Thực trạng nghiên cứu biển đảo của việt nam hiện nay
Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia ven biển có vị trí rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực biển đảo. Bài này tổng hợp, phân tích và đánh giá những nghiên cứu về biển đảo hiện nay theo 9 lĩnh vực. Các kết quả chỉ ra rằng, số lượng và chất lượng nghiên cứu theo từng lĩnh vực đã tăng lên sau khi Việt Nam ban hành “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu và chất lượng các báo cáo vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Bài báo đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm khắc phục những vấn đề này.
Từ khóa: Biển đảo; kinh tế - xã hội; chiến lược.
Giới thiệu
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 64 đơn vị hành chính của cả nước thì 28 tỉnh và thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các khu vực này. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.[1]
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề quản lý và phát triển biển đảo, các quy hoạch phát triển biển đảo được đề cập trong các văn kiện Đại hội, như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996); Đại hội IX (tháng 4-2001); tới Đại hội X (tháng 4-2006). Đặc biệt, ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X, ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”. Tiếp tục chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển đảo được xác định trong các văn kiện trước đây của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), được Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) thông qua, nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển...”.
Những năm gần đây, sau khi Nhà nước Việt Nam ban hành nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, số lượng các nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa xã hội, môi trường, công pháp quốc tế,… liên quan tới biển và hải đảo ngày càng tăng, cùng với số lượng gia tăng các hội thảo về chủ đề này. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của chúng ta từ lâu nay đã tồn tại một số vấn đề cần được thống nhất giải quyết.
Có nhiều tài liệu nghiên cứu đến Trường Sa - Hoàng Sa, với việc Bộ Ngoại giao công bố tài liệu “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (tháng 9-1979), sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” (tháng 1-1982), “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế” (tháng 4-1988).
Năm 1995-1996, sách “Cuộc tranh chấp Việt - Trung” về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Lưu Văn Lợi (1995), đề tài “Hợp đồng nghiên cứu khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” do TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ trì (1995), luận án của TS. Nguyễn Hồng Thao (1996), luận án của TS. Nguyễn Nhã “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (2003) v.v... là một số nghiên cứu tiêu biểu, có giá trị và đã được phổ biến rộng rãi. Số lượng các nghiên cứu hiện tại còn khiêm tốn và đặc biệt là lượng phát hành không cao, chưa phổ biến rộng rãi trong nước hay dịch sang tiếng Anh, tiếng Trung Quốc để xuất bản trên các tạp chí nước ngoài.
Vì vậy, bài báo “Thực trạng nghiên cứu biển đảo của Việt Nam hiện nay” nhằm tổng hợp và phân tích kết quả nghiên cứu các chương trình, dự án và các đề tài, đưa ra được bức tranh tổng thể để có thể kiến nghị các nghiên cứu tiếp theo cho từng lĩnh vực, khắc phục những thiếu hụt, bất cập trong công tác nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phát triển khu vực biển đảo. Bên cạnh đó, bài báo có thể là một nguồn thông tin quan trọng, góp phần cho việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa các chủ trương chính sách mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
1. Phân tích, đánh giá công tác nghiên cứu khoa học về vấn đề biển đảo
Nội dung của phần này là các kết quả sau khi tiến hành tổng hợp, phân tích, và đánh giá các nghiên cứu đã được thực hiện từ trước đến nay, phân chia làm 9 lĩnh vực, bao gồm các báo cáo kết quả nghiên cứu, bài báo khoa học đã được công bố và các văn bản pháp quy như chiến lược, chương trình, đề tài nhà nước. Đó là:
