CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÙNG - MỤC TIÊU, CÁCH TIẾP CẬN, CÔNG CỤ VÀ HÌNH MẪU MỚI
Bài viết hệ thống hóa một số vấn đề lý thuyết về mục tiêu, cách tiếp cận, công cụ và các hình mẫu mới trong chính sách phát triển vùng. Nhìn chung, trong những năm qua, các chính sách vùng đã có sự tích hợp thêm các khía cạnh sinh thái và quản trị, bên cạnh kinh tế và xã hội vào mục tiêu phát triển. Cách tiếp cận chính sách cũng chú trọng nhiều hơn theo hướng từ dưới lên, với sự quan tâm vào năng lực của cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các công cụ chính sách cũng ngày càng đa dạng hơn, bao hàm nhiều lĩnh vực, kết hợp công và tư cũng như ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Mở đầu[1]
Chính sách phát triển vùng có vị trí rất quan trọng trong quản trị phát triển ở trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều định hướng chính sách về phát triển vùng. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011-2020 đã đề cập đến hai định hướng ưu tiên trong phát triển vùng là: “Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác” và “Đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn”.
Tiếp đó, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: “… phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh…”.
Gần đây, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Các Nghị quyết nêu trên xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và định hướng chính sách cho phát triển từng vùng riêng biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách phát triển vùng ở Việt Nam những năm qua đang thiếu các khung khổ lý thuyết rõ ràng, cả về mục tiêu, cách tiếp cận và các công cụ sử dụng.
Chính vì vậy, bài viết này tập trung xem xét các vấn đề từ quan niệm về vùng và phát triển vùng mang tính phổ quát hiện nay, đến xem xét mục tiêu, cách tiếp cận và công cụ của chính sách vùng. Bên cạnh đó, bài viết đề cập tới xu hướng chuyển dịch hình mẫu phát triển vùng mới, từ đó đưa ra một số lưu ý trong việc xây dựng chính sách phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới.
1. Vùng và phát triển vùng
Thuật ngữ “vùng” (region) xuất phát từ tiếng Latin (regio, regionis), có hai nghĩa chính. Nghĩa đầu tiên nói về việc di chuyển theo một hướng nhất định; nghĩa thứ hai hàm ý hướng định hình một không gian và nghĩa này được sử dụng phổ biến trong nhiều ngôn ngữ ngày nay (Nermend, 2009). Xét về mặt phạm vi và cấp độ, một vùng có thể bao gồm nhiều quốc gia, tập hợp nhiều vùng đất của nhiều quốc gia, hoặc một hay nhiều địa phương trong một quốc gia. Tuy nhiên, bài viết này chủ yếu tập trung vào các vùng nằm trong một quốc gia.
Thông thường, có hai nền tảng cơ bản tạo nên khái niệm vùng: (1) Đặc điểm trung tâm và phụ cận, hàm ý vùng gồm một trung tâm có mối quan hệ qua lại và lực hấp dẫn với khu vực xung quanh; và (2) Đặc điểm kết nối chặt chẽ và đồng nhất giữa các thành tố trong vùng (Nermend, 2009).
Theo đặc điểm thứ nhất, Losch et al. (1954) xem vùng như một hệ thống thứ bậc các vị trí trung tâm. Mỗi vùng bao gồm số ít các thành phố có thứ bậc cao và số nhiều các thành phố/thị trấn có thứ bậc thấp hơn. Thứ bậc của các thành phố hay vị trí được quyết định bởi sự đa dạng của các loại hàng hóa ở đó. Sự đa dạng này là do quy mô tương đối của thị trường đối với các hàng hóa khác nhau.
Theo đặc điểm thứ hai, vùng được hiểu là một phần bề mặt trái đất, có những đặc trưng nhất định, đồng nhất về bên trong và khác biệt với bên ngoài (Presston, 1952). Vùng cũng là phần không gian được con người sử dụng, là bộ phận của một tổng thể lớn hơn, gồm các thành tố đồng nhất và có quan hệ chặt chẽ (Nermend, 2009).
Kết hợp cả hai đặc điểm, Hoover và Giarratani (2020) định nghĩa vùng (kinh tế) dưới dạng thị trường lao động có sự phụ thuộc về không gian (hay phân cực). Vùng như vậy có hai đặc điểm chính: (1) Tích hợp chức năng theo hướng dòng lao động, vốn và hàng hóa có tính tương đồng nội vùng; và (2) Trong phạm vi vùng, các hoạt động được định hướng một điểm (cực) chi phối các khu vực ngoại vi.
Một cách tổng hợp hơn, Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Phú (2006) cho rằng vùng: (1) Là một phần của bề mặt trái đất, chiếm không gian nhất định, có thể là không gian kinh tế, xã hội hay tự nhiên; (2) Có phạm vi và ranh giới nhất định, tùy thuộc vào các tiêu chí phân chia khác nhau; tuy nhiên về lâu dài, các ranh giới không phải là cố định; và (3) Là hệ thống có kết cấu nhất định, với các mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa các cấp độ và bộ phận. Vùng cũng có thể được xem là thực thể có các dấu hiệu đặc trưng; là phần đất đai, hoặc là khoảng không thuộc quốc gia, có những đặc điểm nhất định về tự nhiên, kinh tế, xã hội, phân biệt với các phần khác ở xung quanh.
