Phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp - tiền đề xây dựng Việt Nam thành một trong những trung tâm chế biến nông sản của thế giới
Tóm tắt: Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm của Việt Nam đưa ra thị trường dưới dạng thô hoặc qua sơ chế đơn giản khiến cho giá trị gia tăng qua chế biến nông sản thấp. Bài viết này đánh giá tình hình công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam, các cơ hội và thách thức trong thời gian tới. Từ đó đề xuất định hướng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nông sản nói riêng ở Việt Nam.
Từ khóa: Nông nghiệp; nông sản; chế biến; xuất khẩu.
.Việt Nam là quốc gia có lợi thế so sánh về nông nghiệp cả trong hiện tại và tương lai. Hai đồng bằng lớn ở hai đầu đất nước là cái nôi của nền văn minh lúa nước; vùng cao nguyên Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thuận lợi cho sản xuất cây công nghiệp; dải duyên hải miền Trung thuận lợi cho thủy sản. Việt Nam không phải chịu những thiên tai lớn như các nước trong khu vực như động đất, núi lửa, không bị chia cắt như các đảo quốc trong vùng. Tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú. Điểm quan trọng nhất là Việt Nam có lực lượng lao động nông thôn trẻ, sáng tạo, và giá lao động rẻ. Nông dân Việt Nam có truyền thống sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Việt Nam có vị trí địa kinh tế nằm giữa vùng phát triển kinh tế năng động nhất thế giới, liền kề với thị trường lớn nhất và tăng trưởng mạnh nhất là Trung Quốc. Vị trí này thuận lợi cho việc vận chuyển bằng đường bộ, đường không và đường thủy đến các thị trường quan trọng trên thế giới. Lịch sử Việt Nam đã để lại di sản quý báu về đất lúa và cơ sở hạ tầng thuận lợi, tạo thành văn hoá nông nghiệp, xã hội nông thôn.
Nông nghiệp và nông thôn là nền tảng cho thành công của đổi mới kinh tế trong thời gian vừa qua. Nông nghiệp liên tục tăng trưởng ổn định và góp phần không nhỏ vào ổn định an ninh chính trị và kinh tế của Việt Nam trước những biến động của kinh tế thế giới. Nông nghiệp không chỉ đóng vai trò truyền thống (cung cấp lương thực, thực phẩm, lao động, nguyên liệu, thị trường…) mà còn đóng những vai trò quan trọng mới: Làm động lực cho tăng trưởng, có khả năng lan tỏa sang các ngành khác, tăng khả năng cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam nhờ giữ giá lao động và giá lương thực thực phẩm thấp, giữ ổn định xã hội thông qua xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho nông dân, là tấm đệm an sinh xã hội trước các cú sốc khủng hoảng kinh tế - tài chính bằng cách tạo ra việc làm và thu nhập tạm thời. Nông nghiệp phát triển góp phần quan trọng vào tăng thu nhập hộ nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Thu nhập thực tế của hộ nông thôn tăng hơn gấp đôi sau 10 năm từ 2002 đến 2012. Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm hơn một nửa, từ 35% xuống còn 14% (tính toán từ Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2012).
Lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam được thể hiện qua việc đây là ngành duy nhất có xuất siêu và mức độ xuất siêu ngày càng tăng. Chỉ trong hai thập kỷ, Việt Nam đã nổi lên từ một nước không ai biết đến trở thành một nhà cung ứng lớn trên thị trường hàng hóa nông nghiệp quốc tế. Mặc dù hệ số bảo hộ nông nghiệp thấp, mức đầu tư thấp, chính sách vĩ mô bất thuận,… nhưng chuyên gia về lợi thế cạnh tranh hang đầu của Hoa Kỳ là Michael Porter cho rằng, hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam cao hơn hẳn so với các ngành khác. Hiệu ứng lan tỏa của nông nghiệp lớn, chi phí nguồn lực nội địa thấp, tỷ trọng trong xuất khẩu lớn, là ngành duy nhất trong nền kinh tế liên tục xuất siêu. Rõ ràng đây là ngành có triển vọng đi vào chuỗi giá trị toàn cầu, có triển vọng phát triển thị trường lớn trong nước và trong khu vực.
