Công bằng xã hội trong phát triển ở Việt Nam: Nhìn từ lĩnh vực quan hệ kinh tế
Tóm tắt: Ở nước ta, công bằng xã hội cũng đã được quan tâm qua các giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau của dân tộc. Cụm từ công bằng xã hội thường xuyên được nhắc đến trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng và phù hợp với mục tiêu là làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết trình bày khái niệm công bằng xã hội, xem xét giá trị công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế, chỉ ra những bất cập đang là rào cản đối với sự phát triển Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Công bằng xã hội; công bằng; phát triển kinh tế.
.Công bằng là một giá trị cơ bản mà bất kỳ xã hội nào cũng mong ước đạt được. Nó có vai trò to lớn trong việc tạo sự ổn định và phát triển xã hội của mỗi quốc gia. Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, mọi phong trào xã hội dẫn đến nổi dậy của các tầng lớp xã hội đều bắt nguồn từ bất công bằng trong đời sống và mục tiêu của họ là lật đổ chế độ cũ để tạo lập nên Nhà nước mới tiến bộ hơn, mang lại công bằng, bình đẳng cho các cá nhân và xã hội. Ngược lại, ở bất cứ xã hội nào, khi công bằng được thực thi tốt trong các quan hệ xã hội, nó sẽ làm cho các thành viên xã hội thấy mình được tôn trọng, được đền bù xứng đáng, từ đó mỗi con người sẽ tự nguyện cống hiến nhiều hơn vào sự nghiệp chung. Vì vậy, công bằng xã hội là một giá trị cơ bản trong đời sống, nó cũng là mục tiêu, đồng thời cũng là phương tiện và động lực của tiến bộ và phát triển xã hội của mọi quốc gia.
Ở nước ta, công bằng xã hội cũng đã được quan tâm qua các giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau của dân tộc. Gần đây nhất, ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu công bằng như là một trong những mục tiêu quan trọng cần giải quyết ngay sau khi đất nước dành độc lập (Hồ Chí Minh toàn tập, 1995). Hơn thế, cụm từ công bằng xã hội thường xuyên được nhắc đến trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, và Đảng ta đã nhiều lần khẳng định lý tưởng xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta là nhằm làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, 2011). Có thể nhận thấy, công bằng xã hội là một giá trị và là mục tiêu cơ bản mà Đảng và dân tộc ta đã và đang theo đuổi trên con đường phát triển và hội nhập đất nước. Tuy nhiên, về lý luận cũng như thực tiễn rất nhiều câu hỏi đang đặt ra liên quan đến công bằng xã hội ở Việt Nam cần phải được làm rõ từ góc độ khoa học, trong đó có câu hỏi như khái niệm “công bằng xã hội” đang được hiểu như thế nào? Trên phương diện thực tiễn vấn đề công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế đang được vận hành như thế nào?
1. Quan niệm về công bằng xã hội
Công bằng xã hội là một cụm từ sớm xuất hiện trong đời sống chính trị, xã hội. Về mặt lịch sử, công bằng xã hội được đề cập ngay từ thời kỳ cổ đại dưới các hình thái ý thức hệ khác nhau: tôn giáo, văn hóa hay chính trị. Đáng quan tâm là mỗi một hình thái ý thức hệ lại quan niệm không giống nhau về công bằng xã hội. Điều này minh chứng rằng, ý niệm về công bằng xã hội xuất hiện khá sớm, đa dạng về quan niệm và song hành cùng lịch sử phát triển của các xã hội.
Vấn đề công bằng xã hội được giới khoa học xã hội quan tâm nhiều hơn trong những thế kỷ gần đây dưới góc nhìn của các các ngành như triết học, chính trị học, tâm lý học, xã hội học, v.v… Từ các cách tiếp cận, mỗi ngành lại có cách luận giải khác nhau về công bằng xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này giới hạn vấn đề công bằng xã hội theo góc nhìn xã hội học.
Điểm qua vài nguồn tài liệu hiện có cho thấy trong xã hội học, nội hàm khái niệm công bằng xã hội cũng chưa thống nhất.
