Quản lý an ninh môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay
Tóm tắt: An ninh môi trường (ANMT) là một vấn đề quan trọng trong nội dung của phát triển bền vững (PTBV). Tuy nhiên, ANMT chưa được quan niệm một cách rõ ràng và thống nhất ở Việt Nam. Bài viết này thảo luận những nhận thức cơ bản về ANMT, vai trò của quản lý ANMT đối với PTBV và nội dung của quản lý nhà nước về ANMT để đáp ứng yêu cầu PTBV ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: Môi trường; an ninh môi trường; quản lý an ninh môi trường; phát triển bền vững.
1. Quan niệm về an ninh môi trường
.An ninh môi trường được hiểu theo hai phía tương tác với nhau giữa con người với môi trường và giữa môi trường với con người. Thứ nhất là trạng thái ổn định các điều kiện của môi trường đáp ứng điều kiện sống an toàn và bền vững của con người bao gồm việc môi trường cung cấp đủ không khí trong lành, nước sạch và đất đai sạch cho con người sử dụng, sự biến động của thiên nhiên, thời tiết ở mức độ mà con người có thể chấp nhận và ứng phó được. Thứ hai là sự tác động an toàn của con người vào môi trường sống, và sự tác động chính là ý thức giữ gìn môi trường của con người, của doanh nghiệp, khả năng áp dụng phương tiện khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh không ảnh hưởng đến môi trường, khả năng xử lý rác thải, làm trong sạch môi trường.
Mỹ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới nhận ra nhu cầu phải bổ sung khái niệm về an ninh quốc gia. Năm 1991, Tổng thống Bush đưa ra sáng kiến thừa nhận ANMT là một bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia. Năm 1994, chính quyền Bill Clinton chấp nhận quan niệm về ANMT là một bộ phận của chiến lược chung về an ninh quốc gia. Tháng 8/1996, Ngoại trưởng Mỹ Christopher đã nói rõ hai lợi ích cơ bản của Mỹ trong các vấn đề quốc tế: “Vấn đề môi trường có ảnh hưởng lâu dài đối với lợi ích quốc gia của chúng ta theo hai hướng: Thứ nhất, sức mạnh môi trường vượt qua mọi biên giới và đại dương đe doạ trực tiếp sức khoẻ, sự thịnh vượng và việc làm của dân chúng Mỹ. Thứ hai, giải quyết các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên là việc làm hết sức quan trọng để đạt tới sự ổn định chính trị, kinh tế, đồng thời để theo đuổi mục tiêu chiến lược của chúng ta trên toàn cầu”[1]. Chiến lược an ninh quốc gia năm 1996 của Mỹ kết luận rằng: “Sự tăng trưởng dân số và các sức ép từ vấn đề môi trường sẽ bùng lên thành rối loạn xã hội quy mô lớn làm cho thế giới rất dễ bị tổn thương bởi sự bất đồng quốc tế nghiêm trọng”.
Ngày 24/10/2000 Tổng thống Nga Putin ký quyết định thông qua “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga”, phần nói về “các nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Liên bang Nga” đã chỉ rõ nguy cơ tình trạng sinh thái trong nước xấu đi và các tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt có thể đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và lợi ích quốc gia của Nga. Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga nhấn mạnh: “Với nước Nga, nguy cơ này càng đặc biệt to lớn bởi phát triển nặng về các ngành công nghiệp nhiên liệu, năng lượng cũng như nền tảng lập pháp về bảo vệ thiên nhiên chưa phát triển, thiếu hoặc sử dụng ở mức hạn chế các công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo vệ thiên nhiên, văn hoá sinh thái còn ở mức thấp. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm an ninh quốc gia Liên bang Nga là căn bản cải thiện tình hình sinh thái, môi trường trong nước với các hướng ưu tiên về hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực này”[2].