2. Công nghiệp chế biến giúp phát huy sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ giúp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Một số ước tính của các chuyên gia cho thấy, sau khi tinh chế, giá trị của nông sản có thể tăng từ 4 - 10 lần so với giá trị lúc chưa chế biến. Công nghiệp chế biến cũng góp phần tạo khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ, làm giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thời gian và khoảng cách đối với tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.
Công nghiệp chế biến phát triển cũng giúp tăng nhu cầu về sản phẩm từ nông nghiệp. Thông qua chế biến, từ một loại nông sản có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm có những giá trị sử dụng rất khác nhau, thậm chí tạo ra những đặc tính mới, những giá trị sử dụng mới cho nông sản, từ đó nâng cao mức độ và khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Phát triển công nghiệp chế biến góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động ở nông thôn, đặc biệt là qua việc phát triển hệ thống các cơ sở chế biến ngay ở nông thôn. Trong bối cảnh trình độ lao động thấp, tỷ lệ chưa qua đào tạo lên tới gần 80%, thu hút lao động vào chế biến nông sản là hướng tạo việc làm khả thi, giúp trang bị kỹ năng, tác phong công nghiệp cho lao động, nhất là lao động từ nông nghiệp, nông thôn.
Như vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản vừa có tác dụng trực tiếp, vừa có tác dụng gián tiếp tới sự phát triển của nông, lâm nghiệp, tạo cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp, là khâu đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản có thể làm bước đệm trong xây dựng lực lượng lao động trình độ cao tạo điều kiện tiên quyết để xây dựng Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
3. Thực trạng chế biến nông sản Việt Nam
3.1. Thực trạng công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam
Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại. Từ năm 2005 đến 2012, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể: Thuỷ sản xuất khẩu từ 634 ngàn tấn lên 1.400 ngàn tấn, xay xát gạo quy mô công nghiệp tăng từ 8 triệu tấn lên 10 triệu tấn quy gạo, cao su từ 481 ngàn tấn lên 864 ngàn tấn, cà phê từ 752 ngàn tấn lên 1.300 ngàn tấn, chè từ 126 ngàn tấn lên 200 ngàn tấn, hạt tiêu từ 80 ngàn tấn lên 120 ngàn tấn, nhân hạt điều từ 112 ngàn tấn lên 220 ngàn tấn, đường từ 902 ngàn tấn lên 1.306 ngàn tấn (Cục chế biến, thương mại NLTS và nghề muối, 2013).
Hệ thống chế biến công nghiệp phát triển cả về số lượng, công suất và công nghệ. Năm 2013, cả nước có trên 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, trong đó chế biến nông sản hơn 2.000 cơ sở, chế biến thuỷ sản 570 cơ sở, chế biến gỗ 3.500 cơ sở. Năm 2012, công suất chế biến mủ cao su đạt 1.100.000 tấn mủ khô/năm, chế biến đường 134.200 tấn mía/ngày; chế biến hạt điều 850.000 tấn hạt thô/năm, chế biến gỗ 15.000m3 gỗ tròn/năm... Doanh nghiệp chế biến trong một số ngành hàng như điều, hồ tiêu, đồ gỗ, thuỷ sản,… đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ISO, HACCP, xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản.
Tuy nhiên, các cơ sở chế biến nông sản của Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, song số lượng còn ít, đầu tư cho nâng cấp và chuyển đổi khoa học công nghệ hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Trong ngành cà phê, sơ chế thủ công, công nghệ lạc hậu còn chiếm trên 70%. Nhiều nhà máy chế biến chè vẫn dùng thiết bị cũ của Liên Xô và Trung Quốc. Hầu hết sản phẩm chè ở dạng sơ chế, giá trị hàng hoá rất thấp so với sản phẩm chè thương phẩm của các nước. Ngành chế biến nhân điều, mặc dù công nghệ chế biến có khá hơn, song sản xuất sử dụng lao động thủ công vẫn là chủ yếu.
