Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh
Khai thác thủy sản là hoạt động sinh kế rất quan trọng của cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm qua, ngành khai thác thủy sản của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là giảm nghèo cho cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển. Tuy nhiên, ngành khai thác thủy sản trên địa bàn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như nguồn lợi thủy sản suy giảm, ngư trường bị thu hẹp, phương tiện đánh bắt công suất nhỏ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu,… Đặc biệt, sự cố môi trường biển năm 2016 đã có những tác động lớn đến quá trình phát triển bền vững của ngành khai thác thủy sản Hà Tĩnh và đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng phát triển ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua; từ đó, đề xuất một số giải pháp phát triển ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới.
Đặt vấn đề
Hà Tĩnh là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển thủy sản. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển năm 2016 bởi Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có tác động rất lớn đến ngành thủy sản địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế bền vững và đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng ngư dân. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho cộng đồng ngư dân. Nhờ vậy, đến nay ngành thủy sản vùng ven biển của tỉnh đã từng bước phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, ngành thủy sản, nhất là khai thác thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi và phát triển như: đội tàu khai thác thủy sản ven bờ chiếm đa số, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, công tác chuyển đổi khai thác thủy sản theo hướng xa bờ còn nhiều hạn chế. Sử dụng dữ liệu thứ cấp từ niên giám thống kê, báo cáo kinh tế xã hội của địa phương và nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập từ kết quả điều tra 270 hộ gia đình ngư dân khai thác thủy sản ở khu vực ven biển tỉnh Hà Tĩnh[1], nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng phát triển ngành thủy sản tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát triển ngành thủy sản địa phương trong thời gian đến.
1. Thực trạng phát triển ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh
1.1. Quy mô, ngành nghề khai thác thủy sản
Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 4.158 phương tiện khai thác thủy sản, tăng 790 phương tiện so với năm 2015. Trong đó, phương tiện khai thác có công suất dưới 90CV là 3.804 phương tiện, chiếm 91,49% tổng phương tiện khai thác toàn tỉnh. Riêng phương tiện có công suất dưới 20 CV có 2.360 chiếc, chiếm 56,76%. Số phương tiện khai thác có công suất từ 90CV trở lên tăng khá nhanh trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 30 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên thì đến năm 2020 là 353 phương tiện. Số phương tiện có công suất lớn tăng mạnh từ năm 2013 đến nay đã làm cho tổng công suất phương tiện từ 90 CV tăng từ 8,3 nghìn CV năm 2010 lên 94 nghìn CV vào năm 2020 (Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 và Tổng cục Thống kê, 2021).
Hình 1 cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, cơ cấu phương tiện theo công suất có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng phương tiện công suất lớn, giảm tỷ trọng phương tiện công suất nhỏ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này còn chậm, số lượng phương tiện công suất nhỏ vẫn còn chiếm đại đa số. Đây là khó khăn lớn đối với phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của tỉnh trong thời gian tới khi mà nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, nhất là từ sau sự cố môi trường biển năm 2016.
Về ngành nghề, hoạt động khai thác thủy sản vẫn chủ yếu là các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, mành vó, câu. Trong đó, nghề lưới rê là nghề khai thác chủ yếu của cộng đồng ngư dân ven biển chiếm 43,63% tổng số phương tiện toàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành nghề này có xu hướng giảm trong thời gian qua, nếu như năm 2015, số phương tiện hoạt động trong nghề này chiếm 54,69% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 43,63%. Tiếp theo, các nghề câu cũng là sinh kế quan trọng của ngư dân vùng ven biển, chiếm 26,5% tổng số phương tiện toàn tỉnh, tăng 4,44% so với năm 2015 (22,06%). Các nghề khai thác như lưới kéo, lưới vây, mành vó ít có sự biến động trong thời gian qua và số lượng phương tiện cũng chiếm tỷ lệ dưới 10% tổng số phương tiện trên địa bàn tỉnh. Nhóm nghề khác có sự tăng lên đáng kể trong thời gian qua, từ 11,4% năm 2015 lên 18,09% năm 2020. Đây là các phương tiện hoạt động đa nghề hoặc các nghề khác ven bờ như lặn, bẫy mực, rập ghẹ, đăng, đáy, hỗn hợp, giã cào. Do nguồn lợi thủy sản suy giảm, các phương tiện hoạt động đa dạng ngành nghề hơn và gắn với mùa vụ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Đặc biệt, từ sau sự cố môi trường biển năm 2016, ngư dân khai thác thủy sản vùng ven biển có xu hướng chuyển đổi sang đa nghề thay vì hoạt động từ một nghề như trước (Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 và Tổng cục Thống kê, 2021).