Trong cuốn Từ điển Xã hội học của Nguyễn Khắc Viện có nêu ra hai quan niệm: Công bằng là sự tương xứng giữa “cống hiến” và “hưởng thụ” trong điều kiện mọi người đều có điều kiện và cơ hội như nhau (ở đây cần loại bỏ các đặc quyền về thừa kế…). Một quan niệm khác lại cho rằng, của cải xã hội phải được phân chia theo những nhu cầu của mỗi người để làm sao cho tất cả các cá nhân đều được bình đẳng về mặt vật chất, v.v… (Nguyễn Khắc Viện, 1994, tr. 43).
Còn trong cuốn Từ điển Xã hội học Oxford của Marshal lại cho rằng, công bằng xã hội được biểu hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, công bằng là sự trao đổi ngang bằng trong tỷ lệ bỏ ra và thu vào của tất cả những bên tham gia trao đổi. Thứ hai, công bằng phân phối bao gồm sự phân phối nguồn lực một chiều đối với các quyền lợi, bổn phận hay bất kỳ thứ gì khác trong toàn bộ nhóm người được thừa nhận. Thứ ba, công bằng thủ tục, hay các thủ tục và cơ chế công bằng cho mọi người, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, một quy trình thủ tục công bằng và được mọi người đồng ý, tuy vậy cũng có thể dẫn đến một sự phân phối các kết quả mà một số người có thể coi là bất công. Thứ tư, công bằng thưởng phạt liên quan đến sự công bằng trong việc chỉ định các hình thức trừng phạt, hay mức bồi thường do bị là nạn nhân. Và cuối cùng là công bằng với tư cách là bình đẳng - đó có thể là bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về kết quả khách quan, bình đẳng chủ quan (bình đẳng về kết quả có tính đến nhu cầu hay giá trị công lao), bình đẳng về vị trí - cấp bậc (trong đó các phần thưởng được phân phối theo những kỳ vọng chuẩn mực để tránh cảm thấy bị bất công), hay ngang bằng (bình đẳng liên quan đến những đóng góp cá nhân) (Marshal, 2010, pp. 108-109).
Như vậy, công bằng xã hội là một khái niệm có nội hàm rộng bao trùm mọi khía cạnh liên quan đến mối quan hệ trao đổi trong xã hội. Công bằng xã hội nhắm vào việc phân chia lợi ích công bằng và hợp lý giữa lao động và trả công, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ… Nó thường được biểu hiện trên một nguyên tắc phân chia lợi ích dựa trên cơ sở bình đẳng giữa những con người hoặc những nhóm xã hội khác nhau. Chính vì vậy, nghiên cứu về công bằng xã hội không thể không xem xét đến mặt đối lập của nó là bất công, hay nói rộng ra là sự bất bình đẳng xã hội. Trong thực tế, sự bất bình đẳng thì ở đâu và lúc nào cũng có. Vì trong các xã hội cổ truyền hay hiện đại, con người luôn có sự khác nhau về thị hiếu, màu tóc, thu nhập, học vấn, độ tuổi, thể chất, nghề nghiệp, tiềm năng tình dục, rồi còn khác nhau về việc họ có bất động sản, đất đai hay tư liệu sản xuất hay không, và rất nhiều những dấu hiệu khác nữa… Hiện thực này là cơ hội hấp dẫn cho sự phát triển các cách nhìn về công bằng hay bất công bằng trong các xã hội.
2. Vài khía cạnh về công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế ở Việt Nam
Như đã nêu, công bằng xã hội là một giá trị cơ bản phản ánh khát vọng ngàn đời của nhân loại. Ở nước ta, các quan niệm cũng như sự thực hành về công bằng xã hội đã được hình thành từ rất sớm và hình thức thể hiện hết sức đa dạng trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Trong lĩnh vực quan hệ kinh tế, ngay từ thời kỳ phong kiến, mặc dù chế độ tư hữu ruộng đất đã hình thành và dần dần phát triển, sự phân hóa giữa địa chủ và nông dân đã rõ nét, nhưng ở các làng xã, nhất là ở Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn tồn tại chế độ ruộng công (chiếm từ 1/4 đến 1/2 tổng số ruộng đất của làng). Nhằm đảm bảo sự công bằng, cứ 3 đến 5 năm người ta lại tổ chức chia lại số ruộng đất đó và mỗi người dân trong làng xã đều được chia một phần ruộng đều nhau (người đã mất phải trả lại, còn người đến tuổi phải được chia (Phạm Xuân Nam, 2007, tr.3).