Việc xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình chế biến còn nhiều hạn chế. Ví dụ như chế biến gạo, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện quy trình “ngược”, thường xay xát lúa ở độ ẩm cao, bảo quản gạo thay vì sấy lúa khô sau đó mới xay xát và đóng gói, dẫn đến tỷ lệ gãy và bạc bụng cao, chất lượng gạo thành phẩm thấp.
Kết quả là các sản phẩm sơ chế, các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn còn chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu nông sản. Gạo xuất khẩu chủ yếu là loại chất lượng thấp; chè đen (giá thấp hơn chè xanh) chiếm 60% sản lượng chè xuất khẩu; cà phê chế biến ướt có thể tăng giá trên 200 USD/tấn, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng cà phê nhân xuất khẩu; dăm gỗ xuất khẩu giá trị gia tăng rất thấp (19,4%), nhưng chiếm đến 35% cơ cấu sản phẩm đồ gỗ... Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng. Tỷ lệ chế biến sâu với cà phê chỉ đạt 10%, điều 5%, chè 5% (Cục chế biến, thương mại NLTS và nghề muối, 2013).
Do phần lớn sản phẩm của Việt Nam được đưa ra thị trường dưới dạng thô, sơ chế với công nghệ chế biến giản đơn nên giá thấp và thường xuyên phải đối diện với rủi ro tác động tiêu cực từ thị trường thế giới. Ví dụ, gạo 25% tấm của Việt Nam có xu hướng bán với giá thấp hơn 30 đến 40 USD/tấn so với sản phẩm tương tự của Thái Lan. Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam có xu hướng bán với giá thấp hơn so với chỉ số LIFFE[1] (Giá quốc tế). Năm 2013, đơn giá trung bình đối với chè của Việt Nam là 1.524 USD, thấp hơn khoảng 40% so với Ấn Độ (2.688 USD) và Kenya (2.799 USD).
Giá trị gia tăng qua chế biến của nông, thủy sản còn thấp, ngay cả ở những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu cao. Ví dụ, giá trị gia tăng qua chế biến của tôm đạt 24,7%, của cá ngừ đạt 37,7%, giá trị này ở cá tra chỉ đạt 0,68% và hơn 90% chè xuất khẩu của Việt Nam ở dạng nguyên liệu (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Đại học Cần Thơ, 2010). Kỹ năng sơ chế sau thu hoạch của nông dân Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực, không có các hoạt động chế biến ban đầu để duy trì chất lượng nông sản cho phép bảo quản nông sản lâu hơn.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2000 - 2010 cho thấy, tỷ trọng hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam chỉ tăng rất hạn chế sau một thập kỷ (từ 11,1% lên 14,2%), thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (tăng từ 21,2% lên 32,2%). Điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa và xu hướng gia tăng khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc về năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản.Các liên kết trực tiếp giữa người nông dân và các nhà chế biến/xuất khẩu vẫn chưa phổ biến, ngoài nuôi trồng thủy sản. Do đó, hầu hết các chuỗi giá trị đặc trưng là có số lượng lớn các trung gian. Công nghệ, năng lực, sức mạnh tài chính, và đạo đức kinh doanh khác nhau giữa các trung gian này. Việc theo dõi nguồn cung ứng trở nên khó khăn. Với tình trạng này, rất khó để thực hiện các cam kết bán trước đối với người mua và đảm bảo với họ rằng nguồn gốc của sản phẩm là an toàn và bền vững.
3.2. Thực trạng chế biến một số ngành hàng nông sản chính
Lúa gạo: Các doanh nghiệp chế biến lúa gạo quy mô công nghiệp chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 558 doanh nghiệp (chiếm 95,9% tổng số doanh nghiệp chế biến lúa gạo quy mô công nghiệp cả nước). Quy mô doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ. Chỉ có 3,1% doanh nghiệp có công suất trên 100.000 tấn lúa/năm, còn lại 96,9% doanh nghiệp có công suất dưới 100.000 tấn lúa/năm tương đương 15 tấn lúa/ca. Tổng sản lượng chế biến công nghiệp đạt 13,5 triệu tấn chiếm 55 - 60% sản lượng chế biến cả nước. Trong đó 66,1% giá trị sản phẩm chế biến công nghiệp để xuất khẩu.
Cà phê: Các doanh nghiệp chế biến cà phê quy mô công nghiệp chủ yếu tập trung ở Đông Nam Bộ (43,1%) và Tây Nguyên (36,4%). Năm 2015, cả nước có 45 doanh nghiệp chế biến cà phê nhân quy mô lớn (Công suất thiết kế từ 20.000 tấn/năm đến 50.000 tấn/năm)thuộc 7 tập đoàn và công ty lớn với tổng công suất chiếm 71,9% tổng công suất cả nước. Cà phê Việt Nam có ba sản phẩm chế biến chính: Cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê hòa tan. 96% sản lượng cà phê cả nước được chế biến công nghiệp, nhưng mức độ chế biến mới chỉ đến phần tạo ra cà phê nhân. Tỷ lệ doanh nghiệp, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan,… còn khá khiêm tốn. Sản lượng sản phẩm chế biến sâu hàng năm chỉ đạt khoảng 20.000 tấn cà phê bột và 68.000 tấn cà phê hòa tan.
Về chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cả nước có 97 cơ sở với tổng công suất thiết kế (CSTK) 1.503.000 tấn/năm, đủ và thừa so với sản lượng cà phê nhân hàng năm. Với cà phê chế biến sâu, toàn quốc có khoảng 10 nghìn hộ và 160 cơ sở (doanh nghiệp, công ty có giấy phép kinh doanh) chế biến cà phê bột với tổng công suất thiết kế 51.664 tấn/năm, công suất thực tế năm 2011 là 26.094 tấn sản phẩm (32.905 tấn quy nhân và đạt 50% công suất thiết kế), có 8 cơ sở (quy mô công nghiệp) sản xuất cà phê hòa tan với tổng công suất thiết kế 80.830 tấn/năm, công suất thực tế năm 2011 là 68.280 tấn (đạt 84,5% công suất thiết kế), trong đó cà phê hòa tan nguyên chất là 11.830 tấn (31.131 tấn quy nhân) và cà phê hòa tan ba trong một là 56.450 tấn (22.016 tấn quy nhân). Như vậy, tổng công suất thực tế của cà phê chế biến sâu khoảng 94.374 tấn sản phẩm (86.052 tấn quy nhân, chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng cà phê nhân cả nước) và chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Chè: Các doanh nghiệp chế biến chè tập trung chủ yếu ở Trung du và miền núi phía Bắc - chiếm 79,4% và Tây Nguyên (chủ yếu là Lâm Đồng) - chiếm 15,6% tổng số doanh nghiệp chế biến chè cả nước. Phần lớn doanh nghiệp chè là doanh nghiệp nhỏ (45,9%) với công suất chế biến dưới 10 tấn búp tươi/ngày. Chỉ có 3,1% tổng doanh nghiệp chế biến chè có quy mô lớn, chế biến được trên 100 tấn búp tươi/ngày. Chế biến công nghiệp sản xuất ra 170 nghìn tấn chè/năm, chiếm 86% sản lượng chè cả nước. Hiện tại ngành chè Việt Nam chủ yếu sản xuất chè đen và chè xanh. Sản lượng chè xanh và chè đặc sản tăng dần trong vòng 10 năm qua, giảm dần sản xuất chè đen. Năm 2012 cơ cấu sản phẩm như sau: chè đen 60%, chè xanh 35%, các loại chè khác 5%. Xuất khẩu 146,748 nghìn tấn chè, kim ngạch đạt 224,59 triệu USD.
Rau quả: Năm 2015, có 156 doanh nghiệp chế biến công nghiệp rau quả. Các doanh nghiệp chế biến rau quả tập trung ở 28 tỉnh, thành phố. Các tỉnh phía Bắc chiếm 49%, miền Trung 12,4% và miền Nam 38,6%. Hàng năm, các doanh nghiệp chế biến sản xuất khoảng 464 nghìn tấn rau quả, chủ yếu là đồ hộp (68% tổng sản lượng chế biến), chuối sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm IQF (Individual Quick Frozen) (8%) và gia vị (2%) (Nguyễn Mạnh Dũng, 2015). Sản phẩm rau quả chế biến chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu.
Thủy sản: Việt Nam có 625 doanh nghiệp chế biến công nghiệp tập trung trên 38 tỉnh, thành phố, nhiều nhất ở vùng ĐBSCL (72% tổng doanh nghiệp chế biến thủy sản). Ngành thủy sản chú trọng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ chế biến nhất trong toàn ngành nông nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp sử dụng hết 65% công suất thiết kế bình quân của các doanh nghiệp. Mặt hàng thủy sản đông lạnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 69,5% tổng sản lượng thủy sản chế biến. 80,7% các sản phẩm chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Cao su: Có 147 doanh nghiệp chế biến cao su quy mô từ 1.000 tấn sản phẩm/năm, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam Bộ (72% tổng số doanh nghiệp). Tổng công suất thiết kế của các doanh nghiệp chế biến vào khoảng 1,17 triệu tấn sản phẩm/năm cao hơn sản lượng cao su hiện có của cả nước. Sản phẩm cao su hiện tại chủ yếu là cao su mủ cốm (chiếm 84,7%), còn lại là cao su xông khói (4,2%), cao su HH và Creps (11,2%). Có thể nói, sản phẩm cao su hiện nay của Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là sản phẩm sơ chế. Các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao như săm, lốp xe, cao su dùng trong y tế, trong thể thao, công nghiệp,… chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể.
Điều: Cả nước có khoảng 328 doanh nghiệp chế biến hạt điều công suất chế biến từ 100 tấn/năm trở lên, tổng công suất thiết kế là 454.356 tấn sản phẩm/năm, sản xuất ra 236.654 tấn sản phẩm/năm. Công nghệ chế biến điều khá hiện đại, cho sản phẩm có chất lượng cao và 93,5% sản lượng sản phẩm dành cho xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD năm 2014.
Hạt tiêu: Các doanh nghiệp chế biến hạt tiêu quy mô công nghiệp phân bổ tại 6 tỉnh/ thành phố trong cả nước, trong đó Bình Dương có 7 doanh nghiệp, Gia Lai có 3 doanh nghiệp và Đồng Nai có 3 doanh nghiệp. Chế biến công nghiệp chiếm 58,2% sản lượng hạt tiêu cả nước, chủ yếu là tiêu đen chiếm 80%, tiêu trắng chiếm 15% và 5% là tiêu bột. 85% tổng giá trị sản phẩm chế biến là do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Thịt: Số lượng cũng như quy mô của các doanh nghiệp chế biến thịt rất nhỏ. Cả nước chỉ có 51 doanh nghiệp, trong đó 23 doanh nghiệp ở miền Bắc (chiếm 25,1%), 01 doanh nghiệp miền Trung và 27 doanh nghiệp ở miền Nam (chiếm 52,9%). Các sản phẩm chế biến từ thịt chủ yếu phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước, chỉ có khoảng 26,9% giá trị chế biến được xuất khẩu.