Bên cạnh đó, theo các đặc trưng và tiêu chí định trước có thể chia vùng thành các vùng kinh tế, văn hóa, xã hội, tự nhiên, chính trị, hành chính hay tổng hợp giữa hai hay nhiều giác độ trên. Tuy vậy, một điều đáng lưu ý là phân loại về vùng theo các giác độ mặc dù hữu ích cho mục tiêu nghiên cứu, song không thuận lợi cho mục tiêu quản lý. Bởi lẽ, các hoạt động tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội thường chồng lấn và không có ranh giới rõ ràng, và nếu ranh giới có được xác định thì cũng ít khi trùng lặp với các địa giới hành chính sẵn có. Ngược lại, nếu chỉ xem xét vùng trên địa giới hành chính thì đã bỏ qua tính liên tục của các quá trình tự nhiên, kinh tế và xã hội, qua đó tạo ra sự cắt khúc và xung đột. Chính vì vậy, để phục vụ nhiều mục đích, OECD (2002) phân chia vùng thành:
(1) Các vùng đồng nhất (homogeneous regions): Bao gồm các thực thể không gian riêng biệt kết nối với nhau trên nền tảng thể hiện những đặc điểm tương đồng.
(2) Các vùng phân cực (polarised regions) hoặc chức năng: Nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố khác nhau trong phạm vi vùng.
(3) Các vùng quy hoạch (planning regions): Thường được xem như kết quả của sự thống nhất và chặt chẽ trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và phản ánh các ranh giới hành chính được thiết lập từ trước. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều khi các vùng được phân chia dựa trên những dữ liệu thống kê có sẵn hoặc không tốn kém để thu thập nhằm mục đích phân tích.
Trong khi đó, phát triển vùng là khái niệm tương đối mở và có nhiều quan niệm khác nhau. Trong giai đoạn trước đây, chiều cạnh kinh tế của phát triển như tăng trưởng, của cải và việc làm thường được xem là cốt lõi của phát triển vùng và địa phương (Armstrong và Taylor, 2000). Nijkamp và Abreu (2009) cho rằng, đây là khái niệm chỉ sự phân bố theo địa lý của của cải (hay phúc lợi) và sự tiến triển của nó. Tương tự, theo Storper (1997) phát triển vùng và địa phương hướng tới sự thịnh vượng và phúc lợi trên cơ sở duy trì liên tục mức gia tăng việc làm, thu nhập và năng suất.
Tuy nhiên, trong những năm qua, cùng với sự ra đời của khái niệm phát triển bền vững, quan niệm về phát triển vùng đã có nhiều thay đổi. Phát triển vùng đã mở rộng hơn nhiều so với địa hạt kinh tế truyền thống, bao hàm cả các khía cạnh xã hội, văn hóa, sinh thái và quản trị. Giảm bất công xã hội, thúc đẩy tính bền vững về môi trường, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chính quyền minh bạch cũng như duy trì tính đa dạng văn hóa là những vấn đề chính yếu được tích hợp với nhiều mức độ vào khái niệm phát triển vùng và địa phương (Haughton và Counsell 2004; Stimson và cộng sự, 2006). Nói cách khác, các ý tưởng về chất lượng sống, cố kết xã hội, phúc lợi và môi trường đã được kết hợp với các mối quan tâm truyền thống về tăng trưởng và việc làm để hình thành nên quan niệm về phát triển vùng ngày nay.
Về mặt khách quan, phát triển vùng có thể được xem xét dưới hai góc độ: (1) Giá trị các sản phẩm và tiện ích mang lại cho cư dân vùng (gồm nhiều chiều cạnh từ kinh tế, xã hội đến môi trường và quản trị); và (2) Các quá trình căn bản diễn ra trong vùng.
Ở góc độ thứ nhất, Stutz và Warf (2012) cho rằng, phát triển vùng bao gồm: (i) Cung cấp đầy đủ nước sạch; (ii) Chăm sóc y tế đầy đủ; (iii) Vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh; (iv) Cơ hội việc làm tương xứng với năng lực cá nhân; (v) Tiếp cận giáo dục đầy đủ; (vi) Tự do ngôn luận và an ninh cho cá nhân và tập thể; (vii) Nhà ở đàng hoàng; (viii) Hoạt động kinh tế không gây tổn hại đến môi trường; và (ix) Thúc đẩy bình đẳng thông qua các hoạt động xã hội và chính trị.
Ở góc độ thứ hai, phát triển vùng là sự hòa hợp các quá trình kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị; kết nối các chiều không gian, thời gian và đa lĩnh vực; và nhấn mạnh tới sự tương tác qua lại giữa các lực bên trong và bên ngoài vùng trong kiểm soát quá trình phát triển (Šabić và Vujadinović, 2017). Nói cách khác, xét về bản chất, phát triển vùng không chỉ thể hiện qua các chỉ tiêu đo lường thay đổi phúc lợi theo thời gian, mà còn phản ánh các quá trình biến đổi về cấu trúc kinh tế - xã hội của vùng. Theo Knox và Marston (2015), các quá trình biến đổi này bao gồm 3 loại chính: (1) Thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế của vùng, kéo theo là thay đổi trong cấu trúc xã hội; (2) Thay đổi trong cách thức vận hành của các tổ chức kinh tế - xã hội của vùng; và (3) Thay đổi trong việc tạo ra và ứng dụng công nghệ mới trong vùng.