Ở Việt Nam, môi trường sinh thái đang ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng bởi những nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động tiêu cực của con người và biến đổi khí hậu gây ra. Sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mở ra nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường. Các nhà máy này hàng ngày thải ra môi trường hàng nghìn tấn rác thải, khí CO2, khí CF2 độc hại tác động tới môi trường, tác động tới chất lượng cuộc sống. Biến đổi khí hậu làm cho môi trường càng ngày càng khắc nghiệt và phức tạp, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt,…. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính vì vậy ANMT là vấn đề cấp bách được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường trong đó xác định: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự PTBV của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội”[3].
Báo cáo Thiên niên kỷ do Hội đồng châu Mỹ của Liên Hợp quốc xác định: ANMT là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia. Xâm phạm ANMT được coi là một kiểu diễn biến hòa bình. Đây là quan điểm mang tính chủ động trong bảo vệ con người trước các nguy cơ về môi trường mà chưa nêu bật được sự ổn định tự nhiên vốn có của môi trường. Trong lịch sử, môi trường đã từng ổn định một cách tự nhiên, ở đó con người có các điều kiện sống an toàn, có nước sạch, có không khí trong lành, có thiên nhiên hài hòa. Tuy nhiên hiện nay do những biến đổi của thiên nhiên, do sự tác động của con người nên những yếu tố ổn định tự nhiên vốn có của môi trường dần mất đi và thay thế vào đó là những yếu tố bất ổn mà con người phải tập trung chú ý phòng ngừa.
Theo một số nhà nghiên cứu trong nước thì ANMT là trạng thái ổn định và bền vững của môi trường có thể đáp ứng các điều kiện sống cơ bản của con người như cung cấp nơi ở, cung cấp năng lượng và nguyên liệu, khả năng chấp nhận chất thải, cung cấp thông tin khoa học và cung cấp các tiện nghi môi trường. ANMT là sự an toàn của môi trường sống, đáp ứng các điều kiện của con người trong một không gian, thời gian nhất định.
Các quan điểm trên đều có tính hợp lý khi đứng ở những góc độ khác nhau để xem xét. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể vẫn chưa bao hàm hết được nội hàm của ANMT. ANMT bên cạnh sự ổn định các điều kiện của môi trường đáp ứng điều kiện sống an toàn và bền vững của con người như điều kiện nơi ở, nước sạch, lương thực, thực phẩm, không khí, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng,... thì còn bao hàm những nội dung về sự an toàn đối với môi trường của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động sống của con người, ý thức của con người trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường, ý thức của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ý thức của một quốc gia trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. ANMT còn bao hàm cả việc phát triển khoa học công nghệ an toàn, khoa học công nghệ "sạch", nghĩa là việc phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất ra các sản phẩm "sạch"; các máy móc khi vận hành không ảnh hưởng đến môi trường hoặc ảnh hưởng ở mức giới hạn cho phép đối với môi trường; có đủ máy móc thiết bị để xử lý hết rác thải, khí thải, chất độc hại thải ra môi trường. Nói cách khác, số lượng rác thải, khí thải, chất độc hại do con người, máy móc thải ra hàng ngày phải được xử lý, hấp thụ an toàn để không ảnh hưởng đến môi trường.
Thực tế thì môi trường sống của con người có khả năng tự thích ứng và tự điều chỉnh khi số lượng, chất lượng các thành phần của môi trường thay đổi nhưng cấu trúc, cơ chế hoạt động và sự tương tác giữa các thành phần đó vẫn được giữ nguyên để tự đạt đến trạng thái cân bằng, tức là ANMT vẫn được đảm bảo, môi trường vẫn đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu cơ bản của con người. Tuy nhiên, cũng giống như khả năng tự thích ứng, tự điều chỉnh của con người thì sự tự điều chỉnh của môi trường là có giới hạn nhất định. Nếu sự thay đổi vượt quá giới hạn thì môi trường sẽ mất đi khả năng tự điều chỉnh và bị phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người. Đó là nguyên nhân của rất nhiều sự cố môi trường đã và đang diễn ra, đe dọa cuộc sống, sự tồn vong của con người và toàn nhân loại.
