh nghiệp.
Tăng đầu tư công cho R&D để tăng đầu tư nói chung cho R&D. Tăng đầu tư công vào nghiên cứu sẽ giúp tăng hoạt động R&D của khu vực tư nhân. Để phần vốn ngân sách nhà nước cho nghiên cứu tạo hiệu ứng tích cực và giúp tăng vốn tương ứng cho R&D ở khu vực tư nhân, các nghiên cứu được tiến hành trong các trường đại học cần phù hợp hơn với nhu cầu và các lĩnh vực của doanh nghiệp. Vốn đầu tư của chính phủ như vốn mồi sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng lên. Trong năm 2020, Thụy Điển chi tiêu cho R&D tới 3,5% GDP, cao nhất trong khối EU (World Bank, 2023).
Đảm bảo tính tự do, tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Với đội ngũ trí thức trong khu vực nhà nước cũng như trong doanh nghiệp, đảm bảo môi trường làm việc sáng tạo, tự do, tự chủ sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn tri thức cho phát triển. Mới đây, chính phủ Thụy Điển đang đề xuất đưa trở lại những quy định về tự do học thuật (đã bỏ ra năm 2007) vào luật đại học do Quốc hội phê chuẩn. Những thay đổi trong luật đại học nhằm hỗ trợ tự do học thuật và làm cho vai trò của giáo dục đại học trong mô hình học tập suốt đời trở nên minh bạch hơn (Jan Petter Myklebust, 2020).
Thụy Điển vẫn còn một số thách thức trong phát triển đội ngũ trí thức như làm sao để thu hút đội ngũ trí thức khi các tiêu chuẩn cũng như thuế đánh vào việc làm cao, làm sao để tăng cường tính di động của người lao động giữa khu vực nhà nước và tư nhân, khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp... Tuy vậy, Thụy Điển hiện vẫn là một nền kinh tế tri thức có thứ hạng cao trên thế giới cùng một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, năng suất cao. Do đó, những bài học thành công nêu trên trong phát triển đội ngũ trí thức ở Thụy Điển có thể là những gợi ý tốt cho các nước khác học tập và áp dụng trong quá trình phát triển bền vững tại quốc gia mình.
- Andersson, T., & Ejermo, O. (2005). Effort and Performance of R&D in Sweden. Malmö: International Organisation for Knowledge Economy and Enterprise Development.
- Åström, T., Eduards, K., Varga, H., & Segerpalm, H. (2006). Country report Sweden Strategic Evaluation on Innovation and the Knowledge Based Economy in relation to the Structural and Cohesion Funds, for the programming period 2007-2013.
- Awel, A. M. (2013). The long-run Relationship between Human Capital and Economic Growth in Sweden: MPRA.
- Confederation of Swedish Enterprise. (2020). Investing Sweden out of Recession - Reforms for a Better Investment Climate.
- Eklund, J. E., & Pettersson, L. (2019). Tertiary Education, Productivity and Economic Growth: Evidence from Sweden: Swedish Entrepreneurship Forum.
- GII. (2020). Global Innovation Index Sweden: Global Innovation Index.
- Government Offices of Sweden. (2020). The Swedish Innovation Strategy.
- Jan Petter Myklebust (2020). Legislation on academic freedom set to be strengthened. Truy cập ngày 14/01/2023 tại https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20201107080157547.
- Macrotrends (2023). Sweden Education Spending 1980-2023. Truy cập ngày 12/01/2023 tại https://www.macrotrends.net/countries/SWE/sweden/education-spending.
- Moretti, E., & Thulin, P. (2012). Local Multipliers and Human Capital in the US and Sweden. Stockholm: Research Institute of Industrial Economics.
- OECD (2019). OECD Economic Surveys: Sweden 2019. Paris: OECD Publishing.
- Oxford Economics. (2020). Multiplying Economic Value: The Impact of Swedish Universities: SUHF.
- Peterka, J., Figueroa, D. T., Golden, G., & Giovinazzo, M. (2017). Education Policy Outlook: Sweden: OECD.
- Sanandaji, N. (2021). The Geography of Europe’s Brain Business Jobs: 2021 Index: European Centre for Policy Reform and Entrepreneurship.
- Stanfors, M. (2014). Educational Policies: Sweden: SPLASH-db.eu.
- Swedish Higher Education Authority. (2020). Higher Education Institutions in Sweden 2020 Status Report. Stockholm: Swedish Higher Education Authority.
- Swedish Institute (2021). The Swedish school system. Truy cập ngày 15/01/2023 tại https://sweden.se/life/society/the-swedish-school-system.
- World Bank (2023). Số liệu của World Bank. Truy cập ngày 15/01/2023 tại https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP.CD?most_recent_value_desc=true.
|
(*) Bài viết là một trong các kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, mã số: ĐTĐL.XH-09/20.
[2] Trí thức trong bài được hiểu là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội (Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa X).