Đến thời kỳ Pháp thuộc, mặc dù thực dân Pháp luôn tuyên truyền về giá trị nhân đạo như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà cuộc cách mạng tư sản ở Pháp đã nêu ra và tự nhận là đến để “khai hóa” và mang “văn minh” cho các xứ thuộc địa, nhưng thực tế, thực dân Pháp đã gây ra biết bao tội ác như cướp đất, tước đoạt sức lao động, sưu cao, thuế nặng, để phục vụ cho chính sách chia để trị. Hơn thế, họ còn tạo ra vô vàn sự bất công: bất công giữa giới thực dân và người bản xứ, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa nam và nữ, giữa người giàu và người nghèo, v.v…
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội và coi việc thực hiện hóa công bằng xã hội như một nhiệm vụ không thể thiếu trong xây dựng đất nước, người lao động phải có việc làm, người dân đều được chia ruộng, người giàu hay nghèo, nam hay nữ có quyền bình đẳng tham gia xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng xã hội: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” (Hồ Chí Minh, 1995b, tr.185). Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ bao cấp (từ 1960 đến 1985), do Đảng ta quan niệm chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc sâu xa dẫn đến mọi bất công trong xã hội, nên chúng ta đã tiến hành công hữu hóa một cách triệt để dưới hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, trong khi lại ít quan tâm đến sự phát triển của lực lượng sản xuất. Kết quả là nền kinh tế và đời sống xã hội của chúng ta đã tiềm ẩn những bất ổn và ngày càng lún sâu vào tình trạng khủng hoảng. Hệ quả của chế độ công hữu của thời kỳ này là sự phân phối bình quân, cào bằng thực chất chỉ là sự công bằng về hình thức, công bằng trên bề mặt, do đó không trở thành động lực kích thích cho sản xuất. Mặc dù chế độ sở hữu toàn dân và tập thể, cũng như phương thức phân phối bình quân đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất Tổ quốc là điều không ai có thể phủ nhận được. Có điều, sự tồn tại quá lâu của chế độ sở hữu và phương thức phân phối đó sau khi đã giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước hàng chục năm đã trở thành lạc hậu. Công bằng xã hội ở đây, về thực chất, chỉ là “chia đều sự nghèo khổ”. Các nhà nghiên cứu gọi công bằng xã hội của thời kỳ này là công bằng xã hội theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với “nhiều khuyết tật của chủ nghĩa bình quân, dẫn đến kìm hãm, thậm chí tiêu diệt động lực của sự phát triển” (Trịnh Duy Luân, 2008, tr. 5).
Nhận thức sâu sắc những vấn đề trên, từ 1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã đặt vấn đề đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, trong đó có việc đổi mới phương thức phân phối. Nghị quyết của Đại hội nêu rõ: “Áp dụng hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế (…). Bảo đảm cho người lao động có thu nhập thỏa đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1987, tr.72, tr.88). Từ thời điểm này, qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X và XI nhận thức của Đảng ta về công bằng xã hội càng ngày càng sâu sắc hơn và cũng càng gắn bó chặt chẽ hơn với từng bước đi của đất nước. Tại Đại hội X, quan điểm của Đảng về công bằng xã hội lại được phát triển thêm một bước: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006, tr.77-78). Mặc dù sự nhận thức về công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước về công bằng xã hội ngày càng sâu sắc hơn, các hình thức và biện pháp thực hiện công bằng xã hội mà Đảng và Nhà nước đưa ra cũng ngày càng sát thực hơn, nhưng việc thực hiện công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế ở nước ta hiện nay vẫn đang đặt ra không ít vấn đề, thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội. Bài viết đi sâu phân tích một số khía cạnh bất công bằng trong lĩnh vực kinh tế đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Đổi mới ở Việt Nam ba thập kỷ qua đã mang sự thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội. Nền kinh tế nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao liên tục trong nhiều năm, đời sống của đại đa số nhân dân được cải thiện rõ rệt. Riêng thời kỳ 1991 - 2000, GDP tăng gấp đôi, đồng thời tỷ lệ nghèo đói giảm còn một nửa (từ 60% xuống 32% theo chuẩn quốc tế). Chúng ta đã "hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015" mà Liên hợp quốc đề ra (Dẫn theo Phạm Xuân Nam, 2010).