Ngày nay, các vấn đề liên quan đến ANMT không chỉ là thời sự cấp bách mà còn là thường xuyên, lâu dài, liên quan đến mỗi quốc gia và toàn nhân loại, ảnh hưởng đến cuộc sống từng gia đình. Rất nhiều vấn đề môi trường có thể đe doạ hoà bình và an ninh thế giới như sự biến đổi khí hậu, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên, bất đồng giữa các quốc gia về phân chia tài nguyên, môi trường, khủng bố sinh thái, xâm lược sinh thái,... có thể leo thang thành những xung đột quân sự. Xem xét trên phạm vi toàn cầu, thực tế cho thấy nhiều vấn đề môi trường không chỉ liên quan đến một quốc gia, chẳng hạn như hiệu ứng nhà kính, sự suy giảm tầng ôzôn tác động, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nước biển dâng lên đồng nghĩa với việc mất một phần lãnh thổ của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ven biển. Đó không chỉ còn là vấn đề môi trường đơn thuần mà là sự sống còn của cả một quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi điều kiện sống, thay đổi môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp. Trên cả nước, chúng ta có 301 khu công nghiệp, hàng trăm cụm công nghiệp nhỏ và khoảng hơn 2.000 làng nghề rải rác ở nhiều địa phương, trong đó 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55-70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại[4]. Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải y tế hằng ngày, thuốc bảo vệ thực vật và chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn tồn lưu trong môi trường ở nhiều nơi còn phải tích cực xử lý trong nhiều năm.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng địa điểm nhà xưởng không theo quy hoạch, xen kẽ trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện đã gây ô nhiễm không khí, nước thải, tiếng ồn cho cả cộng đồng dân cư xung quanh. Tình trạng nhập khẩu chất thải dưới danh nghĩa phế liệu vào Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc nhập khẩu các loại phế liệu độc hại (ắc quy chì, tàu cũ) để phá dỡ tận dụng làm nguyên liệu sản xuất, mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng một số doanh nghiệp vẫn vi phạm. Việc săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm, chặt phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Cùng với đó, tội phạm môi trường gia tăng nhanh chóng. Sự khai thác quá mức và trái phép tài nguyên thiên nhiên đang làm cho tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt là nguyên nhân gây ra các sự cố về môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu mà ngày nay con người phải gánh chịu.
2. Yêu cầu phát triển bền vững
Thuật ngữ "PTBV" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học"[5]. Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: PTBV là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai..." . Nói cách khác, PTBV phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế, xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội,... phải phối hợp với nhau thực hiện nhằm đảm bảo ổn định cả ba yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm 1992, tại Rio de Janeiro, các đại biểu tham gia Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc đã xác nhận lại khái niệm này, và đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các quốc gia về sự cấp bách trong việc đẩy mạnh sự hòa hợp kinh tế, phát triển xã hội cùng với bảo vệ môi trường. Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về PTBV hay còn gọi là Hội nghị Johannesburg họp tại Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia về kinh tế, xã hội và môi trường của gần 200 quốc gia đã tổng kết lại kế hoạch hành động về PTBV và đưa ra các quyết sách liên quan tới các vấn đề về nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và sự đa dạng sinh thái, môi trường.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì: "PTBV là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, ổn định xã hội. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai". Theo khái niệm chung nhất mà các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận thì PTBV là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển đó là sự PTBV về kinh tế, PTBV về xã hội và PTBV về môi trường.
Như vậy, dù theo cách hiểu nào thì PTBV cũng cần phải đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hài hòa giữa phát triển kinh tế và ổn định xã hội, nâng cao năng lực đời sống của người dân với sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. PTBV phải tạo ra trạng thái cân bằng giữa lợi ích của quốc gia với lợi ích của người dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế, phát triển kinh tế phải đảm bảo các yêu cầu về chính trị, đối ngoại và đảm bảo ANMT.