1.1. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, khai thác tài nguyên biển đảo
Tổng cục Biển và Hải đảo đang thực hiện rất nhiều đề án nghiên cứu cấp nhà nước như: Các dự án đang triển khai thuộc Chương trình 1278 và 1864 đề cập đến vấn đề ứng phó và giảm thiểu các sự cố về môi trường do tràn dầu trên biển; Đề án 158 bàn về việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ cho dải ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ; Đề án 47 có mục đích điều tra, quan trắc cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển đảo Việt Nam; Đề án 373 có các nội dung về xây dựng và phổ biến hệ thống kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo Việt Nam, xây dựng và thực hiện đề án tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức lực lượng tình nguyện viên và các hình thức tự quản trong cộng đồng tham gia phòng chống thiên tai, ứng phó với sự cố môi trường biển, hải đảo,…
Trong giai đoạn 2001 - 2010, các Viện nghiên cứu cũng đã chủ trì thực hiện đề tài cấp nhà nước KC-09-05 "Dự báo hiện tượng xói lở, bồi tụ bờ biển, cửa sông và các giải pháp phòng tránh". Đề tài đã đánh giá được hiện trạng xói lở, bồi tụ toàn dải bờ biển, cửa sông Việt Nam và một số khu vực trọng điểm, xác định nguyên nhân gây xói lở, bồi tụ bờ biển, cửa sông Việt Nam. Đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ phòng, chống xói lở, bồi tụ bờ biển, cửa sông cho các khu vực trọng điểm. Đề tài "Xây dựng luận cứ khoa học cho việc quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa", sau ba năm triển khai đã thu được những kết quả quan trọng là đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở một số đảo quan trọng và vùng biển quanh đảo. Đề tài cũng đã xác định tiềm năng một số dạng tài nguyên quan trọng trên ba đảo lựa chọn là Trường Sa, Nam Yết và Đá Tây. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp khoa học - kỹ thuật khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quần đảo Trường Sa. Cùng với sự tăng cường, đổi mới trang bị kỹ thuật, trình độ nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học biển của ngành địa lý cũng được nâng lên một bước rõ rệt. Đến nay, các cán bộ nghiên cứu biển, nhất là các cán bộ trẻ, đã sử dụng phổ biến các phương pháp, kỹ thuật hiện đại như: mô hình số trị, các công cụ toán học, công nghệ thông tin, kỹ thuật viễn thám, GIS,... trong nghiên cứu các dạng tai biến, môi trường biển. Nhờ vậy, các kết quả nghiên cứu hiện nay đã khác nhiều so với trước đây về chất lượng và tính hiện đại.
Tuy nhiên các phương tiện và thiết bị nghiên cứu khoa học biển nước ta chưa được đầu tư thích đáng. Nước ta chưa có một mạng lưới trạm quan trắc đủ mạnh, trạm thu ảnh vệ tinh thường xuyên theo dõi, thu thập chủ động, có hệ thống các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường biển khu vực Biển Đông và lân cận... Các mô hình số công nghệ cao đã được các nhà khoa học của Viện Địa lý áp dụng có hiệu quả trong các bài toán tính toán, dự báo quá trình xói lở, bồi tụ vùng bờ biển, đã cho chúng ta bức tranh tổng thể về quy luật biển đổi địa hình vùng bờ biển Việt Nam và chi tiết cho một số khu vực bờ biển bị sạt lở, cửa sông bị bồi tụ nghiêm trọng. Song các mô hình số trị tính toán, dự báo quá trình thủy thạch động lực chỉ có thể đạt hiệu quả khi các số liệu đầu vào (địa hình, chế độ sóng, gió, dòng chảy, mực nước,...) có độ tin cậy cao.
1.2. Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển đảo
Về bản chất, quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo không thay thế quản lý nhà nước theo ngành/lĩnh vực, nó chỉ đóng vai trò điều chỉnh và kết nối các hành vi phát triển (khai thác, sử dụng) của các ngành, lĩnh vực của những người sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo. Trải qua 5 năm áp dụng, hai loại hình quản lý nhà nước về biển nói trên đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ, quản lý và phát triển biển đảo của Việt Nam trong tình hình hiện nay hay không, đó vẫn là câu hỏi còn phải được tìm câu trả lời khoa học và khách quan nhất.