Cơ cấu kinh tế của đất nước cũng đang có những thay đổi rất căn bản, các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của thế giới (UNDP, 2009). Báo cáo phát triển con người 2007 - 2008). Các thành phần kinh tế hay các chủ thể kinh tế đều có cơ hội và điều kiện tham gia phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Có thể nói, các cơ hội và sự công bằng trong phát triển đang được cải thiện và mở ra với tất cả mọi thành phần, chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện công bằng trong kinh tế thể hiện trên mọi cấp độ quan hệ của đời sống xã hội đang đặt ra.
Chẳng hạn, khi nói đến sự công bằng trong kinh tế ở cấp độ vĩ mô, bao gồm sự công bằng giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng, chúng ta thấy rất nhiều hiện tượng phản ánh sự bất công bằng trong chu trình kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta. Xin lấy ra ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng chứng là truyền thông đại chúng thời gian qua đã liên tục phản ánh về hiện tượng về các mặt hàng nông sản nông dân sản xuất ra bị tư thương ép giá với giá thấp nhất, trong khi đó người dân tiêu dùng các sản phẩm này lại phải chịu một mức giá cắt cổ (dantri.com, truy cập ngày 5/7/2014). Một thực tế khác, nhiều chương trình, dự án kinh tế lớn của Nhà nước trong những năm qua tiêu tốn nhiều tỷ đồng, nhưng thực hiện không nghiêm minh, dẫn đến phá sản hoặc đổ vỡ song không có ai, không có tổ chức nào chịu trách nhiệm. Nguồn kinh phí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng chưa được phân bố và sử dụng một cách hợp lý trong những năm qua (vnexpress.com, truy cập 1/7/2014). Có thể nói, các hiện tượng này, dù gián tiếp hay trực tiếp, cũng đã và đang dẫn tới sự bất công, hay nói khác đi là thiếu công bằng xã hội một cách trầm trọng. Rất dễ dàng để nhận thấy là, những người gặp khó khăn nhiều nhất trong xã hội hiện nay là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, những người làm công ăn lương có thu nhập thấp… Với đồng lương ít ỏi và nguồn thu nhập hạn chế, các nhóm xã hội này hàng ngày đang phải vật lộn với việc mưu sinh, trong khi những kẻ tham nhũng, buôn lậu hoặc những người thuộc các nhóm lợi ích khác nhau lại đang làm giàu lên một cách nhanh chóng và đó chính là sự bất công xét về mặt kinh tế.
Ở cấp độ vi mô, cũng có nhiều hiện tượng liên quan đến sự bất công bằng trong các quan hệ kinh tế. Câu chuyện về mối quan hệ giữa người nông dân và giới doanh nghiệp, nhiều năm qua chúng ta chứng kiến nông dân hiến ruộng đất cho các nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị, đổi lại họ nhận được sự đền bù rất thấp, hơn thế nhiều doanh nghiệp còn bỏ mặc không có trách nhiệm giúp người nông dân chuyển đổi, tìm kiếm việc làm khi mất ruộng. Hay một sự kiện khác liên quan đến công bằng trong quan hệ sản xuất xảy ra nhiều trong thời gian gần đây là hiện tượng công nhân lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đình công đòi trả lương đúng với công sức họ bỏ ra, hoặc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động theo đúng cam kết ban đầu của doanh nghiệp, v.v… Thực tế này cho thấy một mối quan hệ trao đổi không công bằng giữa tầng lớp doanh nhân và giữa thương nhân với người lao động, người nông dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột và nổi dậy của nông dân ở một số địa phương trên khắp cả nước được truyền thông đại chúng đề cập đến trong thời gian vừa qua (dantri.com, truy cập 15/7/2014).