Ở nước ta, PTBV chính thức được đưa vào Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) với tên gọi là Định hướng chiến lược PTBV được Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 với các mục tiêu tổng quát là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia[6].
Yêu cầu của PTBV về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, có năng lực dự phòng về kinh tế để đảm bảo phát triển ổn định và tránh được sự suy thoái, đình trệ trong tương lai, tránh để lại gánh nặng nợ nần lớn cho các thế hệ mai sau.
Yêu cầu của PTBV về xã hội là đạt được kết quả cao trong việc thực hiện tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao; mọi người đều có cơ hội được học hành và có việc làm, có thu thập ổn định, giảm tình trạng đói nghèo và hạn chế khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội; giảm các tệ nạn, tai nạn xã hội, nâng cao dân chủ, mức độ công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên, các nhóm và các thế hệ trong một xã hội; duy trì và phát huy được tính đa dạng và bản sắc văn hoá dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn minh về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo ổn định xã hội, triệt tiêu được các nguy cơ xung đột, an ninh, quốc phòng được đảm bảo, quan hệ chính trị, đối ngoại giữa nước ta với các quốc gia trên thế giới hài hòa, không hiềm khích, kích động, gây mâu thuẫn.
Yêu cầu của PTBV về môi trường là khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, đảm bảo các chỉ số môi trường an toàn trong giới hạn cho phép, bảo vệ tốt môi trường sống; bảo vệ được các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn sự đa dạng sinh học, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm về môi trường; khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo người dân được sử dụng các nguồn không khí, lương thực, thực phẩm "sạch", nghiên cứu phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý triệt để rác thải, khí thải đảm bảo ANMT, phát triển công nghệ "sạch", không ảnh hưởng đến môi trường hoặc tác động ở mức độ chấp nhận được đối với môi trường; chủ động cải tạo môi trường phù hợp với điều kiện sống của người dân và làm cho người dân thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt và những tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
3. Quản lý an ninh môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Quản lý ANMT là việc các chủ thể quản lý căn cứ theo quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, căn cứ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình để tác động có định hướng, có chủ đích vào đối tượng quản lý và các thành tố của môi trường nhằm đảm bảo ANMT, phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm về môi trường, các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, quản trị rủi ro về môi trường.
Chủ thể quản lý ANMT ở đây có hai cấp độ: Ở cấp độ vĩ mô là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các cơ quan thực thi pháp luật về môi trường; ở cấp độ vi mô là các công dân, các tổ chức, các doanh nghiệp. Đối tượng quản lý ở đây chính là các công dân, tổ chức, doanh nghiệp có tác động ảnh hưởng đến ANMT hoặc có nguy cơ đe dọa đến ANMT. Các thành tố của môi trường chính là thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, địa lý, vật chất xung quanh ta đang biến đổi hàng ngày làm cho môi trường biến đổi. Quản lý ANMT bên cạnh tác động vào doanh nghiệp, con người nhằm làm cho con người có ý thức hơn, trách nhiệm hơn, phát triển kỹ năng và khoa học công nghệ trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường, thích nghi với môi trường còn phải tác động trực tiếp vào thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, vật chất xung quanh ta để "thuần hóa" chúng, làm cho chúng thay đổi phù hợp với cuộc sống của con người.
Như vậy có thể thấy quản lý ANMT là một khái niệm khá rộng bao hàm nhiều chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Chủ thể quản lý có cả Nhà nước và tổ chức, cá nhân; đối tượng quản lý gồm cả con người, máy móc và thiên nhiên nhằm đảm bảo ANMT, tạo ra điều kiện sống an toàn, ổn định và hài hòa cho con người và chính trong môi trường đó con người cũng tạo ra các điều kiện an toàn cho môi trường, thích ứng với môi trường.
Quản lý ANMT tốt cũng chính là đáp ứng một trong ba yêu cầu PTBV mà Chương trình nghị sự 21 của Chính phủ đặt ra theo quyết định 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 cũng như nội dung của quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược PTBV của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Quản lý ANMT không chỉ là vấn đề đảm bảo ANMT đơn thuần mà có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và đến quá trình PTBV của đất nước ta trong thời gian tới. Để đáp ứng yêu cầu này, trước hết phải thực hiện tốt công tác quản lý ANMT theo các nội dung chính sau:
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về môi trường và bảo vệ môi trường, tăng cường giáo dục về công tác quản lý ANMT. Để thực hiện tốt điều này, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần tổ chức thường xuyên các chiến dịch về nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội và các hình thức trực tiếp để tác động vào nhận thức của người dân, của doanh nghiệp về ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Làm cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp hiểu được bảo vệ ANMT cũng chính là bảo vệ an ninh và lợi ích của doanh nghiệp, của quốc gia, bảo vệ môi trường sống của chính mình, góp phần quan trọng vào sự PTBV của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Đưa nội dung tuyên truyền giáo dục về môi trường, bảo vệ môi trường, phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu là chương trình bắt buộc trong các cơ sở giáo dục các cấp nhằm hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ sớm cho mọi công dân, làm cho họ có trách nhiệm hơn với xã hội, với môi trường sống của chính mình.
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trong đó trước hết cần rà soát, loại bỏ những quy định không phù hợp, những quy định chưa đầy đủ hoặc gây cản trở hoạt động của cơ quan bảo vệ môi trường, những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật về môi trường, bổ sung những quy định mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong quản lý nhà nước về ANMT. Tăng cường năng lực và hiệu quả của các cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường, làm trong sạch nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các cơ quan phòng chống tội phạm về môi trường, đảm bảo cho các cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Đảm bảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực môi trường phải tuân theo pháp luật, tuân thủ các cơ chế quản lý và tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Cần xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa cơ quan bảo vệ môi trường và cơ quan phòng chống tội phạm về môi trường của lực lượng công an nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc thực thi pháp luật về môi trường trên cùng một địa bàn, trong cùng một doanh nghiệp. Điều này cũng hạn chế những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba là, tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, phát triển và ứng dụng khoa học bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm. Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động xây dựng, tổ chức diễn tập các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, bão, lũ, động đất, sóng thần và thảm họa thiên nhiên. Tổ chức rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các khu công nghiệp, các nhà máy, các làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng, hạn chế thấp nhất để xảy ra các xung đột môi trường, nhất là xung đột giữa công nghiệp (thủy điện, khu công nghiệp tập trung) với cộng đồng làm nông nghiệp, thủy sản, giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp, chủ động ngăn chặn các xung đột về môi trường giữa nước ta với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có chung lợi ích. Chủ động nghiên cứu phát triển và đưa vào nuôi trồng các cây giống, vật nuôi thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết trong tình hình mới, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bốn là, làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm về môi trường. Đây là nội dung hết sức quan trọng nhằm thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, răn đe đối với các hành vi có nguy cơ đe dọa đến ANMT. Các vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm môi trường hiện nay hết sức tinh vi, đa dạng. Đó là các hành vi xả rác thải quá mức cho phép vào môi trường, khai thác, kinh doanh trái phép tài nguyên, môi trường quốc gia, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, chặt phá rừng, dịch chuyển khí thải xuyên quốc gia (buôn bán quota khí thải), phá hoại nguồn nước, sử dụng hóa chất bất hợp pháp, buôn bán, kinh doanh rác thải công nghiệp bất hợp pháp... Để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường thì cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của lực lượng cảnh sát môi trường, nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an trong nắm tình hình, điều tra, khám phá các vụ án về môi trường. Nắm bắt thông tin và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi liên quan đến ANMT, đặc biệt là các doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng và vận hành các cơ sở sản xuất của mình phải có hệ thống xử lý chất thải, hệ thống đảm bảo ANMT. Đối với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về ANMT thì tiến hành rút giấy phép hoạt động hoặc xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Song song với đó cần có cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cảnh sát môi trường, của các lực lượng thực thi pháp luật về môi trường nhằm ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực cản trở hoạt động của doanh nghiệp hoặc thông đồng với doanh nghiệp trục lợi gây ảnh hưởng đến môi trường, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp với lực lượng thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Năm là, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường nhằm xây dựng các cơ chế, nguyên tắc chung trong xử lý các vấn đề môi trường và huy động nguồn lực tài chính, khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường. Vấn đề liên quan ANMT không chỉ là của riêng bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới mà là của nhân loại. Môi trường không khí, nguồn nước có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, chính vì vậy mà môi trường có tính toàn cầu. Bảo vệ môi trường cần có sự hợp tác quốc tế với tất cả nước trên thế giới. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rất tốt với các tổ chức môi trường quốc tế như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)… và chúng ta đã có tiếng nói góp phần giải quyết các vấn đề ANMT trong các diễn đàn quan trọng. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác với chính phủ các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, các nước có lợi ích chung trên một số lĩnh vực liên quan đến môi trường nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong đảm bảo ANMT. Đặc điểm của nước ta có nhiều sông ngòi bắt nguồn từ nước ngoài, đây vừa là nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, canh tác, chăn nuôi của người dân, vừa là nguồn điều hòa không khí quan trọng giúp cân bằng sinh thái. Nếu không có sự hợp tác để chia sẻ và bảo vệ nguồn nước đối với các dòng sông này, đặc biệt là với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng thì quốc gia hạ nguồn như chúng ta hoàn toàn có thể hứng chịu những tổn thất ghê gớm từ mất ANMT nguồn nước.
Kết luận
Có thể nói ANMT là vấn đề có tính thời sự trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Đảm bảo ANMT là đảm bảo điều kiện sống cho con người, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Ngược lại ANMT bị xâm hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, tạo ra xung đột xã hội giữa người dân với doanh nghiệp, xung đột giữa người dân với chính quyền, xung đột quốc gia giữa nước ta với các nước có cùng lợi ích, gây ra những bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, đến an ninh quốc gia, kiềm chế sự phát triển kinh tế, xã hội. Quản lý tốt ANMT sẽ là điều kiện tạo ra sự ổn định xã hội, giải quyết hài hòa các lợi ích về môi trường, góp phần quan trọng vào quá trình PTBV của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
- Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2013). Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường.
- Bộ Tài nguyên & Môi trường (2007). Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bùi Việt Cường (2014). Thể chế cho sự phát triển bền vững: Quan niệm và cách tiếp cận. Tạp chí Phát triển bền vững Vùng, Quyển 4, Số 2, tr. 3-12.
- Chính phủ (2004). Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về định hướng chiến lược phát triển bền vững.
- Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
- Cục Cảnh sát môi trường (2014). Báo cáo tổng kết công tác năm 2014.
- Hưởng Nguyễn Văn (2014). An ninh phi truyền thống - nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam. Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
- National security concept of the Russian Federation, approved by Presidential Decree (2000). No. 24 of 10 January 2000.
- Text: Secretary Of State Before Senate Committee (1996). August 1.
- Tô Văn Trường (2010). Tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh lương thực quốc gia. KC08/06-10, Hà Nội.
[1]. Text: Secretary Of State Before Senate Committee August 1, 1996.
[2]. National security concept of Russian Federationapproved by Presidential Decree No. 24 of 10 January 2000.
[3]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (số 24-NQ/TW năm 2013).
[4]. Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát môi trường năm 2014.
[5]. Chiến lược bảo tồn thiên nhiên thế giới 1980.
[6]. Định hướng chiến lược phát triển bền vững (ban hành kèm theo QĐ số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004).
Nguồn ảnh: http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/1615-d-bao-an-ninh-moi-tru-ng-vi-t-nam-hi-n-nay