Có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo về đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biển đảo. Về lịch sử quá trình hình thành, phát triển hệ thống quản lý biển đảo của nước ta có nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuyên (2010). Trong nghiên cứu này, tác giả chia ra làm ba giai đoạn quá trình hình thành, gồm có: Giai đoạn 1 (trước năm 1993): Quản lý biển, đảo lấy nhân tố, mục tiêu bảo đảm an ninh, quốc phòng là chính; giai đoạn 2 (từ năm 1993 đến 2008): Bắt đầu với việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 03/NQ-TVV về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Giai đoạn 3 (bắt đầu từ năm 2008): Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về đề xuất các giải pháp quản lý có các nghiên cứu của Hoàng Nhất Thống (2012), Nguyễn Thị Hải Phương (2012), Thanh Minh (2012), Nguyễn Phương Anh (2012), Giang Đạt Hưng (2012), Nguyễn Chu Hồi (2012). Trong đó, các tác giả đã chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý của Nhà nước như: Trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển, các quy hoạch khai thác của từng ngành chưa tính đến yếu tố tổng thể; trong hệ thống quản lý nhà nước về biển giữa các Bộ, Ngành còn có nhiều chồng chéo, trùng giẫm về chức năng, nhiệm vụ (Nguyễn Quang Tuyên, 2010; Nguyễn Chu Hồi, 2012); trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành có nhiều lực lượng thực thi pháp luật khác nhau trên biển, song trong nhiều trường hợp chưa phân định rõ phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền với nhau (Nguyễn Phương Anh, 2012; Giang Đạt Hưng, 2012); cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hành chính với các lực lượng vũ trang có trách nhiệm bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển chưa tốt, không kịp thời do các lực lượng này chủ yếu vẫn giữ nguyên tắc hoạt động theo điều lệnh quân sự và quá khép kín (Nguyễn Quang Tuyên, 2010; Hoàng Nhất Thống, 2012); chưa có phân vùng biển và chưa phân định rõ ranh giới hành chính trên biển (Nguyễn Quang Tuyên, 2010); chưa có cơ sở pháp lý về phân loại các đảo theo mục đích sử dụng hoặc các đặc điểm địa lý tự nhiên (Nguyễn Quang Tuyên, 2010); hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ và rải rác; các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đảo còn non yếu từ Trung ương đến địa phương (Nguyễn Quang Tuyên, 2010; Nguyễn Chu Hồi, 2012).
1.3. Nguồn nhân lực biển phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo Việt Nam
Nghiên cứu về nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực đã được thực hiện rất nhiều ở Việt Nam. Các nghiên cứu này đã được tiến hành bởi các học giả, các Viện nghiên cứu và các Bộ, Ngành cũng đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu nhằm quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành. Các nghiên cứu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều chỉ ra rằng, Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang ở thời kỳ dân số “vàng”, đó là thời kỳ có nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động cao, dồi dào và tăng nhanh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện vẫn còn có nhiều bất cập với tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ thuật, chuyên môn thấp, cơ cấu lao động nguồn lực của Việt Nam còn rất lạc hậu so với thế giới và đặc biệt so với các nước đang phát triển (Bùi Văn Nhơn, 2006).
Nghiên cứu về nguồn nhân lực khu vực biển đảo Việt Nam cũng đã được thực hiện, tuy nhiên số lượng các nghiên cứu này không nhiều hoặc mới chỉ dừng lại ở mức các báo cáo ngắn hoặc bài báo. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển và lực lượng lao động vùng biển, đảo được Nguyễn Chu Hồi (2012) phân tích chi tiết, trong đó chỉ ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, có thể kể đến nghiên cứu của Hoàng Nhất Thống (2012) bàn về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho biển đảo. Báo cáo này có nhấn mạnh rằng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực biển đảo thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách nhà nước, sự quản lý và các chương trình đào tạo chuyên sâu của các trường đại học. Bùi Thị Diễm Phương (2012) cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực biển phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo Việt Nam cần phải có chương trình ưu tiên đào tạo dài hạn cho đội ngũ cán bộ, hợp tác trao đổi chuyên gia, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Biển và Hải đảo với các cơ sở đào tạo. Tác giả Hứa Chiến Thắng (2012) đưa ra một loạt 7 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ quản lý.
1.4. Chính sách và định hướng phát triển kinh tế ven biển và hải đảo
Đối với các chính sách phát triển kinh tế ven biển và hải đảo, nhìn một cách tổng quan, có thể thấy rằng trong thời gian vừa qua, các tỉnh ven biển hoặc các huyện đảo đã chủ động xây dựng chính sách phát triển kinh tế các huyện, thành phố ven biển và hải đảo trên cơ sở đặc điểm riêng của từng địa phương.
Nghiên cứu của Lê Thanh Sơn (2011) đã cho thấy, các tỉnh ven biển đã kịp thời ra các văn bản hành chính nhằm khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn vốn, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư cho kinh tế vùng ven biển và hải đảo. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng liên tục đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các khu kinh tế phức hợp, các cảng biển, cảng cá, các dịch vụ hậu cần đi kèm, các cơ sở nghiên cứu, giáo dục một cách khá đồng bộ nhằm khai thác triệt để các thế mạnh của vùng ven biển về các điều kiện thổ nhưỡng, tài nguyên, môi trường.
Việc phát triển các khu kinh tế ven biển cũng đã được nghiên cứu bởi Thân Trọng Thụy và Phạm Xuân Hậu (2012). Các tác giả cho biết, việc phát triển các khu kinh tế nói chung và các khu kinh tế ven biển nói riêng, có chức năng làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế địa phương, vùng, quốc gia,… đã xuất hiện sớm ở nhiều nước trên thế giới. Loại hình này đã thực sự đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho cả những nước phát triển và nước đang phát triển. Việt Nam có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, chính sách phát triển cùng với những bài học kinh nghiệm từ các nước lận cận; trên cơ sở đó, Chính phủ đã quyết định thành lập 15 khu kinh tế ven biển. Trong thời gian qua, các khu kinh tế ven biển Việt Nam đã dần khẳng định vai trò hạt nhân, tạo sự đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong tương lai, hệ thống các khu kinh tế ven biển Việt Nam với công nghệ hiện đại sẽ phát triển với tốc độ nhanh, tạo thành vành đai vững chắc về kinh tế - xã hội dải ven biển, đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
1.5. Văn hóa biển đảo
Hiện nay, các công trình khoa học nghiên cứu về văn hóa và cư dân ven biển đảo không có nhiều. Theo nhận xét của Ngô Đức Thịnh, kết quả của việc nghiên cứu biển và cư dân ven biển, đảo - thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - vẫn còn khá khiêm tốn. Riêng bộ môn văn hóa dân gian nghiên cứu về biển thì kết quả lại càng khiêm tốn hơn. Các công trình nghiên cứu khái quát về biển tiêu biểu như:
Công trình “Văn hóa dân gian làng ven biển” do Ngô Đức Thịnh chủ biên vào năm 2000. Tác phẩm đã đề cập đến khía cạnh lịch sử và văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân ven biển của Việt Nam. Gần đây là bài nghiên cứu “Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển và hải đảo: Một số lý luận cơ bản” của Tô Duy Hợp và Đặng Vũ Cảnh Linh. Tác giả đưa ra những lý luận giải thích các khái niệm về văn hóa học như "Đặc điểm cư dân”, “Con người và văn hóa”. Các vấn đề này được cụ thể hóa bằng con đường diễn dịch từ hướng tiếp cận lý thuyết khinh - trọng, chứ không đi vào nghiên cứu các loại hình văn hóa cụ thể của cư dân vùng ven biển và hải đảo.
Đề tài “Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của cư dân vùng biển, đảo Nam Bộ” qua góc nhìn nhân học biển (Maritime anthropology) của Phan Thị Yến Tuyết (2011) đã cung cấp cho người đọc một bức tranh vừa khái quát vừa cụ thể về đời sống kinh tế, văn hóa cùng những biến động xã hội của các cư dân Nam Bộ trong sự tương tác, thích nghi, sáng tạo của con người đối với môi trường biển của Nam Bộ. Qua đó, giúp ta thấy được một số vấn đề bất cập trong thái độ ứng xử của con người đối với biển.
Gần đây nhất là cuốn sách “Người Việt với biển” của nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á, tập hợp các nhà nghiên cứu trẻ. Từ cách tiếp cận liên ngành, chủ yếu là Khảo cổ học - Sử học - Quốc tế học..., các tác giả cố gắng làm sáng tỏ một số vấn đề, lĩnh vực truyền thống biển Việt Nam, qua đó giúp hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa biển Việt Nam trong mối liên hệ với lịch sử.
Có thể nói, văn hóa biển của cư dân Nam Trung Bộ đã in đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân. Từ bao đời nay, cư dân ven biển, hải đảo đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nghề khai thác biển, chế biến hải sản… và đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng. Để định hướng và phát triển văn hóa vùng biển, đảo tốt hơn, chúng ta cần có những công trình nghiên cứu sâu hơn về văn hóa, lịch sử vùng cư trú của cộng đồng dân cư vùng ven biển, hải đảo của nước ta.
1.6. Định hướng phát triển tài nguyên du lịch biển đảo
Du lịch biển, đảo được Nhà nước ta xác định ưu tiên phát triển so với các loại hình du lịch khác. Du lịch biển đảo đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam nhằm tận dụng các cảnh quan và sinh thái vùng ven biển để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân cũng như nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Các nghiên cứu về du lịch biển đảo đã chứng minh du lịch biển đảo đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy trong giai đoạn từ 2006-2010, khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển chiếm trên 70%. Riêng thu nhập từ du lịch biển đảo đã chiếm tới 70% doanh thu của ngành du lịch (Võ Quế, 2012).
Theo nghiên cứu về “Tài nguyên biển đảo là điểm nhấn phát triển bền vững du lịch Việt Nam” (Võ Quế, 2012), nước ta hiện có 125 bãi biển lớn, nhỏ, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch và hơn 30 trong số này đã được các địa phương khai thác tốt để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2000 - 2010, lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh vùng ven biển luôn chiếm từ 71-74% tổng lượng khách quốc tế đặt chân tới các địa phương trong cả nước. Năm 2010, các tỉnh ven biển của Việt Nam đã thu hút được 10.860.000 lượt khách quốc tế. Đối với khách du lịch nội địa, du lịch biển hằng năm cũng thu hút được từ 52-57% lượt du khách trên toàn quốc. Năm 2011, du lịch biển, hải đảo đã đón được 45,1 triệu lượt, chiếm 57% tổng lượng khách nội địa toàn quốc (NGTK, 2011).
1.7. Quản lý thiên tai khu vực biển đảo
Vấn đề thiên tai khu vực biển đảo đã được Việt Nam quan tâm từ rất lâu. Các nhà khoa học tập trung vào việc phòng chống thiên tai như động đất, sóng thần, ứng phó bão và lốc xoáy khu vực biển đảo. Có thể kể ra một loạt các nghiên cứu về động đất và sóng thần như “Phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam” (Phạm Văn Thục và n.n.k, 1985); “Nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền lãnh thổ Việt Nam” (Nguyễn Đình Xuyên và n.n.k, 2004); “Phân vùng động đất vùng biển Việt Nam và kế cận” (Phạm Văn Thục và n.n.k, 2005). Thời gian gần đây, Bùi Công Quế và các đồng nghiệp (2010) đã nghiên cứu “Đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần vùng ven biển và hải đảo Việt Nam, đề xuất các giải pháp ứng phó và phòng tránh”. Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các đặc điểm địa chấn kiến tạo, các hệ đứt gãy hoạt động, địa động lực hiện đại và trường ứng suất cơ bản trên vùng thềm lục địa Việt Nam và Biển Đông, các tác giả đã xác định các đặc trưng và thông số cấu trúc và động lực của các vùng nguồn làm cơ sở đánh giá độ nguy hiểm động đất và sóng thần, tính toán và xây dựng các bản đồ vùng nguồn động đất sóng thần trên Biển Đông như: bản đồ độ nguy hiểm động đất, sóng thần cho vùng ven biển và hải đảo Việt Nam. Đây là những kết quả định lượng chi tiết và có cơ sở đầu tiên về mức độ nguy hiểm của dạng tai biến động đất, sóng thần, là cơ sở để xây dựng các đề xuất cơ bản nhằm ứng phó và phòng tránh hữu hiệu các nguy cơ này. Những giải pháp cơ bản bao gồm phân vùng chi tiết độ nguy hiểm động đất, sóng thần, đánh giá rủi ro, xây dựng hệ thống báo tin động đất, cánh báo sóng thần, quy hoạch xây dựng công trình chống động đất, sóng thần trên đường bờ biển, thiết kế xây dựng các công trình phòng chống, hạn chế ảnh hưởng của động đất sóng thần ở vùng bờ biển và các đảo có độ nguy hiểm cao cùng với các giải pháp khắc phục sau khi thiên tai xảy ra.
1.8. Chính sách, văn bản pháp luật tài nguyên và môi trường biển đảo Việt Nam
Để thể chế hóa quan điểm của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam” thì việc xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo (Luật Tài nguyên và Môi trường biển) là rất cần thiết. Tài nguyên và môi trường (TN&MT) biển là vấn đề rộng lớn có liên quan đến nhiều lĩnh vực như giao thông, vận tải biển, du lịch biển, nuôi trồng, khai thác và chế biển thủy, hải sản, khai thác dầu khí, an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo,... Những lĩnh vực này được giao cho các Bộ, Ngành khác nhau quản lý và được điều chỉnh bởi các đạo luật chuyên ngành (Nguyễn Quang Tuyến, 2011).
Do vậy, Nguyễn Quang Tuyến đã kết luận, việc xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển cần phải có cách tiếp cận khoa học thông qua các kết quả nghiên cứu để vừa bảo đảm vai trò là một đạo luật “khung” trong việc Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên và môi trường biển, vừa không mâu thuẫn, chồng chéo với nội dung của các đạo luật chuyên ngành đã ban hành (Nguyễn Quang Tuyến, 2011).
1.9. Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Năm 2013, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu về vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - một nhà nghiên cứu chuyên sâu về đề tài Hoàng Sa – Trường Sa. Công trình tâm huyết này dựa trên nguồn tư liệu phong phú, đa dạng được thu thập ở cả trong và ngoài nước; trong đó có tư liệu từ các văn bản mang tính lịch sử, tính pháp lí cao như Châu bản triều Nguyễn, văn bản thực thi chủ quyền của chính quyền Tây Sơn, thư tịch và bản đồ cổ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, tư liệu và bản đồ cổ của phương Tây, và của chính người Trung Quốc liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nghiên cứu một cách hệ thống các nguồn tài liệu trên, nhất là các tư liệu trước năm 1909, tác giả đã giúp bạn đọc nắm được quá trình phát hiện, chiếm hữu thật sự, thực thi chủ quyền ngay từ thế kỷ XVII của Nhà nước phong kiến Việt Nam qua sự quản lí, điều hành, hàng năm tổ chức các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải khảo sát đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên, xây dựng chùa miếu, dựng bia, trồng cây, kiến tạo cơ sở hạ tầng,… xem đó là biểu tượng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phương pháp nghiên cứu của tác giả tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, nâng niu trân trọng những sử liệu vô giá mà không một quốc gia nào có được. Những sử liệu này thể hiện ý chí, khí phách của nhiều thế hệ Việt Nam - những chủ nhân đầu tiên đã phát hiện, sở hữu thật sự hiệu quả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những sử liệu này hùng hồn chứng minh: Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ nối tiếp nhau liên tục khẳng định chủ quyền, thực thi quản lí hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo nguyên tắc công khai trong hàng mấy trăm năm, mà từ năm 1909 trở về trước không có một quốc gia nào đặt ra vấn đề tranh chấp chủ quyền.
2. Thảo luận và kiến nghị
Trong phạm vi nghiên cứu, bài báo đã phân tích các báo cáo kết quả nghiên cứu, bài báo và văn bản pháp quy như chiến lược, chương trình, đề tài nhà nước trên các lĩnh vực như: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, khai thác tài nguyên biển đảo; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển đảo; đào tạo nguồn nhân lực biển phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo; chính sách và định hướng phát triển kinh tế ven biển và hải đảo; văn hóa xã hội biển đảo; định hướng phát triển tài nguyên du lịch biển đảo; quản lý thiên tai khu vực biển đảo; chính sách, văn bản pháp luật tài nguyên và môi trường biển đảo Việt Nam; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Để đảm bảo việc thực hiện hóa chủ trương của Nhà nước trong qua trình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường biển đảo Việt Nam, nâng cao hiệu quả, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tế, bài báo đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, mặc dù các đề tài, chương trình nhà nước đang thực hiện khá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các đề tài, chương trình này đều tập trung tại một số cơ quan nhất định như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Viện Địa lí, và chỉ chú trọng đến các nghiên cứu điều tra khảo sát thiên về lĩnh vực khoa học kỹ thuật như địa hình, địa chất, đới bờ, tài nguyên, khoáng sản, môi trường,… chưa có nhiều nghiên cứu về mặt kinh tế - xã hội - môi trường. Vì vậy, cần phải mở rộng đơn vị nghiên cứu, kêu gọi tất cả các tổ chức và người dân tham gia. Cùng với đó, cần phải mở rộng lĩnh vực, phạm vi nghiên cứu như xã hội, văn hóa, kinh tế, nguồn nhân lực. Cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu liên ngành, đa ngành về các quá trình kinh tế - xã hội, môi trường và luật pháp về biển.
Bên cạnh đó, cần phải đầu tư các phương tiện và thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển. Xây dựng mạng lưới trạm quan trắc đủ mạnh, trạm thu ảnh vệ tinh thường xuyên theo dõi, thu thập chủ động, có hệ thống các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường biển khu vực Biển Đông và lân cận.
Thứ hai, cần phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu cấp quốc gia về các lĩnh vực biển đảo. Qua đó, hình thành nên các hệ đề tài tương ứng với từng lĩnh vực, đảm bảo có tính xuyên suốt, kế thừa và bổ sung những thiếu hụt của các nghiên cứu trước đây. Mặt khác, kế hoạch cũng là định hướng nghiên cứu nhằm đáp ứng những nhu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, thích ứng với bối cảnh đầy biến động của thế giới.
Thứ ba, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu về hệ thống quản lý nhà nước để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý, nên hướng tới hệ thống quản lý thống nhất về biển đảo. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý thống nhất của Nhà nước trong lĩnh vực biển đảo.
Thứ tư, cần có thêm nhiều nghiên cứu tổng hợp về chính sách đặc thù phát triển kinh tế vùng ven biển và các huyện đảo nhằm đưa ra chính sách chung và cho phép địa phương nơi có biển, đảo chủ động thực thi theo tình hình thực tế địa phương nhưng vẫn phải dựa trên chính sách này. Nghiên cứu để đưa ra mô hình quản lý kinh tế liên ngành, đa ngành áp dụng chung cho các địa phương.
Thứ năm, cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu và chất lượng về nguồn nhân lực khu vực biển đảo Việt Nam, chứ không chỉ dừng lại ở mức các báo cáo ngắn hoặc bài báo như hiện nay.
Thứ sáu, du lịch biển đảo là một thế mạnh của Việt Nam, vì vậy cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các mô hình khai thác du lịch hiệu quả. Ví dụ, du lịch sinh thái, nghiên cứu xây dựng mô hình các khu du lịch sinh thái mang lại nét đặc trưng cho từng vùng miền, tránh sao chép, lặp lại.
Thứ bảy, trong vấn đề quản lý thiên tai, cần thiết phải đẩy mạnh các nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý rủi ro thiên tai, mô hình cảnh báo thiên tai trên toàn bộ bờ biển và trên các đảo lớn ở Việt Nam. Các mô hình này phải mang tính toàn diện từ công tác chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu, và phục hồi khi có thiên tai xảy ra.
Thứ tám, cần sớm soạn thảo và thông qua Luật Tài nguyên và Môi trường biển, luật này khi ban hành sẽ là một đạo luật “khung” trong việc Nhà nước thống nhất quản lý Tài nguyên và Môi trường biển, vừa không mâu thuẫn, chồng chéo với nội dung của các đạo luật chuyên ngành đã ban hành.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Công Quế và n.n.k (2010). Đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần vùng ven biển Việt Nam. Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.
- Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 - Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hà Nội.
- Giang Đạt Hưng (2012). Tích hợp thông tin: vấn đề cấp bách để quản lý biển và hải đảo. Tạp chíTài nguyên và Môi trường, Kỳ 2 - tháng 4/2012.
- Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (2013). Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Hoàng Nhất Thống (2012). Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 8, Hà Nội.
- Lê Thanh Sơn (2011). Chính sách phát triển kinh tế ven biển và hải đảo tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu: thực trạng và vấn đề. Tạp chí Công nghiệp, Kỳ 1, tháng 8/201 l, Hà Nội.
- Ngô Đức Thịnh (cb) (2000). Văn hóa dân gian làng ven biển. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Xuyên (2004). Nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài độc lập cấp Nhà nước. Viện Vật lý Địa cầu, Viện KHCN VN, Bộ KHCN VN.
- Nguyễn Đình Xuyên (2008). Nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm sóng thần vùng ven biển Việt Nam và các giải pháp phòng tránh. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội.
- Nguyền Hồng Phương, Bùi Công Quế và Nguyễn Đình Xuyên (2009). Khảo sát các vùng nguồn sóng thần có khả năng gây nguy hiểm tới vùng bờ biển Việt Nam. Tạp chí Các khoa học về Trái Đất, Hà Nội.
- Nguyễn Hồng Thao (cb) (2008). Công ước biển 1982 và chiến lược biển Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Phương Anh (2012). Thực thi đồng bộ các giải pháp để quản lý biển, hải đảo. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Kỳ 2, tháng 3/2012, Hà Nội.
- Nguyễn Quang Tuyên (2010). Trách nhiệm quản lý nhà nước về biển. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Kỳ 1, tháng 11/2010.
- Nguyễn Thị Hải Phương (2012). Một số vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Kỳ 1, tháng 3/2012, Hà Nội.
- Phạm Văn Thục và Nguyễn Thị Kim Thanh (1985). Phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam, http://www.idm.gov.vn/nguon_luc/Xuat_ban/2004/A285/a150.htm.
- Phan Thị Yến Tuyết (2010). Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của cư dân vùng biển, đảo Nam Bộ. Đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.
- Quyết định số 80/2008/QĐ-TTg, Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020 ngày 13/06/2008.
- Thân Trọng Thụy và Phạm Xuân Hậu (2012). Phát triển các khu kinh tế ven biển - bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học sư phạm TP. HCM.
- Thanh Minh (2012). Quản lý nhà nước về biển và hải đảo.Tạp chí Hàng hải Việt Nam, Hà Nội, tr. 41.
- Tô Duy Hợp và Đặng Vũ Cảnh Linh (2012). Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển và hải đảo: Một số lý luận cơ bản. Truy cập tại http://123doc.org/document/2196728-nghien-cuu-dac-diem-cu-dan-va-van-hoa-vung-ven-bien-va-hai-dao-mot-so-van-de-ly-luan-co-ban-pptx.htm.
- Tổng cục thống kê (2012). Niên giám thống kê năm 2012. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội.
- Văn kiện Đại hội IX, tháng 4-2001.
- Văn kiện Đại hội X, tháng 4-2006.
- Văn kiện Đại hội XI của Đảng, tháng 1-2011.
- Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa X, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007
- Võ Quế (2012). Tài nguyên biển đảo là điểm nhấn phát triển bền vững du lịch Việt Nam. Tạp chí Biển Việt Nam, Hà Nội.
Nguồn ảnh: https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-bien-viet-nam-thuc-trang-va-nhung-van-de-cap-bach-hien-nay/668924.vnp