1.2. Sản lượng, doanh thu và lợi nhuận khai thác thủy sản
Tính đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 39,5 nghìn tấn, tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 là 4,23%/năm, chiếm 71,17% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Trong đó, sản lượng cá biển đạt 23,2 nghìn tấn, tăng 6 nghìn tấn so với năm 2010, tăng bình quân 3,04%/năm. Hình 2 chỉ ra tác động rất lớn của sự cố môi trường biển năm 2016 đến sản lượng thủy sản khai thác của ngư dân vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Nếu như năm 2015, sản lượng thủy sản khai thác đạt 35,4 nghìn tấn thì đến 2016 giảm xuống còn 26,2 nghìn tấn, và cho đến năm 2018 thì sản lượng mới tăng lên trở lại đạt 33,4 nghìn tấn, vẫn ở mức thấp hơn thời điểm năm 2015. Trong đó, sản lượng cá biển khai thác được chịu tác động khá mạnh bởi sự cố môi trường biển, nếu như năm 2015 sản lượng cá đạt được 21,3 nghìn tấn thì đến năm 2016 chỉ còn 16,4 nghìn tấn và mãi đến năm 2019 sản lượng cá biển mới tăng lên 21,1 nghìn tấn (Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh, 2020 và Tổng cục Thống kê, 2021). Như vậy, về tổng thể, ngành thủy sản của tỉnh phải mất ít nhất 04 năm mới đạt mức sản lượng khai thác ở thời điểm 2015. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự cố môi trường biển đã có ảnh hưởng hết sức to lớn đến thay đổi sinh kế ngư nghiệp của cộng đồng ngư dân, theo đó ngành khai thác thủy sản Hà Tĩnh đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng nâng cao công suất phương tiện đánh bắt, gia tăng số lượng tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ.
Tác động của sự cố môi trường biển năm 2016 đối với hoạt động khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh được thể hiện rõ qua phân tích sản lượng trung bình trên phương tiện khai thác. Nếu như năm 2015, sản lượng thủy sản bình quân đạt 10,51 tấn/phương tiện, trong đó sản lượng cá đạt 6,32 tấn/phương tiện thì đến năm 2016 giảm mạnh chỉ còn 7,78 tấn thủy sản/phương tiện và 4,87 tấn cá/phương tiện; đến năm 2020 sản lượng thủy sản bình quân nói chung và cá biển nói riêng cũng thấp hơn mức trung bình của năm 2015 (Bảng 1). Như vậy, phải mất hơn 4 năm ngành khai thác thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh mới quay trở về thời điểm trước sự cố môi trường biển. Đồng thời, sản lượng trung bình trên phương tiện cũng chỉ ra sự giảm sút trong hiệu quả khai thác của ngành. Cụ thể, đến năm 2020, sản lượng bình quân trên phương tiện chỉ đạt 9,5 tấn, trong đó sản lượng cá đạt 5,58 tấn, hai chỉ tiêu này đều thấp hơn so với thời điểm năm 2015.
BẢNG 1. SẢN LƯỢNG THỦY SẢN BÌNH QUÂN GIAI ĐOẠN 2015-2020 (Tấn/phương tiện)
TT | Chỉ tiêu | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
1 | Sản lượng thủy sản | 10,51 | 7,78 | 7,82 | 7,93 | 9,39 | 9,50 |
2 | Sản lượng cá | 6,32 | 4,87 | 4,33 | 4,46 | 5,16 | 5,58 |
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2020).
Kết quả điều tra 270 ngư dân khai thác thủy sản tại Bảng 2 cũng cho thấy, tại thời điểm năm 2019 doanh thu bình quân đạt 7,02 triệu đồng/phương tiện/chuyến đi biển, doanh thu trung bình hàng năm đạt 145,3 triệu đồng/phương tiện; lợi nhuận bình quân đạt 2,76 triệu đồng/phương tiện/chuyến và cả năm đạt 92,8 triệu đồng/phương tiện; thu nhập bình quân lao động đạt 51,5 triệu đồng/năm. Như vậy, so với trước thời điểm sự cố môi trường biển 2016, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của ngư dân đều có sự giảm sút đáng kể, đặc biệt các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và thù lao cho lao động đều giảm đi hơn 50% so với trước sự cố môi trường.
BẢNG 2. DOANH THU, LỢI NHUẬN CỦA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯ DÂN VEN BIỂN HÀ TĨNH (Triệu đồng)
TT | Chỉ tiêu | Trước 2016 | 2019 | ||||
Trung bình | Trung vị | Mode | Trung bình | Trung vị | Mode | ||
1 | Doanh thu trung bình mỗi chuyến đi | 9,33 | 1,8 | 1 | 7,02 | 1 | 1 |
2 | Doanh thu trung bình một năm | 329,4 | 150 | 150 | 145,3 | 80 | 100 |
3 | Lợi nhuận trung bình cho mỗi chuyến đi biển | 4,14 | 1,2 | 1 | 2,76 | 0,6 | 0,2 |
4 | Lợi nhuận bình quân hàng năm | 204,6 | 105 | 100 | 92,8 | 50 | 30 |
5 | Thu nhập lao động làm thuê | 97,5 | 60 | 30 | 51,5 | 32 | 40 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
Kết quả điều tra ngư dân tại Bảng 3 cũng cho thấy, có hơn 90% số ngư dân được hỏi đều đồng ý và rất đồng ý với nhận định về sự suy giảm rõ rệt sản lượng đánh bắt trên một mẻ lưới, trên mỗi chuyến đi biển, số loài và nguồn lợi thủy sản suy giảm rõ rệt so với trước sự cố môi trường biển Formosa. Đặc biệt, khi được hỏi về “nguồn lợi thủy sản hiện nay đã giảm rõ rệt so với trước sự cố môi trường biển Formosa” thì có đến 84,61% ngư dân ven biển của tỉnh đồng ý với nhận định trên, trong đó có đến 55,88% ngư dân thể hiện quan điểm “rất đồng ý”. Điều này cũng phù hợp với những thông tin chúng tôi thu thập được trong quá trình đi điền dã thực tế tại địa phương rằng, ngư dân có nhận định nghề biển bây giờ rủi ro thua lỗ cao hơn và có nhiều hộ gia đình ngư dân đã chuyển đổi nghề nghiệp hoặc sử dụng khoản tiền đền bù từ sự cố Formosa đầu tư cho con cái học nghề, hoặc bỏ hẳn nghề đi biển.
BẢNG 3. ĐÁNH GIÁ CỦA HỘ GIA ĐÌNH NGƯ DÂN ĐỐI VỚI SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN FORMOSA (%)
TT | Đánh giá | Nhận định của hộ ngư dân | ||||
Hoàn toàn không đồng ý | Không đồng ý | Không ý kiến | Đồng ý | Rất đồng ý | ||
1 | Sản lượng đánh bắt trên một mẻ lưới giảm nhiều so với trước sự cố Formosa | 1,47 | 1,47 | 4,41 | 34,80 | 57,84 |
2 | Sản lượng khai thác/chuyến biển giảm nhiều so với trước sự cố Formosa | 1,48 | 0,99 | 3,45 | 38,92 | 55,17 |
3 | Số loài hải sản khai thác được giảm nhiều so với trước sự cố Formosa | 2,44 | 0,49 | 2,93 | 39,51 | 54,63 |
4 | Nguồn lợi thủy sản hiện nay giảm rõ rệt so với trước sự cố Formosa | 1,47 | 0,98 | 2,94 | 38,73 | 55,88 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
1.3. Về ngư trường, công nghệ khai thác thủy sản
Kết quả điều tra 270 ngư dân tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, ngư trường khai thác của cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu là vùng gần bờ, chiếm 63,19% tổng số hộ gia đình ngư dân. Tiếp đến là vùng lộng chiếm 21,82% và vùng xa bờ chiếm 5,78%. Ngoài ra, khai thác thủy sản dọc các cửa sông, khu vực đầm phá ven biển cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, với 9,11%. Bảng 3 cho thấy sự dịch chuyển nhẹ ngư trường khai thác của ngư dân ven biển từ khu vực gần bờ sang vùng lộng và xa bờ. Đây là một trong những “điểm sáng” trong phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của tỉnh trong bối cảnh sự cố môi trường biển. Ngoài ra, có một bộ phận nhỏ các hộ ngư dân chuyển từ khai thác vùng ven biển bãi ngang sang khai thác trên sông, vùng đầm phá ven biển. Nguyên nhân của sự dịch chuyển ngư trường một phần là do nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy giảm nghiêm trọng kể từ sự cố môi trường. Đồng thời, đây cũng là kết quả của việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển ngành khai thác thủy sản theo hướng xa bờ trong thời gian qua. Thực tế điều tra cho thấy, với hạn chế về trữ lượng thủy sản của các ngư trường truyền thống ở khu vực vịnh Bắc Bộ và các vùng biển Bắc Trung Bộ, đa số các phương tiện khai thác xa bờ của tỉnh đã chuyển hướng sang ngư trường ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và một số phương tiện đã có hành trình vươn khơi đến các ngư trường mới khu vực Trung Trung Bộ.
Về công nghệ khai thác, kết quả điều tra 270 ngư dân vùng ven biển tại Bảng 5 cho thấy, trước 2016 có 35,3% số hộ nhận định trình độ công nghệ khai thác thủy sản ở mức yếu kém và chỉ có 31,6% số hộ cho rằng trình công nghệ khai thác là ở mức tốt.Đến năm 2019, nhận định này chỉ có sự thay đổi nhỏ với 32,5% ngư dân đánh giá trình độ công nghệ ở mức yếu kém. Ngoài ra, có đến 2/3 ngư dân đánh giá công nghệ khai thác của mình là từ trung bình trở xuống. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản thủy sản cũng trong tình trạng tương tự như công nghệ khai thác, chỉ có khoảng 1/3 số hộ ngư dân đánh giá có công nghệ bảo quản khá tốt. Như vậy, nhìn chung trình độ công nghệ khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh ở mức trung bình thấp. Nguyên nhân là do tỉnh có quá nhiều phương tiện khai thác gần bờ với công nghệ sản xuất đơn giản, không cần thiết sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại.
BẢNG 4. NGƯ TRƯỜNG KHAI THÁC THỦY SẢN CỦA NGƯ DÂN VEN BIỂN HÀ TĨNH (%)
TT | Ngư trường | Trước 2016 | 2019 |
1 | Sông, đầm phá ven biển | 8,32 | 9,11 |
2 | Gần bờ | 66,36 | 63,19 |
3 | Vùng lộng | 20,47 | 21,82 |
4 | Xa bờ | 4,86 | 5,87 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, có đến 1/3 ngư dân đánh giá không hài lòng với nghề khai thác thủy sản. Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, năng suất và hiệu quả đánh bắt sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, sự tụt hậu về thu nhập của lao động trong ngành ngư nghiệp so với công nghiệp, dịch vụ khiến sự không hài lòng với nghề ngư ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, lực lượng lao động trẻ ở địa phương thường lựa chọn vào làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có thu nhập cao hơn là “cha truyền con nối” nghề biển. Do vậy, lao động ngư nghiệp ở địa phương chủ yếu vẫn là người lớn tuổi gắn với hoạt động khai thác truyền thống với các phương tiện công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ. Điều này thể hiện rõ qua kết quả điều tra rằng, có đến hơn 50% số ngư dân ven biển đánh giá triển vọng phát triển của ngành khai thác là từ trung bình trở xuống, trong đó có 12,9% ngư dân rất bi quan cho triển vọng phát triển của nghề này.
BẢNG 5. ĐÁNH GIÁ CỦA HỘ GIA ĐÌNH VỀ CÔNG NGHỆ, TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NGƯ NGHIỆP
TT | Chỉ tiêu | Trước 2016 | 2019 | ||||||||
Rất kém | Kém | Trung bình | Tốt | Rất tốt | Rất kém | Kém | Trung bình | Tốt | Rất tốt | ||
1 | Trình độ công nghệ | 16,0 | 19,3 | 33,0 | 26,9 | 4,7 | 14,2 | 18,3 | 38,6 | 25,2 | 3,7 |
2 | Công nghệ bảo quản | 10,0 | 26,1 | 30,3 | 28,9 | 4,7 | 7,8 | 23,8 | 33,6 | 29,9 | 4,9 |
3 | Hài lòng với nghề | 9,4 | 25,9 | 34,9 | 26,4 | 3,3 | 6,1 | 25,1 | 33,6 | 33,2 | 2,0 |
4 | Triển vọng phát triển | 2,9 | 8,2 | 43,8 | 33,2 | 12,0 | 2,1 | 10,8 | 42,1 | 36,3 | 8,8 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
1.4. Về cơ sở hạ tầng nghề cá
Hậu cần nghề cá có vai trò rất quan trọng đối với phát triển ngành khai thác thủy sản hiện nay, nhất là ngành khai thác hải sản xa bờ. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 04 cảng cá chính là Xuân Hội, Cửa Sót, Cẩm Nhượng, và Cửa Khẩu. Trong đó, Cửa Sót là cảng cá lớn nhất hiện nay, tiếp nhận hàng năm từ 18-22 nghìn lượt tàu. Tuy nhiên, hiện nay, các cảng cá ở Hà Tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của đội tàu xa bờ của địa phương và một số tỉnh lân cận, nhất là các tàu khai thác có công suất lớn trên 300 CV được đầu tư theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ (Ngô Tuấn, 2017 và 2022). Kết quả khảo sát cho thấy, có 19,2% số hộ ngư dân cho rằng hệ thống cảng cá, bến cá còn kém chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Trong khi đó, có 25,8 % số ngư dân đánh giá ở mức trung bình và 37,8% số ngư dân đánh giá tốt (Bảng 5). Điều này cho thấy, hạ tầng cảng cá trên địa bàn được đánh giá mức trung bình và tốt chủ yếu từ bộ phận ngư dân đánh bắt vùng ven bờ và vùng lộng, đa số ngư dân đội tàu xa bờ công suất lớn đều chưa hài lòng với hạ tầng cảng cá hiện nay, nhất là vấn đề luồng lạch, khu vực neo đậu, các dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo kết quả điều tra, có đến 38,6% số ngư dân cho rằng luồng, lạch là rất kém, các phương tiện công suất lớn đi vào hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, dịch vụ bốc xếp và lưu kho ở cảng cũng được ngư dân đánh giá khá thấp khi có đến lần lượt 28% và 27% đánh giá có chất lượng kém và rất kém. Điều này cho thấy, cơ sở hạ tầng nghề cá cần được đầu tư đồng bộ gắn với định hướng phát triển đội tàu xa bờ của địa phương.
Dịch vụ sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá tích cực, có hơn 55% số ngư dân đánh giá ở mức tốt và rất tốt đối với dịch vụ này, chỉ có 15,1% ngư dân cho rằng chất lượng dịch vụ chưa tốt. Khu neo đậu tránh, trú bão cũng là vấn đề lớn đang đặt ra đối với phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản hiện nay của địa phương khi có đến 31,5% số ngư dân trên địa bàn tỉnh cho rằng, chất lượng khu neo đậu ở mức kém, chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu ngày càng gia tăng của ngư dân. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh khi các tàu thuyền công suất lớn không vào được khu neo đậu do luồng, lạch bồi lắng thường xuyên. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, các tàu công suất lớn rất khó khăn trong việc tìm kiếm nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn.
BẢNG 6. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NGHỀ CÁ
TT | Chỉ tiêu đánh giá | Rất kém | Kém | Trung bình | Tốt | Rất tốt |
1 | Cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá | 12,5 | 16,7 | 25,8 | 25,8 | 19,2 |
2 | Luồng, lạch, cửa biển ra vào | 13,9 | 24,7 | 23,5 | 19,5 | 18,3 |
3 | Dịch vụ bốc xếp | 12,3 | 15,7 | 33,9 | 24,2 | 14,0 |
4 | Kho lưu trữ | 6,4 | 20,6 | 42,9 | 19,7 | 10,3 |
5 | Dịch vụ sửa chữa tàu thuyền | 3,8 | 11,3 | 29,7 | 35,1 | 20,1 |
6 | Khu neo đậu tránh, trú bão | 11,2 | 20,3 | 28,2 | 31,1 | 9,1 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
2. Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh
Thứ nhất, số lượng các phương tiện khai thác thủy sản ven bờ vẫn chiếm đa số. Kết quả phân tích quy mô tàu thuyền, công suất, ngư trường khai thác cho thấy có đến hơn 56,76 % số phương tiện dưới 20CV và số phương tiện trên 90 CV chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu tàu thuyền. Về ngư trường, kết quả điều tra 270 hộ ngư dân cho thấy, chỉ có 5,87% số hộ ngư dân tham gia hoạt động khai thác xa bờ. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm, cạn kiệt, hoạt động khai thác thủy sản ven bờ và đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có đến 55,7% số ngư dân nhận định đang gặp khó khăn về công suất phương tiện trong hoạt động khai thác thủy sản, nhất là trong chuyển đổi đánh bắt theo hướng vươn khơi.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng nghề cá hiện nay chưa đáp ứng tốt và đầy đủ nhu cầu của cộng đồng ngư dân. Hệ thống cảng cá được đầu tư trước đó hiện đã trở nên quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của tàu thuyền ở địa phương và vùng phụ cận, nhất là chưa đáp ứng được nhu cầu của các tàu thuyền có công suất lớn, tàu vỏ thép, vỏ composit,… được đóng mới theo Nghị định số 67/NĐ-CP. Đặc biệt, hệ thống luồng, lạch, cửa biển thường xuyên bị bồi đắp đã ảnh hưởng đến hoạt động ra vào cảng, âu thuyền trú đậu của các phương tiện, nhất là phương tiện lớn công suất cao. Ngoài ra, hệ thống các dịch vụ hậu cần nghề cá như bốc xếp, kho bãi lưu trữ thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền,… hiện chưa đáp ứng tốt nhu cầu của ngư dân hiện nay.
Thứ ba, nguồn lợi thủy sản suy giảm, nhất là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ đang là thách thức lớn đối với hoạt động khai thác thủy sản cho cộng đồng ngư dân ven biển. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 55,9% số ngư dân trên địa bàn tỉnh nhận định đang gặp khó khăn rất lớn trong sinh kế ngư nghiệp do nguồn lợi thủy sản suy giảm, cạn kiệt. Các vấn đề an ninh biển cũng đặt ra những thách thức lớn về rủi ro ngư trường khai thác đối với cộng đồng ngư dân, nhất là các ngư trường truyền thống vịnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiều phương tiện khai thác thủy sản xa bờ đã phải chủ động chuyển hướng đánh bắt đến các ngư trường khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và phía Nam. Kết quả điều tra cũng chỉ ra, có đến 69% số ngư dân cho rằng, ngư trường đang bị thu hẹp, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản; có 24,6% số hộ ngư dân nhận định về rủi ro cao về khả năng tàu nước ngoài va đâm trong quá trình khai thác; có 55,9% số hộ ngư dân cho rằng nguồn lợi thủy sản giảm mạnh trong thời gian qua.
Thứ tư, cộng đồng ngư dân tỉnh Hà Tĩnh hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất ngư nghiệp như vốn, lao động, công nghệ, giá nhiên liệu. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 72,7% số ngư dân đang gặp khó khăn về vốn đầu tư; 36,6% gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động tham gia khai thác; có 48,3% ngư dân gặp khó khăn về công nghệ khai thác; 42,6% số ngư dân gặp khó khăn về công nghệ bảo quản; 50% số ngư dân cũng gặp khó khăn đối với chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác thủy sản.
Thứ năm, cộng đồng ngư dân tỉnh Hà Tĩnh hiện đang gặp những khó khăn trong tiêu thụ thủy sản khai thác được. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 52,2% số ngư dân gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và 37,3% số ngư dân nhận định bị tư thương ép giá. Đặc biệt, vấn đề thẻ vàng của Liên minh châu Âu đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh Covid–19 đã có tác động lớn đến hoạt động chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
BẢNG 7. ĐÁNH GIÁ NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGƯ DÂN KHAI THÁC THỦY SẢN TỈNH HÀ TĨNH (%)
TT | Khó khăn | Rất khó khăn | Khó khăn | Bình thường | Không khó khăn | Hoàn toàn không khó khăn |
1 | Công suất phương tiện | 15,5 | 40,2 | 25,9 | 12,4 | 6,0 |
2 | Vốn đầu tư | 17,0 | 55,7 | 11,5 | 11,5 | 4,3 |
3 | Lao động | 4,9 | 31,7 | 40,3 | 15,6 | 7,4 |
4 | Công nghệ khai thác | 12,3 | 36,0 | 35,2 | 14,4 | 2,1 |
5 | Công nghệ bảo quản | 6,4 | 36,2 | 38,7 | 16,2 | 2,6 |
6 | Ngư trường bị thu hẹp | 12,0 | 57,0 | 20,1 | 8,0 | 2,4 |
7 | Thị trường tiêu thụ | 8,1 | 44,1 | 35,2 | 6,1 | 6,5 |
8 | Rủi ro tàu nước ngoài va đâm | 5,5 | 19,1 | 32,3 | 25,5 | 17,7 |
9 | Giá nhiên liệu | 8,7 | 42,0 | 32,5 | 6,9 | 10,0 |
10 | Khả năng lỗ vốn khi vươn khơi | 11,5 | 32,3 | 29,8 | 15,3 | 11,1 |
11 | Rủi ro thiên tai | 18,4 | 38,8 | 13,7 | 14,5 | 14,5 |
12 | Hải sản cạn kiệt | 21,1 | 34,8 | 13,8 | 11,9 | 15,4 |
13 | Đầu nậu ép giá | 8,0 | 29,3 | 40,6 | 14,9 | 7,2 |
Nguồn: Kết quả điều tra của ISSCR (2020).
3. Một số giải pháp phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản tỉnh Hà Tĩnh
Một là, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hợp lý ngành nghề khai thác thủy sản từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt vùng lộng và vùng khơi trên cơ sở nâng cao hiệu quả khai thác. Tiếp tục tập trung cơ chế chính sách phát triển các đội tàu khai thác xa bờ với quy mô phù hợp gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác. Đối với các khu vực bãi ngang cần tập trung định hướng phát triển các ngành khai thác tại các ngư trường vùng lộng và vùng khơi hơn là phát triển các hoạt động khai thác gần bờ trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh. Thực tế cho thấy, định hướng phát triển đội tàu có công suất từ 90 CV trở lên trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã bước đầu có những thành quả tích cực. Do vậy, UBND tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa các chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp, cải hoán các phương tiện có công suất lớn để phát triển năng lực khai thác xa bờ của địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng định hướng ngư dân chọn ngành nghề phù hợp ngay từ đầu khi tham gia dự án, hỗ trợ ngư dân đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm (chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng) tiếp cận máy móc, công nghệ tiên tiến trong đánh bắt.
Hai là, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đầu tiên, cần đánh giá và phân loại các cảng cá hiện tại của tỉnh. Trên cơ sở đó, lựa chọn một cảng cá phù hợp để đầu tư xây dựng thành cảng cá trọng điểm quy mô lớn chuyên phục vụ nhu cầu cập cảng cho đội tàu xa bờ có công suất lớn (từ 300 CV trở lên). Các cảng cá còn lại cần được đầu tư chuẩn hóa nhằm phục vụ nhu cầu của ngư dân nội tỉnh. Tiếp theo, cần định kỳ nạo vét các luồng, lạch ra vào cảng cá trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với cảng trọng điểm cho đội tàu đánh bắt xa bờ. Đồng thời, tại 04 cảng cá lớn của tỉnh cần chú trọng phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá một cách đồng bộ như kho lạnh quy mô lớn, chợ đầu mối thủy sản, cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, ngư lưới cụ,….. Cần lưu ý, nguồn vốn đầu tư của nhà nước chỉ chủ yếu đóng vai trò “vốn mồi” để hỗ trợ, chính quyền tỉnh cần tập trung cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào xây dựng các cảng này theo hướng đa chức năng, nhằm cung cấp thị trường dịch vụ thủy sản gắn với chuỗi cung ứng thủy sản. Thực tiễn nghiên cứu cho thấy, nhà nước nên vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút dự án đầu tư vào phát triển cụm cảng tổng hợp hơn là tự mình làm thay. Doanh nghiệp đầu tư cụm cảng tổng hợp sẽ có thể được quyền thu phí cập cảng, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá chất lượng cho ngư dân, đây là những lợi ích kinh tế tiềm năng có thể thu hút nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn đầu tư vào cụm cảng cá.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động khai thác và bảo quản thủy sản. Các cơ quan quản lý ngành cần nghiên cứu và tư vấn cho người dân chọn máy móc, thiết bị phù hợp với từng ngành nghề cụ thể. Có cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích người dân ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào đánh bắt thủy sản xa bờ như máy tầm ngư sonar 3600 cho nghề lưới vây, ứng dụng đèn LED để nâng cao hiệu quả sản xuất,… Ngoài ra, để khuyến khích ngư dân mạnh dạn khai thác trên các vùng biển xa, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân đầu tư máy định dạng để phát hiện kịp thời các tàu thuyền hoạt động khu vực lân cận (nhất là các tàu chở hàng hóa lớn) nhằm giảm thiểu tai nạn do đâm va cho ngư dân. Cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác khuyến ngư trong phổ biến và khuyến khích ngư dân ứng dụng các thiết bị, công nghệ đánh bắt và bảo quản tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vô tuyến, định vị vệ tinh cho cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản, nhất là đội tàu khai thác thủy sản xa bờ nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin thời tiết, thiên tai giúp ngư dân có phương án ứng phó kịp thời, đồng thời tiếp nhận tốt thông tin cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp rủi ro, tai nạn. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin ngư trường, thị trường tiêu thụ, số hóa trong công tác quản lý đội tàu khai thác thủy sản. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động đánh bắt và công tác cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản đánh bắt được cho cộng đồng ngư dân, cho các nghiệp đoàn nghề cá. Điều này sẽ giúp các sản phẩm thủy sản của tỉnh dễ dàng hơn trong tiếp cận và tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bốn là, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng. Phát triển hoạt động đào tạo năng lực ngư nghiệp cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng đối với các tàu đánh bắt vùng lộng và vùng xa bờ, nhất là đối với các phương tiện có công suất lớn, máy móc hiện đại. Đặc biệt, cần thiết kế các chương trình ưu đãi khuyến khích đội ngũ thanh niên có trình độ học vấn, có năng lực ngư nghiệp tham gia các dự án đóng mới và làm chủ các phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ. Tiếp tục đào tạo thuyền trưởng và máy trưởng nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề cao, hiểu biết về các quy định của pháp luật, luật quốc tế về biển, các quy định của nhà nước về khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, đào tạo hướng dẫn ngư dân tiếp cận kỹ thuật khai thác những ngành nghề mới có hiệu quả kinh tế cao.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giúp ngư dân tiếp cận dễ dàng các chính sách hỗ trợ vốn, lao động, máy móc thiết bị, thị trường cho cộng đồng ngư dân ven biển của tỉnh. Đặc biệt, cần tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ngay từ cấp cơ sở nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận chính sách đúng với đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn cụ thể cho ngư dân nắm bắt đầy đủ về những cơ chế chính sách cũng như những điều kiện bắt buộc. Chú trọng nâng cao vai trò thực chất của cán bộ quản lý thủy sản cấp xã/phường ở vùng ven biển của tỉnh thông qua đào tạo và đào tạo lại định kỳ.
Sáu là, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, nâng cao năng lực quản lý nguồn lợi thủy sản và môi trường biển. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát ngư trường khai thác và cảnh báo kịp thời cảnh báo cho ngư dân về các vùng biển cấm khai thác, vùng biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, các vùng gần bờ cấm các phương tiện, công cụ khai thác có tính hủy diệt. Thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản trái phép, nhất là hoạt động giã cào gần bờ làm suy giảm mạnh nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường biển, nhất là kiểm soát tốt các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường do hoạt động sản xuất và đời sống của con người.
Kết luận
Thời gian qua, ngành khai thác thủy sản của cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những bước phát triển quan trọng và đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội địa phương. Số lượng và công suất của các phương tiện khai thác không ngừng tăng lên, nhất là hoạt động khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác, cơ cấu ngành nghề đã có những thay đổi tích cực góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập và đời sống cho cộng đồng ngư dân vùng ven biển. Nhìn chung, ngành khai thác thủy sản cũng bước đầu phục hồi so với trước sự cố môi trường biển năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, ngành khai thác thủy sản vùng bãi ngang ven biển của tỉnh vẫn còn đứng trước nhiều hạn chế, rào cản trong phát triển bền vững như: phương tiện khai thác có công suất nhỏ chiếm tỷ trọng lớn; cơ cấu ngành nghề mặc dù đã có chuyển biến theo hướng tích cực song số phương tiện khai thác ngư trường gần bờ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; trình độ công nghệ khai thác thủy sản còn nhiều hạn chế, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác và bảo quản thủy sản còn chậm; cơ sở hạ tầng nghề cá vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Cục Thống kê Hà Tĩnh (2016, 2019, 2020). Niên giám thống kê năm (2016, 2019, 2020). Nxb Thống kê.
- Hoàng Hồng Hiệp (2016). Những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ ngư dân khai thác hải sản xa bờ vùng Nam Trung Bộ. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, tr 47-53.
- Hoàng Hồng Hiệp, Châu Ngọc Hòe, Vũ Thái Hạnh (2018). Phát triển ngành khai thác thủy sản vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung.
- ISSCR (2020). Dự án Điều tra thực trạng đời sống kinh tế - xã hội ngư dân ven biển Bắc Trung Bộ sau sự cố môi trường biển năm 2016. Dự án cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm (2020). Truy xuất từ www.gso.gov.vn ngày 01/08/2021.
- Tổng cục Thống kê (2021). Số liệu thống kê. Truy xuất từ www.gso.gov.vn ngày 01/08/2021.
- UBND tỉnh Hà Tĩnh (2020). Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2020. Truy xuất từ https://hatinh.gov.vn/, ngày 01/08/2021.
- Ngô Tuấn (2017). Bất cập từ những cảng cá ở Hà Tĩnh. Truy xuất từ https://nhandan.vn/, ngày 01/08/2021.
- Ngô Tuấn (2022). Khơi thông luồng lạch cho các cảng cá Hà Tĩnh. Truy xuất từ https://nhandan.vn/, ngày 09/05/2022.
[1] Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu điều tra 270 ngư dân ven biển tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2020 của Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (ISSCR), khảo sát tại 06 xã của 03 huyện ven biển của tỉnh Hà Tĩnh (Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên); Chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên, trong đó ngư dân đánh bắt ven bờ chiếm 63,19%, ngư dân đánh bắt vùng lộng chiếm 21,82%, vùng xa bờ chiếm 5,78%, và 9,11% khai thác vùng cửa sông, khu vực đầm phá ven biển.