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Đa phần các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô nhỏ: 28,5% cơ sở có quy mô vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng; 43,82% số cơ sở có quy mô đầu tư từ 1 đến 5 tỷ đồng; 12,52% có quy mô từ 5 đến 10 tỷ đồng; 12,66% từ 10 đến 50 tỷ; 2,13% từ 50 đến 200 tỷ đồng và 0,37% có quy mô vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên (Nguyễn Mạnh Dũng, 2015). Mặt khác, các doanh nghiệp này có công suất thấp, trang thiết bị đơn giản phục vụ sơ chế và sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công nguyên liệu. Có đến 47% doanh nghiệp có công suất thiết kế sử dụng dưới 500 m3 gỗ tròn/năm, chỉ có 21,7% doanh nghiệp có công suất trên 10 nghìn m3 và phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp sản xuất trong hệ thống phân phối sản phẩm nước ngoài. 56,1% các doanh nghiệp chế biến gỗ sản xuất các dạng sản phẩm đa dạng như gỗ xẻ, dăm gỗ, gỗ mỹ nghệ,… Chỉ có 8,6% doanh nghiệp chế biến ván nhân tạo như MDF, ván dãn, ván dăm, gỗ ghép thanh… mặc dù đây là ngành chế biến có nhiều tiềm năng phát triển do tận dụng được nguồn nguyên liệu là gỗ rừng trồng và tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
4. Cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến nông sản trong tương lai
Cùng với quá trình phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng và chi tiêu lương thực thực phẩm dần chuyển sang lương thực thực phẩm có giá trị cao hơn. Tỷ trọng GDP của công nghiệp chế biến nông sản có thể tăng lên và tiến đến chiếm một tỷ lệ cao hơn trong GDP so với nông nghiệp cơ bản. Việt Nam có thể kỳ vọng các dịch vụ công nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp chiếm gấp đôi hoặc nhiều hơn GDP nông nghiệp cơ bản (ngày càng giảm) trong thập kỷ tới khi thu nhập tiếp tục tăng lên và các hình thái tiêu dùng lương thực thực phẩm thay đổi hơn nữa. Kể từ giữa những năm 2000, doanh số bán hàng trong nước về thực phẩm chế biến và thực phẩm ăn liền tăng nhanh. Nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế BMI năm 2015 xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 14 nước châu Á về mức độ hấp dẫn tổng thể về đầu tư vào lương thực thực phẩm và đồ uống, nhưng lại đứng thứ nhất về tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần (BMI, 2015). Tuy nhiên, có một loạt những quan ngại về an toàn thực phẩm, phổ biến nhất là sự hiện diện của dư lượng kháng sinh trong cá nuôi, dư lượng thuốc trừ sâu trong trà, trái cây và rau quả, các chất vi sinh có hại trong ngao và thực phẩm chế biến, cùng với việc ghi nhãn mác không đúng. Từ giữa đến cuối những năm 2000, thương mại nông sản của Việt Nam đã phải đối mặt với một số lượng tương đối lớn các trường hợp lô hàng lương thực thực phẩm xuất khẩu bị chặn lại hoặc từ chối do an toàn thực phẩm.
Phần nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam là "vô hình" đối với đa số người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài. Điều này thật đáng tiếc trong khi ẩm thực Việt Nam đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều hơn ở các nước thu nhập cao. Nguyên liệu thô rẻ tiền của Việt Nam có xu hướng được pha trộn với nguyên liệu thô từ những nước khác. Ví dụ cà phê Robusta giá rẻ của Việt Nam được pha trộn với cà phê Arabica từ châu Phi hoặc châu Mỹ La tinh để sản xuất ra các nhãn hiệu cà phê hòa tan khác nhau ở châu Âu và Bắc Mỹ. Sắn khô của Việt Nam được chuyển đổi thành thức ăn gia súc, tinh bột và các sản phẩm khác ở Trung Quốc. Thách thức rất lớn ở đây là xây dựng thương hiệu chất lượng cao cho nông sản Việt Nam, bắt đầu từ chế biến nông sản để định vị lại Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
5. Định hướng chính sách phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp
5.1. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn bó với nông nghiệp có thế mạnh
Công nghiệp hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp | Công nghiệp hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp |
- Máy móc, thiết bị, công cụ - Hóa chất, phân bón - Vật tư phục vụ sản xuất - Thuốc bảo vệ thực vật, thú y - Công nghiệp phụ trợ: bao bì, nhãn mác - Công nghiệp tin học: công cụ điều khiển, giám sát, thông tin liên lạc phục vụ sản xuất nông nghiệp, quản lý hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp. | - Sơ chế: trữ lạnh, đông lạnh, rửa sạch, đóng gói… - Chế biến nông sản: đóng hộp, sấy, chế biến thành phẩm từ nông sản - Chế biến công nghiệp: giấy, bìa, gỗ, tấm ép, dệt sợi, thuộc da, đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ… - Chế biến sâu: thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm - Chế biến phụ phẩm - Năng lượng tái tạo
|
5.2. Quy hoạch khu công nghiệp ở các vùng nông nghiệp trọng điểm
- Giảm tải tình trạng tập trung phát triển công nghiệp ra khỏi hai cực tăng trưởng xung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các đô thị lớn chỉ tập trung vào các chức năng cao cấp: hành chính, chính trị, ngoại giao, tài chính, thương mại, nghiên cứu ở tầm quốc gia hoặc vùng.
- Xây dựng các khu công nghiệp hoàn chỉnh tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL gắn với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, nằm giữa các vùng nguyên liệu, các vùng sinh thái nông nghiệp chính.
- Hình thành hệ thống dịch vụ đồng bộ với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và gắn với các vùng trọng điểm công, nông nghiệp, đảm bảo cung cấp đầy đủ: tín dụng, dịch vụ tài chính, sàn giao dịch, dịch vụ tiếp thị, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo tay nghề, cung cấp nước, thông tin liên lạc, điện, xử lý môi trường, v.v….
- Phát triển các “thành phố khoa học” cho các vùng trọng điểm nông nghiệp, gắn nghiên cứu với đào tạo và khuyến nông.
5.3. Quy hoạch cụm công nghiệp - dịch vụ ở những vùng chuyên canh
- Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, sản phẩm quy mô lớn sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chung, vệ sinh an toàn và có giá cả hợp lý.
- Thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp - dịch vụ gắn kết giữa vùng chuyên canh với các trung tâm tiêu thụ nông sản lớn: (i) Công nghiệp: chế biến, bảo quản; (ii) Dịch vụ: cung cấp giống, cung cấp thức ăn gia súc, thuốc thú y; quản lý chất lượng; thương mại.
5.4. Ưu tiên chính sách chung
- Mặt bằng: Đảm bảo đất sạch, có quy hoạch rõ ràng, cho thuê dài hạn, hỗ trợ thuê đất và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng
- Hạ tầng: Đảm bảo đủ điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý môi trường tại các khu/cụm công nghiệp. Ưu đãi về giá cho các doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
- Giao thông: Hình thành hệ thống giao thông vận tải, kho tàng bến bãi, bốc dỡ, phương tiện gắn với các vùng sinh thái nông nghiệp. Hình thành hệ thống đường sắt, cảng biển và vận tải chuyện dụng đường bộ, đường không cho các nông sản chủ lực.
- Thu hút đầu tư: Xây dựng Hiệp hội doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách, đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt (cấp và cho thuê đất, đào tạo lao động, vay vốn ưu đãi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, miễn giảm thuế,...), thu hút đầu tư tư nhân vào các mặt hàng chiến lược như thức ăn gia súc, phân bón, cơ khí sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, tàu thuyền phục vụ thủy sản, chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại. Tổ chức nghiên cứu và hình thành hàng rào kỹ thuật và đưa ra các giải pháp ngăn chặn đầu vào giá rẻ, chất lượng thấp, không an toàn, ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam.