Có thể nói, sự bất công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế ở nước ta đang diễn ra khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tệ nạn tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà ngược lại, còn có dấu hiệu phát triển cả theo bề rộng và bề sâu trong xã hội. Bên cạnh đấy, những tệ nạn khác như làm ăn phi pháp, buôn gian bán lậu, đầu cơ trục lợi… vẫn tiếp tục hoành hành. Những vấn đề này không chỉ làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, mà đó cũng còn là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay.
3. Bình luận
Các dẫn chứng và phân tích trên đã cho thấy rõ khái niệm và bức tranh khái quát về sự vận hành giá trị công bằng xã hội trong quan hệ kinh tế cũng như những hạn chế, thách thức đang đặt ra trong quá trình hiện thực hóa giá trị này ở Việt Nam hiện nay.
Có thể nói, công bằng xã hội nói chung hay công bằng trong quan hệ kinh tế đã và đang ngày càng được nhận thức sâu hơn và mặt khác cũng không ngừng được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết, văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Những nỗ lực này đã và đang góp phần cải thiện công bằng xã hội, giảm thiểu khoảng cách xã hội giữa các tầng lớp và các nhóm xã hội khác nhau, làm cho người dân ngày càng tích cực tham gia và có tiếng nói trong các công việc chung của cộng đồng và đất nước, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, các phân tích cũng cho thấy diễn trình thực hiện công bằng xã hội, ở đây là công bằng trong quan hệ kinh tế cũng đang hết sức phức tạp, bất công bằng vẫn còn tồn tại trong quan hệ kinh tế. Các chủ thể hay người yếu thế là nhóm xã hội tiếp tục chịu những thiệt thòi.
Chúng tôi cho rằng để có thể hiện thực hóa giá trị công bằng trong đời sống mà Đảng và Nhà nước ta đề ra là một công việc không hề đơn giản. Vấn đề đặt ra không chỉ là nhận thức, cũng không phải chỉ là việc tuyên truyền hay thể chế hóa các giá trị tinh thần thành văn bản pháp luật, thành qui chế để người dân dễ thực hiện, mà còn đòi hỏi phải tạo ra những điều kiện cần và đủ. Các điều kiện cần và đủ trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, đó là: Ngoài việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, còn cần phải làm giảm thiểu mức độ phân hóa giàu - nghèo, chống tham nhũng, minh bạch hóa các quá trình kinh tế - xã hội, khuyến khích phát triển các tầng lớp trung gian, hỗ trợ các nhóm người yếu thế, v.v… Nói cách khác, để có thể hiện thực hóa giá trị này, cần có sự kết hợp và thống nhất cả ba lĩnh vực: Chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Nếu thiếu điều đó, các giá trị sẽ mãi mãi chỉ là những mục tiêu lý tưởng và những khẩu hiệu.
Tài liệu tham khảo
- Hoàng Chí Bảo (2010). Văn hóa và con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Bùi Thế Cường (2010). Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- David Popenoe (1986). Sociology. Prentice - Hall, Englewood cliff, New Jersey.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1987). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW khóa VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- G. Endruweil và cộng sự (2002). Từ điển Xã hội học. Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2002). Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2002). Toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1995a). Toàn tập, tập 9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1995b). Toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Marshall (1998). Từ điển Xã hội học Oxford (Bùi Thế Cường và cộng sự dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Trịnh Duy Luân (2008). Quá trình bổ sung nhận thức về công bằng xã hội và thực hiện công bằng xã hội ở nước ta hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 4 (104).
- Trịnh Duy Luân, Bùi Thế Cường (2001). Về phân tầng xã hội và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 2.
- Phạm Xuân Nam (2007). Vấn đề thực hiện công bằng xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 2 (98).
- Phạm Xuân Nam (2007). Về khái niệm công bằng xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 1 (97).
- Ngân hàng thế giới (2006). Báo cáo phát triển thế giới năm 2006. Trong cuốn Công bằng và phát triển. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Khắc Viện (1994). Từ điển Xã hội học. Nxb Thế giới, Hà Nội.
Chú thích: