VÙNG VÀ VAI TRÒ CỦA VÙNG TRONG PHÁT TRIỂN
Tóm tắt: Bài viết hệ thống hóa các quan niệm về vùng cũng như các cách thức phân vùng khác nhau tùy thuộc mục tiêu nghiên cứu hay quản lý. Trên cơ sở tiếp cận từ góc độ vùng trong quốc gia, tác giả khái quát vai trò của vùng trong phát triển. Về cơ bản, vai trò đó được thể hiện trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường, gắn với sự đa dạng về tự nhiên, lịch sử và con người ở đó.
Từ khóa: Khái niệm vùng; Phát triển vùng; Vai trò của vùng.
Mở đầu[1]
Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua đã mang tới nhiều thay đổi lớn. Ranh giới về địa lý giữa các nước được thu hẹp lại và các thể chế quốc gia bị suy yếu. Những điều nêu trên còn được đẩy thêm một bước bởi những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, và sự giảm đi nhanh chóng của chi phí vận tải và di chuyển (Ascani et al, 2012). Vì vậy, nhiều người cho rằng thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn (Friedman, 2005). Trong bối cảnh đó, dường như vai trò của yếu tố vùng (thuộc quốc gia) đã chấm dứt; đồng thời sự hội tụ của các vùng và quốc gia, nhất là về mặt thu nhập, là đích đến cuối cùng của toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, các bằng chứng thực tiễn lại chỉ ra rằng vai trò của vùng và các tác nhân vùng ngày càng trở nên quan trọng trong thời gian qua, nhất là trong phạm vi quốc gia, và chính quá trình toàn cầu hóa sâu rộng hơn đã góp phần tạo nên và duy trì tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhiều hướng.
Thứ nhất là vai trò chi phối của các công ty đa quốc gia đối với dòng thương mại và đầu tư quốc tế. Mặc dù dòng vốn đầu tư của các công ty này gia tăng không ngừng về quy mô trên phạm vi toàn thế giới, song ở từng quốc gia nó lại thường tập trung ở một số vùng có nhiều điều kiện thuận lợi nhất. Khi các vùng đó tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, chúng có được nhiều lợi ích về lan tỏa công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại (Ascani et al., 2012). Chính mối liên kết chặt chẽ với thế giới bên ngoài như vậy làm các vùng nhận đầu tư có thêm nhiều lợi thế và vượt lên trên các vùng khác. Các vùng như vậy thông thường là đô thị và với sự tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như hiệu ứng nhân quả tích lũy, chúng ngày càng có xu hướng bỏ xa các vùng khác về mức độ phát triển.
Thứ hai, ngược lại, không phải vùng nào nhận được các khoản đầu tư lớn cũng trở nên thành công và có tính cạnh tranh hơn các vùng khác. Vùng phải có những đặc thù về cấu trúc nền tảng mới có khả năng hấp thụ những lợi thế khi tham gia các chuỗi giá trị quốc tế và quốc nội. Đặc thù này có thể bao gồm từ nền tảng tri thức địa phương; các chuẩn mực, niềm tin, giá trị tạo nên sự tin tưởng và hỗ trợ qua lại giữa các đối tác vùng; cho đến thể chế quản trị vùng (Pike et al., 2017). Nói cách khác, các đặc thù về thể chế và xã hội khuyến khích quá trình hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa các chủ thể vùng tạo ra môi trường năng động và sáng tạo, qua đó sử dụng hiệu quả các liên kết với bên ngoài. Tuy nhiên, trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, các vùng như vậy không nhiều.
Thứ ba, người ta nhận thấy rằng, vùng là nơi có quy mô thích hợp cho các hoạt động chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu, tận dụng lợi thế nhờ quy mô, sáng tạo và lan tỏa kiến thức và công nghệ. Điều này bắt nguồn từ khoảng cách về mặt địa lý và các điều kiện tự nhiên khác; sự tương đồng về văn hóa và xã hội tạo nên mạng lưới đan xen các mối quan hệ; và sự gần gũi về thể chế hình thành nên các hành động tập thể (Capello, 2016). Những vấn đề nêu trên có ý nghĩa rất lớn đến khả năng sáng tạo và đổi mới; các kỹ năng có liên quan của các tác nhân trong việc thu nhận và tích lũy kiến thức; khả năng ra quyết định và ứng phó với những thay đổi và thu hút các nguồn lực từ nơi khác,… Do đó, sự phát triển thường bắt nguồn từ cấp độ vùng trong mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay quan niệm về vùng có nhiều sự khác biệt; đồng thời việc đánh giá vai trò của vùng cũng đã có sự thay đổi. Vì những nhận định nêu trên, bài viết này hệ thống hóa các khái niệm về vùng và vai trò của chúng trong phát triển.