5.5. Ưu tiên chính sách trong chế biến nông sản
- Phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà Việt Nam có lợi thế sản xuất, có nguyên liệu và thu hút nhiều lao động (chế biến gỗ, hạt điều, thủy sản, đồ thủ công mỹ nghệ,...) kết hợp với tổ chức sản xuất nguyên liệu, quy hoạch các vùng nguyên liệu chuyên canh có cơ sở hạ tầng và hình thức tổ chức sản xuất gắn bó với nhà máy chế biến hoặc các kênh nhập khẩu nguyên liệu ổn định để đảm bảo quy mô sản xuất lâu dài.
- Phát triển từ sơ chế đến chế biến sâu đối với những ngành hàng cho đến nay vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, chè,…). Nghiên cứu khả năng đầu tư những ngành công nghiệp chế biến có giá trị cao mà Việt Nam có tiềm năng phát triển và có thị trường (rau quả, sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, dược phẩm, đồ uống…).
- Khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại, làm ra các sản phẩm có giá trị cao, mở ra hướng mới về phát triển thị trường bằng việc áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt (cấp và cho thuê đất, đào tạo lao động, vay vốn ưu đãi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, miễn giảm thuế,...) để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển công nghiệp chế biến.
- Phát triển quy trình chế biến hoàn chỉnh cho những ngành hàng vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô (lúa gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu, cao su, chè, thủy sản, gỗ…): từ khâu phân loại, bảo quản (trữ lạnh, đông lạnh, rửa sạch, đóng gói) đến chế biến thô (sấy, chế biến thành phẩm, đóng hộp), chế biến công nghiệp (giấy, bìa, gỗ, tấm ép, sợi, da), chế biến sâu (đồ gỗ nội thất, dệt may, da giầy, vật liệu xây dựng, đồ thủ công mỹ nghệ).
- Nghiên cứu khả năng đầu tư những ngành công nghiệp chế biến tinh, sử dụng công nghệ cao, có giá trị cao mà Việt Nam có tiềm năng và có thị trường (dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, năng lượng sinh học…). Phát triển công nghiệp chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo
- Ban cán sự Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014). Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tế qua 30 năm đổi mới (1986-2016). Chuyên đề Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Việt Nam kể từ khi Đổi mới, Hà Nội.
- Business Monitor International (2015), Vietnam Agribusiness report.
- Business Monitor International (2015). Vietnam Food and Drink report.
- Cục chế biến, thương mại NLTS và nghề muối (2013). Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng NLTS, Hà Nội.
- Tổng cục Thống kê (2013), Điều tra mức sống hộ gia đình 2011, 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (2015). Nông dân Việt Nam với tái cơ cấu nông nghiệp. Tọa đàm Nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân trong hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, Hà Nội.
- Nguyễn Mạnh Dũng (2015). Thực trạng chế biến, thương mại về nông, lâm, thủy sản và chính sách phát triển doanh nghiệp, những khuyến nghị đổi mới thời kỳ hội nhập, Hà Nội.
- Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2015). Rà soát các chính sách nông nghiệp Việt Nam, tài liệu Hội nghị lần thứ 164 của Hội đồng Nông nghiệp, Hà Nội.
- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (2015). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam trong 30 năm qua và định hướng trong thời gian tới. Tài liệu Hội thảo khoa học Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, Ban Kinh tế Trung ương, Hà Nội.
- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (2015). Nghiên cứu các yếu tố làm giảm tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Hà Nội.
- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (2013). Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030, Hà Nội.
- Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương & Đại học Cần Thơ (2010). Báo cáo phân tích chuỗi giá trị cá tra và tôm sú, Hà Nội.
- World Integrated Trade Solution (2013). Trade data by country and commodity.
Chú thích:1] Sở giao dịch Tài chính kỳ hạn và quyền chọn quốc tế London (London International Financial Futures and Options Exchange).