1. Quan niệm về vùng
Có thể xem xét phân chia vùng trên các khía cạnh: (1) Các đặc trưng về địa lý - tự nhiên; (2) Các đặc trưng về kinh tế; (3) Các đặc trưng về xã hội - văn hóa; (4) Các đặc trưng về chính trị - hành chính; và (5) Tổng hợp các mức độ của hai hay nhiều khía cạnh nêu trên.
Xét về mặt phạm vi và cấp độ, một vùng có thể bao gồm nhiều quốc gia, tập hợp nhiều vùng đất của nhiều quốc gia, hoặc một hay nhiều địa phương trong một quốc gia. Roth (2007) đưa ra quan niệm 4 cấp vùng theo không gian địa lý: (1) Vùng vi mô (microregion): Là vùng nhỏ nhất, gồm từ các đơn vị cấp cộng đồng (thị trấn, làng mạc) đến các đơn vị cấp quận hành chính, có quy mô tương đối nhỏ, tương ứng phạm vi các hoạt động và tương tác hàng ngày của cư dân; (2) Vùng trung gian (mesoregion): Là các vùng có quy mô vừa, thường lớn hơn vùng vi mô nhưng nhỏ hơn quốc gia, có tên và lịch sử riêng biệt, và tồn tại trong nhận thức xã hội; (3) Vùng vĩ mô (macroregion): Là vùng có quy mô lớn hơn một quốc gia nhưng nhỏ hơn một lục địa (như Balkans, Trung và Đông Âu, Scandinavia, Đông Nam Á,…); (4) Vùng toàn cầu (global region): Là vùng chiếm phần lớn một lục địa hoặc gồm nhiều phần của các lục địa khác nhau (như Địa Trung Hải, Thái Bình Dương,…).
Xét riêng vùng trong quốc gia, Keating and Loughlin (2004) phân vùng thành 4 loại:
(1) Vùng kinh tế (economic region) là các không gian lãnh thổ với những đặc trưng kinh tế đáp ứng được các tiêu chí định trước. Vùng loại này có thể là công nghiệp hoặc phi công nghiệp; đô thị hoặc nông thôn; các vùng với một loại hoạt động kinh tế tập trung như sản xuất thép, đóng tàu hay du lịch. Các vùng kinh tế cũng có thể là không gian phát triển kinh tế do chính quyền trung ương quy định. Ngoài ra, theo các cách tiếp cận hiện đại, nói tới vùng kinh tế là hàm ý vùng với sự tăng trưởng và phát triển nội sinh, đổi mới công nghệ, thay đổi cấu phần nhân tố sản xuất, hơn là các đặc điểm về ngành như đã đề cập ở trên.
(2) Vùng lịch sử - văn hóa (historial-cultural region) là nơi đặc trưng bởi hoạt động của các cộng đồng có chung nguồn gốc, đặc điểm văn hóa hoặc ngôn ngữ. Loại vùng này khác biệt với lãnh thổ văn hóa mang tính quốc gia – nhà nước.
(3) Vùng hành chính (administrative region) là nơi có ranh giới địa lý tương đối rõ ràng và là đối tượng của các hoạt động quản lý của chính quyền. Vùng hành chính thường là cấp ngay dưới chính quyền trung ương, hoặc tập hợp nhiều địa phương với mục đích thống kê.
(4) Vùng chính trị (political region) là nơi có chính quyền được bầu dân chủ, với phạm vi quyền lực được xác định trước để đưa ra các quyết định hành chính – chính trị một cách độc lập.
Schmitt-Egner (2002) tiến hành phân các vùng thành vùng văn hóa, hành chính và cấu trúc, với một tập hợp tiêu chí:
Loại vùng | Tác nhân chi phối | Loại quan hệ chi phối | Loại khả năng chi phối |
Vùng văn hóa (cultural region) | Văn hóa và chính trị | Quan hệ bên trong | Khả năng chính thức và biểu tượng (formal and symbolical abilities) |
Vùng hành chính (administrative region) | Chính trị | Quan hệ cân bằng bên trong và bên ngoài | Khả năng chính thức và vật chất (formal and physical abilities) |
Vùng cấu trúc (structural region) | Kinh tế | Quan hệ bên ngoài | Khả năng vật chất (physical abilities) |
Nguồn: Schmitt-Egner (2002:184).
Một số nghiên cứu xem xét vùng chỉ trên một tiêu chí, ví dụ như kinh tế hay văn hóa. Losch (1954), trong Lý thuyết vị trí trung tâm, xem vùng như một hệ thống thứ bậc các vị trí trung tâm; mỗi vùng bao gồm số ít các thành phố có thứ bậc cao và số nhiều các thành phố có thứ bậc thấp hơn. Thứ bậc của các thành phố hay vị trí được quyết định bởi sự đa dạng của các loại hàng hóa ở đó; trong khi sự đa dạng này là do quy mô tương đối của thị trường đối với các hàng hóa khác nhau. Hoover and Giarratani (2020) định nghĩa vùng kinh tế dưới dạng thị trường lao động có sự phụ thuộc về không gian (hay phân cực). Vùng như vậy có hai đặc điểm chính: (1) Tích hợp chức năng theo hướng dòng lao động, vốn và hàng hóa có tính tương đồng nội vùng; và (2) Trong phạm vi vùng, các hoạt động được định hướng một điểm (cực) chi phối các khu vực ngoại vi. Ngô Đức Thịnh (2019) cho rằng, vùng văn hóa là lãnh thổ có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư có các mối liên hệ nguồn gốc và lịch sử, có sự tương đồng về điều kiện phát triển. Giữa các nhóm dân cư đã có sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại nên trong vùng hình thành các đặc trưng chung, thể hiện ở sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần, khác biệt với các vùng khác.
Trong khi đó, các quan niệm khác về vùng thường kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau. Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Phú (2006) cho rằng, vùng có các thuộc tính sau: (1) Là một phần của bề mặt trái đất, chiếm không gian nhất định, có thể là không gian kinh tế, xã hội hay tự nhiên; (2) Có phạm vi và ranh giới nhất định, tùy thuộc vào các tiêu chí phân chia khác nhau; tuy nhiên về lâu dài, các ranh giới không phải là cố định; và (3) Là hệ thống có kết cấu nhất định, với các mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa các cấp độ và bộ phận. Vùng cũng có thể được xem là thực thể có các dấu hiệu đặc trưng; là phần đất đai, hoặc là khoảng không thuộc quốc gia, có những đặc điểm nhất định về tự nhiên, kinh tế, xã hội, phân biệt với các phần khác ở xung quanh. Nói cách khác, vùng là một bộ phận lãnh thổ của quốc gia có một sắc thái đặc thù nhất định, hoạt động như một hệ thống, gồm quan hệ tương đối chặt chẽ giữa các thành phần cấu tạo nên nó và có mối quan hệ với không gian bên ngoài (Lê Bá Thảo, 1998).
Về vùng kinh tế - xã hội, Viện Chiến lược phát triển (2010) quan niệm, đây là một phạm trù lịch sử, là phân hệ của một hệ thống lớn hơn - hệ thống các vùng lãnh thổ của quốc gia; cùng lúc, lại là một hệ thống trong đó có các phân hệ nhỏ hơn. Nó được xem là một phần lãnh thổ quốc gia với các hoạt động kinh tế - xã hội tiêu biểu nhằm thực hiện sự phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. Loại vùng này có quy mô diện tích và dân số ở cấp cao nhất, là đối tượng cho việc hoạch định các chiến lược, kế hoạch phát triển theo lãnh thổ, cũng như việc quản lý kinh tế - xã hội của cả nước (Viện Chiến lược phát triển, 2004).
Tuy vậy, một điều đáng lưu ý là các khái niệm hay định nghĩa về vùng nêu trên mặc dù hữu ích cho mục tiêu nghiên cứu, song không thuận lợi cho mục tiêu quản lý. Bởi lẽ, các hoạt động tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội thường chồng lấn và không có ranh giới rõ ràng, và nếu ranh giới có được xác định thì cũng ít khi trùng lặp với các địa giới hành chính sẵn có. Chính vì vậy, để phục vụ nhiều mục đích, OECD (2002) phân chia vùng thành:
(1) Các vùng đồng nhất (homogeneous regions): Bao gồm các thực thể không gian riêng biệt kết nối với nhau trên nền tảng thể hiện những đặc điểm tương đồng. Các đặc điểm đó có thể bao gồm cấu trúc sản xuất giống nhau, mẫu hình tiêu dùng và phân bố lực lượng lao động tương tự. Nói cách khác, đây là các vùng có sự chuyên môn hóa sản xuất rõ rệt, xét trong tương quan với các vùng khác. Điều này có thể xuất phát từ sự giống nhau về các nguồn lực tự nhiên chủ yếu (đất đai, khoáng sản, rừng,…) hay về địa hình hoặc khí hậu; cũng có thể bắt nguồn từ ứng xử xã hội, tính đặc thù vùng hay triển vọng kinh tế - xã hội tương đồng. Vấn đề cơ bản trong việc định rõ ranh giới vùng theo cách này là một số thực thể không gian, xét trên khía cạnh nào đó, giống với một vùng; nhưng xét trên khía cạnh khác lại cho thấy các đặc điểm giống với vùng lân cận.
(2) Các vùng phân cực (polarised regions): Nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố khác nhau trong phạm vi vùng, hơn là giữa các vùng. Do sự kết nối chức năng giữa các bộ phận vùng bị giới hạn bởi không gian, vùng phân cực thường xem trọng các nhân tố về khoảng cách, đặc biệt các lực hút và sự lan tỏa của các cực phát triển. Vì vậy việc vạch rõ ranh giới vùng ít được lưu tâm.
(3) Các vùng quy hoạch (planning regions): Thường được xem như kết quả của sự thống nhất và chặt chẽ trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và phản ánh các ranh giới hành chính được thiết lập từ trước. Vùng loại này được phân định để thực hiện các chính sách quản lý, đầu tư hay các chính sách xã hội, môi trường với các mục tiêu và nguồn lực nhất định. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều khi các vùng được phân chia dựa trên những dữ liệu thống kê có sẵn hoặc không tốn kém để thu thập nhằm mục đích phân tích.
2. Vai trò của vùng trong phát triển
2.1. Môi trường cho các hoạt động kinh tế - xã hội
Các nhân tố vị trí địa lý, cảnh quan, địa hình và tài nguyên kết hợp với nhau tạo thành những đặc trưng về tự nhiên của vùng, phân biệt nhưng không cắt rời với các vùng khác. Các nhân tố tự nhiên đó vừa là không gian, vừa là đầu vào đồng thời hấp thụ đầu ra của hệ thống kinh tế - xã hội, được thể hiện trên một số chức năng cơ bản:
(1) Điều tiết: Liên quan tới khả năng của các hệ sinh thái và bán sinh thái tự nhiên điều tiết các quá trình tự nhiên cơ bản và hệ trợ sinh, qua đó góp phần vào việc duy trì một môi trường lành mạnh với không khí, nước và đất sạch.
(2) Môi trường sống: Các hệ sinh thái tự nhiên cung cấp môi trường sống và tái sinh cho các loài động thực vật, và do đó góp phần vào bảo vệ đa dạng sinh học và gien và duy trì số lượng các loài.
(3) Sản xuất: Cung cấp các nguồn lực, từ thực phẩm và nguyên vật liệu đến năng lượng và nguyên liệu gien.
(4) Thông tin: Các hệ sinh thái tự nhiên góp phần vào việc duy trì sức khỏe tinh thần bằng cách cung cấp các tiện ích vui chơi, giải trí và khám phá tự nhiên; và
(5) Bảo tồn những lựa chọn cho tương lai (các thế hệ sau có thể tiếp cận với sự đa dạng của tự nhiên như thế hệ trước) (Heal et al., 2001).
Tập hợp các chức năng nêu trên gắn bó hữu cơ, bổ sung cho nhau; đồng thời có quan hệ chặt chẽ, không phân chia với các tập hợp chức năng tự nhiên vùng khác. Vì vậy, các hoạt động kinh tế - xã hội không thể diễn ra một cách suôn sẻ nếu các chức năng đó bị tổn hại, dẫn đến sự tàn phá cơ sở cơ bản nhất, để lại những hậu quả xấu và không thể đảo ngược.
2.2. Nơi diễn ra các hoạt động chuyên môn hóa dựa trên lợi thế so sánh
Mỗi vùng, hay địa phương trong vùng tập trung sản xuất những sản phẩm mà nó có lợi thế hơn các vùng khác xuất phát từ tính đa dạng trong nhu cầu. Nhờ đó, vùng có thế mạnh trong việc sản xuất các sản phẩm phân biệt. Chuyên môn hóa càng sâu thì năng suất cao và nhiều khả năng phát triển.
Tuy nhiên, vùng khác quốc gia ở chỗ chúng chuyên môn hóa và cạnh tranh trên cơ sở lợi thế tuyệt đối (so với vùng khác) hơn là lợi thế tương đối do có ít rào cản cho tự do di chuyển nguồn lực. Đồng thời, trong điều kiện có sự tự do di chuyển một cách tương đối của lao động và vốn, lợi thế tuyệt đối sẽ không nằm ở chi phí nhân công và vốn rẻ mà ở các điều kiện tự nhiên, các yếu tố hạ tầng và thể chế sẵn có. Camagni (2002) cho rằng, vùng được cho là có lợi thế tuyệt đối khi nó sở hữu các tài sản công nghệ, xã hội, thể chế, hạ tầng ưu việt hơn các vùng khác. Những tài sản này mang tính ngoại sinh nhưng mang lại lợi ích cho các chủ thể trong vùng mà không có lực hấp dẫn nào khác có thể tạo ra sự phân bố lại các hoạt động kinh tế.
EC (1999) cũng cho rằng, mặc dù trên thực tế có những doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao và thấp ở mọi vùng, nhưng có những đặc điểm chung của vùng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp hay hộ gia đình ở đó. Những đặc điểm chung này có thể được xem như tính ngoại sinh vùng, nằm ngoài các doanh nghiệp cá biệt ở địa phương và được các doanh nghiệp này dựa vào một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và do vậy ảnh hưởng tới hiệu quả, khả năng đổi mới, sự linh hoạt và năng động của doanh nghiệp.
2.3. Nơi diễn ra sự tập trung các hoạt động sản xuất tận dụng lợi thế nhờ quy mô
Vùng là nơi có quy mô phù hợp cho các hoạt động tận dụng lợi thế nhờ quy mô. Lợi thế nhờ quy mô có thể mang tính nội sinh do các quá trình diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp (phân công lao động hợp lý hơn, tiết kiệm các chi phí cố định,…), dẫn tới sản lượng tăng thì năng suất tăng. Lợi thế nhờ quy mô cũng có thể mang tính ngoại sinh, là kết quả của các tương tác thị trường, hiệu ứng lan tỏa kiến thức, của sự sẵn có nguồn lao động có kỹ năng, của khả năng cung ứng các yếu tố đầu vào và sự thuận lợi của đầu ra sản phẩm.
Krugman (2004) cho rằng, những lợi thế về tập trung sản xuất - sự tương tác giữa quy mô thị trường và lợi thế nhờ quy mô - và chi phí vận tải là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt vùng. Các lợi thế ban đầu về tự nhiên (lợi thế tuyệt đối) chỉ có ý nghĩa quan trọng lúc đầu, còn về sau chính sự tương tác giữa các chủ thể bên trong sự tập trung mới tạo nên các dòng di chuyển nguồn lực. Nói cách khác, sự tập trung tạo ra, đồng thời ngày càng làm sâu sắc thêm, các lợi thế của vùng thông qua tính kinh tế ngoại sinh. Tuy nhiên lực hút của sự tập trung không phải là vô hạn mà bị hạn chế bởi các lực ly tâm do chính sự tập trung tạo ra (tính phi kinh tế ngoại sinh), như sự quá tải về dân số, sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản hay sự tắc nghẽn về giao thông. Điều này tạo ra sự cân bằng động trong việc hình thành, phát triển sự tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội, và đây là điều quan trọng khi xem xét, đánh giá và thúc đẩy sự phát triển vùng.
2.4. Nơi hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành
Sự tồn tại của cụm liên kết ngành theo quan điểm của Porter (1990) - kết hợp tính kinh tế ngoại sinh, các yếu tố của chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp với các nhân tố sẵn có để hình thành lợi thế cạnh tranh vùng - góp phần tạo nên các hoạt động kinh tế năng động. Chúng được xem là trung tâm của các hoạt động đổi mới sáng tạo, lan tỏa công nghệ và lan tỏa phát triển. Các cụm liên kết này được tạo ra bởi 4 yếu tố và sự tương tác giữa chúng: (i) Các nhân tố sản xuất mang tính địa phương; (ii) Cầu thị trường địa phương; (iii) Cấu trúc ngành và chiến lược doanh nghiệp; và (iv) Các ngành liên quan và bổ trợ.
Sức mạnh của sự tương tác giữa các nhân tố nêu trên phụ thuộc vào hai khía cạnh cơ bản: (i) Sự tập trung của các ngành: việc tạo ra các nhân tố cao cấp như công nghệ, kỹ năng lao động, khả năng thiết kế và cơ sở hạ tầng được tạo ra bởi các liên kết ngang và dọc giữa các ngành; và (ii) Sự tập trung về mặt địa lý của ngành thúc đẩy sự lan tỏa công nghệ, tạo điều kiện cho các khoản đầu tư vào kỹ năng và khuyến khích sự phát triển của các ngành phụ trợ (Asheim et al., 2006; Audretsch and Lehmann, 2006).
2.5. Nơi tạo điều kiện cho sự phát triển nội sinh
Các nhân tố như sự gần gũi về địa lý, phong tục, tập quán, lịch sử, truyền thống; hệ thống các cơ sở nghiên cứu, chính quyền, tổ chức dân sự sẵn có,… tạo điều kiện cho sự lan tỏa về kiến thức và công nghệ. Đến lượt chúng, sự lan tỏa kiến thức và công nghệ tạo nên các vùng với các hoạt động đổi mới và sáng tạo. Nếu xem sự phát triển là mang tính nội sinh thì nó gắn với các hệ thống kinh tế - xã hội trong vùng, mà các thành tố của chúng có ý nghĩa quyết định đến khả năng kinh doanh, nhân tố sản xuất vùng, các kỹ năng có liên quan của các tác nhân trong việc thu nhận và tích lũy kiến thức, khả năng ra quyết định, khả năng ứng phó với những thay đổi và thu hút các nguồn lực từ nơi khác,… (Capello, 2016).
Mặt khác, tương tác giữa nhiều chủ thể quen thuộc sẽ tạo ra luồng thông tin và kiến thức lan tỏa trong mạng lưới. Mạng lưới càng dày đặc thì sức lan tỏa càng cao, điều không xảy ra đối với các giao dịch thông thường. Hiệu ứng này tương đối giống với hiệu ứng lan tỏa kiến thức giữa các chủ thể trong cụm ngành tập trung, chỉ có điều là qua kênh khác. Trong các cụm ngành tập trung thông tin và kiến thức lan tỏa có tính chất như hàng hóa công cộng, nghĩa là các chủ thể trong cụm đều có thể tiếp cận; còn trong mạng lưới thông tin và kiến thức mang tính hàng hóa cá nhân, nghĩa là chỉ những thành viên của mạng lưới có thể tiếp cận (Johansson and Quigley, 2004).
2.6. Nơi tạo ra các giá trị đặc thù về văn hóa - xã hội
Vùng được tạo thành bởi các yếu tố dân số, nhân khẩu, sắc tộc, chủng tộc, dân tộc,… Cùng với nhân tố tự nhiên, các nhân tố xã hội này tạo nên các cộng đồng dân cư với cách thức cư trú, sinh hoạt, sinh kế và phương thức sản xuất đặc thù. Trải qua tiến trình lịch sử, các cộng đồng người hình thành nên các cách thức tổ chức xã hội với hệ thống thứ bậc trong gia đình và cộng đồng, các quan niệm, chuẩn mực về đạo đức, ứng xử, các cơ chế khuyến khích, thưởng phạt, các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, các nhóm sở thích và lợi ích,…
Ở góc độ khác, đồng thời, các cộng đồng dân cư này tạo nên không gian văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng. Điều này được thể hiện thông qua các di sản vật thể như các công trình xây dựng, điêu khắc, kiến trúc, khu di sản, khu lăng tẩm, khu đất thiêng,…; và các di sản phi vật thể như ngôn ngữ, chữ viết, các sinh hoạt thể thao, văn hoá, văn nghệ dân gian, các lễ hội mang tính phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc tổng thể các hình thức đó (Hà Hữu Nga, 2007). Các “hệ giá trị”, “tâm thức”, “phản ứng tập thể” và nhiều hiện tượng khác tạo nên một đặc tính vùng cụ thể (Contel, 2015).
Vùng còn được tạo nên bởi các hoạt động của cá nhân, nhóm, cộng đồng, tổ chức dân sự (các hội, hiệp hội, các nghiệp đoàn,…). Các hoạt động đa dạng này hình thành nên xã hội dân sự năng động, nằm ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp, nhằm giám sát, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi thành viên. Đây cũng là không gian cho các hoạt động hợp tác giữa khu vực dân sự với nhà nước và thị trường, hình thành nên khu vực hỗn hợp trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường.
Kết luận
Tùy theo mục đích cụ thể, có thể quan niệm và phân chia vùng theo các tiêu chí khác nhau. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cần nhận thức rằng vai trò ngày càng quan trọng của vùng trong sự phát triển của quốc gia. Các vùng chỉ có thể phát triển, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung, dựa trên đặc thù của chúng. Do đó, không có một chính sách chung có thể áp dụng với mọi vùng. Đồng thời, việc đánh giá được tính đặc thù vùng sẽ góp phần xây dựng các chính sách phát triển vùng phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Ascani, A., Crescenzi R. and Iammarino, S. (2012). Regional Economic Development: A Review. WP1/03 Research Working Paper. Department of Geography and Environment, London School of Economics and Political Science.
- Asheim, B., Cooke, P. and Martin, R. (2006). Clusters and Regional Development: Critical Reflections and Explorations. Routledge: New York.
- Audretsch, D. and Lehmann E. (2006). The role of clusters in knowledge creation and diffusion. In Asheim, Bjørn, Philip Cooke and Ron Martin (2006). Clusters and Regional Development: Critical Reflections and Explorations. Routledge: New York, pp.188-198.
- Camagni, R. (2002). On the concept of territorial competitiveness: sound or misleading?. Urban Studies, 39(13), pp. 2395-2411.
- Capello, R., 2nd eds. (2016). Regional economics. Routledge Publisher: London & New York.
- Contel, B. (2015). Concepts of region and regionalization: Aspects of its evolution and possible uses to health regionalization. Saude e Sociedade, 24 (2), pp. 447-459.
- EC (European Commission) (1999). Sixth periodic report on the social and economic situation of regions in the EU. EC: Brussels.
- Friedman T. (2005). The world is flat: A brief history of Twenty-first Century. New York: Farrar, Straus, and Giroux.
- Hà Hữu Nga (2007). Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế. Đề tài cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Heal, G. et al. (2001). Protecting natural capital through ecosystem service districts. papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=279114.
- Hoover, E. and Giarratani F. (2020), An Introduction to Regional Economics. Web Book of Regional Science, 4.
- Johansson, B. and Quigley, J. (2004). Agglomeration and networks in spatial economies. University of California.
- Krugman, P. (2004). The “new” economic geography: Where are we?. http://www.ide.go.jp/Japanese/Lecture/Sympo/pdf/krug_summary.pdf
- Lê Bá Thảo (1998). Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý. Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Losch, A. et al. (1954). The economics of location. New Haven: Yale University Press.
- Ngô Đức Thịnh (2019). Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam. Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Phú (2006) (Đồng chủ biên). Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- OECD (2002). Impact of Transport Infrastructure Investment on Regional Development. Paris: OECD Publications.
- Pike, A., Rodriguez-Pose A. and Tomaney J., 2nd eds. (2017). Local and regional development. Routledge.
- Porter, M. (1990). The competitive advantage of nations. Free Press: New York.
- Roth, K. (2007). What is Region? Southeast European Regions Between Globalization, EU-Integration and Marginalization. In: Roth, K., Brunnbauer, U. (eds.), Region, Regional Identity and Regionalism in Southeastern Europe, part I, Ethnologia Balkanika, Journal of Southeast European Anthropology, 11, LIT Verlag, Berlin, pp. 17-42).
- Schmitt-Egner, P. (2002). The Concept Of “Region”: Theoretical And Methodological Notes On Its Reconstruction. European Integration, 24(3), pp. 179-200.
- Viện Chiến lược phát triển (2004). Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
|
Viện Chiến lược phát triển (2010). Ứng dụng mô hình liên vùng trong nghiên cứu mối quan hệ giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các vùng lân cận trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững nèn kinh tế Việt Nam. Đề tài khoa học cấp Bộ 2009.
(*) Bài viết là sản phẩm của Đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Lý thuyết phát triển bền vững vùng và gợi mở hướng nghiên cứu ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.