Về mặt chủ quan, phát triển vùng có thể được xem xét từ góc độ phán xét giá trị của cư dân trong vùng. Chính họ mới là người cảm nhận rõ về sự sung túc, an toàn, hài lòng và đưa ra các ưu tiên phát triển cho tương lai. Nhìn nhận phát triển vùng và địa phương theo cách này sẽ không có được một quan niệm đồng thuận duy nhất. Mỗi quan niệm về phát triển được xác định bởi các nhóm xã hội và lợi ích đặc thù theo không gian và thời gian; và do đó cũng không mang tính chất tĩnh mà luôn biến đổi theo không gian và thời gian tương ứng (Beer và cộng sự, 2003). Nói cách khác, quan niệm về phát triển vùng sẽ có sự khác biệt giữa các vùng, các quốc gia; đồng thời trong mỗi vùng, mỗi quốc gia, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.
Do sự mở rộng và đa dạng nêu trên, chủ đề nghiên cứu về phát triển vùng được nhiều ngành khoa học quan tâm. Dựa trên các cách tiếp cận và giả định khác nhau, nhiều lý thuyết về phát triển vùng đã ra đời, hướng tới lý giải và dự báo các quá trình và sự thay đổi phức tạp trong phạm vi mỗi vùng và giữa các vùng. Các lý thuyết này thường tập trung vào việc trả lời 3 câu hỏi chính (Bảng 1).
(1) Các vùng phát triển như thế nào, hay các yếu tố nào quyết định sự phát triển của vùng? Các yếu tố này thường bao gồm nguồn lực tự nhiên, số lượng và chất lượng lao động, nguồn vốn và tiếp cận vốn, cơ sở hạ tầng, công nghệ hay các chuẩn mực và niềm tin xã hội,… Việc kết hợp hai hay nhiều yếu tố nêu trên để có phúc lợi cao nhất liên quan tới việc giải bài toán hiệu quả phân bổ, nghĩa là sử dựng tối ưu các nguồn lực kinh tế, tự nhiên và xã hội.
(2) Vì sao một số vùng phát triển hơn các vùng khác và giải quyết tình trạng chênh lệch vùng ra sao? Câu hỏi này một mặt liên quan đến câu hỏi về các yếu tố quyết định sự phát triển vùng; mặt khác nhấn mạnh đến bài toán về công bằng trong phát triển. Việc giải bài toán này bao gồm xác định các cơ chế và điều kiện nhằm giảm sự chênh lệch không mong muốn.
(3) Xét về dài hạn, sự chênh lệch phát triển giữa các vùng có tính hội tụ (ngày càng ít chênh lệch) hay dai dẳng (không đổi hoặc phân kỳ)? Câu hỏi này liên quan đến các dự báo lý thuyết về sự phát triển vùng trong tương quan với các vùng khác. Các dự báo này thường dựa trên cơ sở các nguồn lực sẵn có, các dòng di chuyển nguồn lực theo các lực hướng tâm và ly tâm giữa các vùng và nội vùng, giữa trung tâm và ngoại vi, giữa cực tăng trưởng và các vùng phụ cận.
BẢNG 1. TÓM LƯỢC MỘT SỐ LÝ THUYẾT PHÁT TRIỂN VÙNG
Lý thuyết | Các khái niệm chính | Dự báo phát triển liên vùng | Tham chiếu | Gợi ý chính sách |
Cổ điển về thương mại liên vùng theo kiểu A.Smith | Lợi thế tuyệt đối | Không hội tụ | Capello (2007); Amstrong và Taylor (2000) | (1) Đầu tư vào các tài sản chung mang lại tính kinh tế ngoại sinh (2) Bảo tồn các tài sản tự nhiên |
Cổ điển về thương mại liên vùng theo kiểu D.Ricardo | Lợi thế tương đối, khác biệt công nghệ, nguồn lực không tự do di chuyển | Tùy thuộc giá tương đối của sản phẩm | Dawkins (2003); Capello (2007); Amstrong và Taylor (2000) | (1) Cải thiện công nghệ để thúc đẩy phân công lao động và tăng năng suất (2) Thúc đẩy mậu dịch liên vùng để phát huy lợi thế tương đối |
Tân cổ điển về thương mại liên vùng | Nhân tố sẵn có, công nghệ giống nhau, lợi tức không đổi theo quy mô, cạnh tranh hoàn hảo, chi phí vận tải không đáng kể | Hội tụ nếu nguồn lực tự do di chuyển | Capello (2007); Amstrong và Taylor (2000) | (1) Thúc đẩy mậu dịch liên vùng để thu được lợi ích trao đổi (2) Giảm các rào cản di chuyển nguồn lực |
Chi tiêu - thu nhập | Các liên kết xuôi và ngược trong sản xuất và tiêu dùng, số nhân đầu tư và chi tiêu | Hội tụ nếu có sự can thiệp của nhà nước | Amstrong and Taylor (2000) | (1) Thu hút đầu tư, đặc biệt các khoản tạo các liên kết xuôi và ngược lớn (2) Đầu tư của nhà nước đúng thời điểm (3) Trợ cấp, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp |
Vùng xuất khẩu | Các hoạt động cơ bản (xuất khẩu) và phi cơ bản (phục vụ xuất khẩu), số nhân chi tiêu | Hội tụ trong dài hạn nếu nguồn lực tự do di chuyển | North (1956); Stimson et al. (2006) | (1) Sản xuất hướng ngoại (2) Giảm các rào cản di chuyển nguồn lực |
Tân cổ điển về tăng trưởng vùng | Tiến bộ công nghệ ngoại sinh, cạnh tranh hoàn hảo, tự do di chuyển nguồn lực | Hội tụ trong dài hạn | Borts and Stein (1964); Williamson (1965) | (1) Tích lũy nguồn lực vốn và lao động (2) Giảm các rào cản di chuyển nguồn lực
|
Thương mại mới | Sản phẩm phân biệt, cạnh tranh không hoàn hảo, sự đa dạng về nhu cầu, lợi thế nhờ quy mô | Không hội tụ | Krugman (1979, 1980, 1993); Venables (2001a,b); Martin (2003) | (1) Đầu tư vào lao động có kỹ năng và hạ tầng chuyên biệt (2) Nâng cấp công nghệ (3) Xây dựng mạng lưới cung cấp đầu vào |
Địa lý kinh tế mới | Lợi thế nhờ quy mô, nhân quả tích lũy, các lực hướng tâm và ly tâm, liên kết xuôi và ngược | Không hội tụ | Krugman (1995, 1998); Fujita et al. (1999) | (1) Đầu tư vào lao động có kỹ năng và hạ tầng chuyên biệt (2) Phát triển đô thị có chọn lọc (3) Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo |
Cực tăng trưởng | Ngành dẫn đầu, liên kết xuôi và ngược, lan tỏa phát triển, trung tâm và ngoại vi, phát triển “thấm xuống” | Không hội tụ trong ngắn hạn | Perroux (1955); Boudeville (1966); Friedmann (1966) | (1) Đầu tư có trọng điểm (2) Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo (3) Giảm rào cản di chuyển nguồn lực |
Cụm/mạng lưới vùng | Phi tập trung hóa, liên kết đô thị - nông thôn | Hội tụ trong dài hạn | Friedmann and Douglass (1978); Douglass (1998) | (1) Tăng cường các hình thức ủy quyền, phân quyền (2) Xây dựng năng lực địa phương (3) Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn |
Quận công nghiệp | Lợi thế nhờ quy mô, lan tỏa kiến thức, lợi thế sẵn có | Không hội tụ | Marshall (1920); Duranton and Puga (2004) | (1) Phát triển lao động có kỹ năng (2) Phát triển các hoạt động hỗ trợ (3) Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo |
Năng lực cạnh tranh vùng | Cấu trúc thị trường, liên kết xuôi và ngược, nhân tố sản xuất cao cấp | Không hội tụ | Porter (1990) | (1) Đầu tư vào lao động có kỹ năng và hạ tầng chuyên biệt (2) Chú trọng các hoạt động đổi mới và sáng tạo (3) Chú trọng khai thác các nhân tố phi kinh tế |
Phát triển nội sinh | Lan tỏa kiến thức và công nghệ, trường đổi mới, học hỏi tập thể, các thể chế chính thức và phi chính thức | Không hội tụ | Capello (2007); Tödtling (2011) | (1) Chú trọng các hoạt động đổi mới và sáng tạo (2) Nuôi dưỡng và phát huy các nhân tố thể chế chính thức và phi chính thức |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả.
Xét về chiều hướng, trong thời gian gần đây, các lý thuyết phát triển vùng có sự chuyển đổi trọng tâm rõ rệt.
Thứ nhất, các lý thuyết không chỉ tập trung vào các trụ cột truyền thống là kinh tế, mà có sự quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh xã hội, môi trường và thể chế trong phát triển. Các khía cạnh phi kinh tế được chú ý, đặc biệt là vấn đề môi trường sinh thái và vai trò của cộng đồng. Bên cạnh đó, thể chế, cả chính thức và phi chính thức cũng được nhấn mạnh và được xem như chất keo kết dính giữa và trong từng khía cạnh; đồng thời có vai trò độc lập tương đối.
Thứ hai, các lý thuyết hướng nhiều hơn đến tính đặc thù của địa phương, nhất là đặc trưng của hệ thống sản xuất, dân cư, văn hóa và tài nguyên. Điều này là do vùng khác biệt với quốc gia trên nhiều khía cạnh và quá trình phát triển thường diễn ra không đồng đều trong mỗi quốc gia; đồng thời nhiều quá trình kinh tế - xã hội và tự nhiên chỉ diễn ra rõ nét trong phạm vi vùng và địa phương.
Thứ ba, cách tiếp cận theo kiểu cực tăng trưởng duy nhất không còn chiếm ưu thế. Thay vào đó, phát triển theo kiểu cân bằng giữa nhiều trung tâm có vai trò tương đối giống nhau, hay đa cực được quan tâm hơn. Điều này một phần xuất phát từ sự thất bại trong chính sách cực tăng trưởng trên thực tế của nhiều nước. Đồng thời xu thế này cũng phản ánh sự ưu tiên hơn cho cách tiếp cận từ dưới lên.
2. Chính sách phát triển vùng
Chính sách phát triển vùng là tổng thể các quan điểm và biện pháp mà nhà nước sử dụng để tác động đến các quá trình kinh tế, xã hội và tự nhiên của các vùng hay một vùng cụ thể trong quốc gia nhằm hướng đến các mục tiêu đã định. Các chính sách phát triển vùng thường được hoạch định và thực thi dựa trên các vấn đề cơ bản mà vùng hay tập hợp các vùng phải đối mặt. Có thể tóm lược các vấn đề này ở Bảng 2 dưới đây.
BẢNG 2. CÁC VẤN ĐỀ CỦA VÙNG
Vấn đề | Biểu hiện |
Chênh lệch phát triển giữa các vùng | Mức thu nhập và việc làm có sự khác biệt lớn giữa các vùng phát triển và kém phát triển |
Suy thoái ở các vùng nghèo | Các vùng nghèo trong quốc gia tụt hậu xa hơn so với các vùng khác |
Khả năng cạnh tranh kém | Không tham gia được vào các chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế |
Phân hóa mạnh giữa đô thị - nông thôn, đô thị - ngoại vi trong các vùng | Mức thu nhập và việc làm có sự phân hóa nội vùng |
Cấu trúc nền kinh tế vùng đơn nhất | Vùng tập trung và lệ thuộc quá nhiều vào một hoạt động/sản phẩm đơn nhất và thiếu tính đa dạng |
Bất ổn xã hội | Xung đột xã hội giữa các nhóm lợi ích, dân tộc, tôn giáo,… |
Suy giảm dân số do di cư cơ học | Lực lượng lao động giảm do di cư đến các vùng thịnh vượng hơn |
Già hóa dân số | Luồng lao động trẻ di cư đến các vùng khác |
Mất bản sắc văn hóa vốn có | Các nét đặc sắc về văn hóa mất đi do các quá trình di dân và phát triển kinh tế |
Môi trường và biến đổi khí hậu | Các chỉ số môi trường suy giảm; xâm thực của biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên |
Nguồn: Bổ sung và điều chỉnh từ OECD (2010, 2019).
Với các vấn đề nêu trên, các chính sách phát triển vùng thường hướng đến một hoặc một vài mục tiêu sau: (1) Thúc đẩy tăng trưởng (hoặc việc làm) vùng; (2) Thu hẹp khoảng cách phát triển nội vùng và liên vùng; và (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh vùng (gồm cả các chiều kích về xã hội và môi trường).
Mục tiêu thứ nhất khá dễ hiểu vì tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần để nâng cao đời sống của cư dân trong vùng và cung cấp nguồn lực cần thiết để giải các bài toán khác về xã hội và môi trường. Tăng trưởng bao gồm hai khía cạnh cần lưu tâm là về mặt lượng và chất. Trong khi mặt lượng thường chỉ thể hiện ở các con số mà không phản ánh hiệu quả thực sự của việc sử dụng nguồn lực, thì mặt chất biểu hiện ở sự gia tăng năng suất và chuyển biến trong cấu trúc sản xuất. Kết hợp hai khía cạnh nêu trên cho thấy hiệu quả về mặt phân bổ.
Mục tiêu thứ hai hướng tới việc ưu tiên cho các vùng kém phát triển để có thể bắt kịp các vùng khác trong quốc gia. Nhà nước có thể cải thiện các điều kiện về cung và cầu cho các vùng tụt hậu thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Xét về mặt cầu, có thể gia tăng trợ cấp và đầu tư công (phân bổ lại phúc lợi) để tạo ra các cú hích mạnh nhằm tạo ra các liên kết thị trường trong sản xuất và tiêu dùng. Về mặt cung, có thể tăng trợ cấp, giảm thuế phí cho doanh nghiệp và cải thiện các điều kiện về hạ tầng (qua đó giảm chi phí sản xuất) nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp và các khoản đầu tư mới. Lập luận then chốt cho các cách can thiệp như vậy là cơ chế thị trường thường thất bại trong việc giảm chênh lệch vùng, thậm chí trong một số trường hợp có thể làm sự chênh lệch còn sâu sắc hơn.
Mục tiêu thứ nhất và thứ hai nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau, và có thể củng cố, bổ sung cho nhau (OECD, 2010). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, chúng không vận động cùng chiều. Nếu đặt nhiều trọng tâm vào mục tiêu thứ nhất thì mục tiêu thứ hai có thể bị giới hạn, và ngược lại. Đây chính là sự đánh đổi giữa bài toán hiệu quả phân bổ và bài toán công bằng trong phát triển.
Mục tiêu thứ ba mang tính chất tổng hợp hơn, tích hợp các chiều cạnh kinh tế, xã hội, môi trường vào khái niệm “năng lực cạnh tranh vùng”. Năng lực cạnh tranh vùng hình thành không chỉ bằng sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà quan trọng hơn phải chủ yếu xuất phát từ nội lực và bản sắc của vùng. Hai vấn đề cốt lõi các vùng có khả năng cạnh tranh phải đảm bảo sự tối đa hóa mục tiêu của các cá nhân và doanh nghiệp (thu nhập và lợi nhuận cao, việc làm, chất lượng môi trường sinh thái,…); và (2) Động lực cho các kết quả: (i) Các nhân tố nền tảng: Vốn sản xuất, vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội, cơ sở hạ tầng, tiến bộ công nghệ, chính sách, giáo dục, văn hóa kinh doanh, các thể chế chính thức và phi chính thức đặc thù, mạng lưới liên kết ngang và dọc của các doanh nghiệp,…; và (ii) Tính kinh tế ngoại sinh vùng: Sự chuyên môn hóa của các thị trường tạo ra năng suất cao, thể chế và thiết thế góp phần tiết kiệm chi phí giao dịch, lan tỏa kiến thức và công nghệ,…Vùng được xem là có khả năng cạnh tranh bền vững khi nó duy trì tăng trưởng, trong khi nuôi dưỡng cố kết xã hội và chất lượng môi trường (Carvalho và cộng sự, 2014; Medeiros, 2022).
Xét về cách tiếp cận, các chính sách phát triển vùng thường theo hướng: (1) Từ trên xuống; (2) Từ dưới lên; và (3) Hỗn hợp (Bảng 3).
Cách tiếp cận truyền thống từ trên xuống thường tập trung vào cung cấp cơ sở hạ tầng, thu hút các ngành công nghiệp và FDI qua các ưu đãi (trọng cung). Cách tiếp cận này cũng có xu hướng mời gọi các doanh nghiệp lớn nhằm tạo ra liên kết cho các ngành địa phương (trọng cầu); từ đó tạo sự lan tỏa việc làm, công nghệ và tri thức, đồng thời mong đợi hiệu ứng “thấm xuống” trong việc giải bài toán chênh lệch vùng.
Mặc dù vậy, nhiều bằng chứng thực tiễn chỉ ra rằng chiến lược này thường thất bại do sự non yếu của các thể chế và nền kinh tế địa phương, và thiếu các kỹ năng cần thiết về nguồn nhân lực; từ đó mong muốn tạo ra các mạng lưới liên kết không đạt được (Pike và cộng sự, 2016). Nói cách khác, các chính sách thường chỉ giới hạn ở sự thu hút các ngành công nghiệp về cực tăng trưởng ở vùng kém phát triển nhưng các ngành này lại không hoặc có rất ít liên quan đến cơ sở nguồn lực ở các vùng ngoại vi. Vì vậy các cực không đóng vai trò động lực cho sự tăng trưởng của toàn vùng. Cầu phát sinh đối với lao động và nông sản thường khuyến khích các dòng di cư và nguyên liệu từ bên ngoài vùng, do đó tạo ra không đáng kể việc làm cũng như sự phát triển sản xuất nội vùng.
Ngoài ra, các chính sách theo kiểu từ trên xuống thường không tránh khỏi sự chủ quan. Nhiều chính sách của chính phủ với dự định ban đầu là tập trung nguồn lực vào một số trung tâm có tiềm năng thực sự với vai trò cực tăng trưởng nhưng sau đó trước sức ép của nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nguồn lực này bị phân tán. Kết cục là không tạo ra được những hiệu ứng đáng kể nào đối với sự tăng trưởng và phát triển trong vùng nói riêng và quốc gia nói chung (WB, 2011). Sự thất bại cũng có thể bắt nguồn từ việc sao chép máy móc các chiến lược từ nơi khác mà không có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đặc thù vùng (Todtling và Trippl, 2005; Pike và cộng sự, 2016).
Tuy nhiên, cũng có những lập luận khác cho rằng sự thất bại của chiến lược nêu trên không phải do bản thân ý tưởng và nguyên tắc của lý thuyết sai mà do một vài nguyên nhân khác. Các nguyên nhân đó là sự lạc quan thái quá và tầm nhìn ngắn hạn của những người hoạch định chính sách, sự thất bại trong duy trì quyết tâm chính trị, việc sử dụng các tiêu chí đầu tư không đầy đủ, sự lựa chọn địa điểm sai và thiếu các công cụ bổ trợ cần thiết (Serra, 2003).
Những vấn đề nêu trên, cộng với quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, làm nảy sinh cách tiếp cận mới, mang tính năng động và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù hơn - tiếp cận từ dưới lên (Stohr, 1990; Amin and Thrift, 1995). Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến việc trao quyền, sự tham gia rộng rãi và tận dụng các nguồn lực, mạng lưới hợp tác hay vốn xã hội ở địa phương. Vì vậy, nó thiết thực, chú trọng đến giải quyết các bài toán tại chỗ và linh hoạt hơn trong điều chỉnh trước các cú sốc ngoại sinh (Pike et al., 2016).
Mặc dù vậy, cách tiếp cận từ dưới lên cũng có nhược điểm là có thể không phù hợp với những vùng có nhiều cộng đồng dân cư nhỏ lẻ, phân tán, tách biệt, có khác biệt lớn về ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán. Nói cách khác, khó vận dụng cách tiếp cận này ở những nơi hạn chế về năng lực cộng đồng, chưa có tập quán kinh doanh, vốn xã hội yếu và khó thích nghi với sự thay đổi năng động (Stohr, 1990; Cooke and Morgan, 1998). Ngoài ra, cách tiếp cận này cũng có thể chỉ theo đuổi mục đích ngắn hạn, trước mắt, mang tính dân túy do hướng tới sự ủng hộ của cư dân tại chỗ (Pike et al, 2016).
BẢNG 3. CÁC CÁCH TIẾP CẬN TRONG CHÍNH SÁCH VÙNG
| Từ trên xuống | Từ dưới lên |
Đặc điểm | Các quyết định can thiệp cần thiết đối với vùng được thực hiện từ trung ương | Thúc đẩy sự phát triển ở tất cả các vùng bằng sáng kiến từ bên dưới |
Được quản lý bởi hệ thống hành chính trung ương | Phi tập trung hóa, hợp tác theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền và theo chiều ngang giữa các tổ chức công và tư | |
Tiếp cận ngành đối với sự phát triển | Tiếp cận lãnh thổ đối với sự phát triển (địa phương, bối cảnh) | |
Phát triển các dự án công nghiệp lớn nhằm nuôi dưỡng các hoạt động kinh tế khác | Tận dụng tiềm năng phát triển của mỗi vùng nhằm kích thích những điều chỉnh theo hướng tiến bộ của hệ thống kinh tế địa phương đối với sự thay đổi của môi trường | |
Hỗ trợ, khuyến khích và trợ cấp về tài chính là các nhân tố chính để thu hút các hoạt động kinh tế | Cung cấp các điều kiện then chốt cho sự phát triển các hoạt động kinh tế | |
Nguyên tắc |
|
|
Công bằng liên thế hệ | Phản ứng nhanh để thu hút đầu tư và việc làm theo các mục tiêu ngắn hạn và mục đích chính trị | Hình thành năng lực và tài sản địa phương trong dài hạn; nhấn mạnh việc làm bền vững |
Bình đẳng xã hội | Gắn với lập luận tạo ra sự thịnh vượng theo kiểu “thấm xuống” (trickle down); giảm lương được xem như hợp lý nhằm tạo việc làm và của cải | Nhấn mạnh đến các sản phẩm và dịch vụ mang giá trị xã hội, bao gồm học tập, việc làm hữu ích và mức lương đủ sống |
Bình đẳng theo vùng địa lý | Gắn với đặc tính cạnh tranh, mậu dịch mở, quảng bá địa điểm và tập trung vào thu hút đầu tư bên ngoài mà không quan tâm tới sự ảnh hưởng tới vùng khác | Nỗ lực tạo ra nền kinh tế đa phương hóa, với những điều khoản công bằng về thương mại bên trong và với bên ngoài; tránh cạnh tranh theo kiểu được mất (zero-sum) bên trong |
Sự tham gia | Hướng tới các tập đoàn lớn, cộng với hứa hẹn mang tính hình thức với cộng đồng địa phương nhằm “mua” sự chính danh | Gắn kết với cộng đồng địa phương trong tất cả các khâu chính sách, từ thiết kế đến thực thi; gắn với dân chủ cơ sở |
Tiếp cận tổng thể | Từ phát triển kinh tế dẫn tới phồn vinh xã hội và cải thiện môi trường; tác động theo kiểu “thấm xuống” | Lồng ghép các nỗ lực nhằm cải thiện sự phát triển kinh tế địa phương, các điều kiện xã hội và môi trường |
Nguồn: Tổng hợp từ Pike et al, 2016; Amstrong and Taylor, 2000; Haughton, 1998.
Gần đây, cũng có nhiều quan điểm hướng tới cách tiếp cận chính sách hỗn hợp, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của vùng. Ví dụ như World Bank (2008) đề xuất đối với các vùng tụt hậu nằm rải rác, cần những thể chế chung về sở hữu, đất đai và thị trường; đối với các vùng tụt hậu nằm tập trung cần cả những thể chế nêu trên và đầu tư cơ sở hạ tầng gắn kết không gian; cuối cùng, đối với các vùng tụt hậu nằm tập trung và có sự chia cắt, cần cả thể chế chung, cơ sở hạ tầng và các can thiệp định hướng không gian (quy hoạch). Ngoài ra, ở các vùng khác, cần tập trung vào 3 chiến lược là tăng mật độ hoạt động kinh tế trong phạm vi có thể, giảm khoảng cách tiếp cận với các trung tâm và gỡ bỏ các chia cắt trong di chuyển nguồn lực.
Như đã trình bày ở trên, do mục tiêu và cách tiếp cận trong chính sách vùng tương đối đa dạng nên các công cụ chính sách cũng rất phong phú, nhiều lĩnh vực và nhiều cấp độ. Bảng 4 dưới đây tóm tắt một số công cụ chính sách chủ yếu được áp dụng.
BẢNG 4. CÁC CÔNG CỤ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÙNG
Cấp độ | Chính sách | Mục tiêu | Tác động | Công cụ |
Vi mô | Tái phân bổ lao động | Tái phân bổ lao động tại chỗ | Kỹ năng phù hợp với công việc | Tái đào tạo nghề, chương trình thị trường lao động trung gian |
Tái phân bổ lao động về không gian | Di cư | Trợ cấp nhằm bù đắp tổn thất tài chính và tâm lý | ||
Di động | Cung cấp thông tin, nhà cửa; Trợ giúp mua và thuê nhà | |||
Cải thiện hiệu quả thị trường lao động | Thu hẹp khoảng cách cung - cầu lao động | Khung pháp lý và các biện pháp khuyến khích thỏa ước lao động tập thể địa phương | ||
Tái phân bổ vốn | Thay đổi đầu vào sản xuất | Vốn, đất đai, nhà xưởng | Thuế, trợ cấp, lãi suất | |
Lao động | Trợ cấp lương | |||
Đầu vào khác | Trợ cấp phí vận tải, năng lượng | |||
Thay đổi đầu ra sản xuất | Cơ cấu sản xuất | Giảm xuất khẩu, trợ cấp giá | ||
Nâng cấp công nghệ | Mặt bằng trình độ công nghệ | Trợ cấp cho R&D, cho truyền bá thông tin công nghệ | ||
Tác động vào vận hành thị trường vốn | Tín dụng cho nhóm đặc thù | Thỏa thuận tín dụng, cung cấp đầu tư mạo hiểm, bảo hiểm tỷ giá, chương trình mậu dịch và tỷ giá địa phương, chương trình tín dụng vi mô, vốn rủi ro xã hội | ||
Tạo thuận lợi về hành chính | Thủ tục | Ưu đãi địa điểm, nới lỏng quy hoạch và thủ tục hải quan, giảm hồ sơ hành chính | ||
Nâng hiệu quả vốn xã hội | Năng lực cộng đồng | Chương trình nâng cao năng lực trong phát triển kinh tế cộng đồng | ||
Đồng phối hợp | Phối hợp các công cụ | Hiệu quả theo chiều ngang | Quan hệ giữa nhiều công cụ vi mô | Đào tạo nhân lực, khuyến khích đầu tư, an sinh xã hội |
Quan hệ giữa công cụ vi mô và vĩ mô | Khuyến khích đầu tư và chi tiêu tài khóa vào cơ sở hạ tầng | |||
Hiệu quả theo chiều dọc | Quan hệ giữa chính sách quốc gia, vùng và địa phương | Tổ chức trung gian điều phối, thúc đẩy liên kết phát triển vùng | ||
Vĩ mô | Phân cấp quản lý chính sách thương mại, tài khóa và tiền tệ cho cấp vùng | Sáng kiến địa phương, trung ương tập trung vào các chức năng cốt lõi | Khuyến khích phát triển nội sinh | Phân quyền, ủy quyền, tản quyền |
Kiểm soát từ trung ương | Tài khóa | Ổn định tự động, khuyến khích phát triển | Thuế thu nhập, đóng góp an sinh xã hôi | |
Có cân nhắc đối với vùng tụt hậu | Hợp đồng ưu đãi đối với nhà thầu, đầu tư cho hạ tầng, giáo dục và y tế | |||
Tiền tệ | Khuyến khích phát triển | Tín dụng ưu đãi | ||
Mậu dịch | Khuyến khích phát triển | Thuế quan và hạn ngạch ưu đãi | ||
Pháp lý | Kiểm soát và khuyến khích phát triển | Quy hoạch, kế hoạch Các tổ chức điều phối phát triển vùng cấp trung ương Luật về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu,… |
Nguồn: Tổng hợp và điều chỉnh từ Pike et al (2016); Amstrong and Taylor (2000); Haughton (1998).
Mặc dù vậy, với xu hướng thay đổi trong mục tiêu và cách tiếp cận, theo nhiều ý kiến đánh giá, các chính sách phát triển vùng đã và đang có sự dịch chuyển sang các hình mẫu mới, được tóm tắt trong Bảng 5 dưới đây.
BẢNG 5. SỰ DỊCH CHUYỂN HÌNH MẪU TRONG PHÁT TRIỂN VÙNG
| Hình mẫu cũ | Hình mẫu mới |
Nhận định các vấn đề của vùng | Chênh lệch vùng về thu nhập, hạ tầng và việc làm | Năng suất thấp, thiếu năng lực cạnh tranh, không khai thác đầy đủ tiềm năng, bất bình đẳng nội vùng và liên vùng |
Mục tiêu | Công bằng, thông qua giảm chênh lệch vùng | Năng lực cạnh tranh và công bằng |
Khung chính sách tổng quát | Bù đắp tạm thời những bất lợi của các vùng tụt hậu, giảm nhẹ các cú sốc (phản ứng đối với vấn đề) | Khơi dậy các tiềm năng của vùng thông qua quy hoạch và các chương trình cụ thể (chủ động khai thác tiềm năng) |
Phạm vi ngành | Tiếp cận ngành với một vài ngành được quan tâm | Tiếp cận tích hợp và đầy đủ với tầm bao phủ chính sách lớn hơn |
Định hướng không gian | Hướng tới các vùng tụt hậu | Hướng đến tất cả các vùng |
Phạm vi thời gian
| Ngắn hạn
| Dài hạn
|
Đơn vị tác động | Vùng hành chính | Vùng hành chính và chức năng |
Đo lường | Chủ yếu là các chỉ tiêu kinh tế | Các chỉ tiêu phúc lợi |
Cách tiếp cận chủ đạo | Một chính sách cho mọi vùng | Dựa vào bối cảnh cụ thể (tiếp cận địa điểm đặc thù) |
Tiêu điểm | Chuyển giao và đầu tư từ bên ngoài | Kiến thức và tài sản nội sinh |
Công cụ chủ yếu | Trợ cấp và hỗ trợ từ Trung ương | Đầu tư hỗn hợp cho vốn con người, cải thiện môi trường kinh doanh, thị trường lao động và cơ sở hạ tầng; đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới; đồng phối hợp với các đối tác doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và xã hội dân sự |
Chủ thể tham gia | Chủ yếu là chính quyền trung ương | Các cấp chính quyền khác nhau, đa dạng đối tác (công, tư, phi chính phủ) |
Nguồn: OECD 2010, 2019, 2020.
Kết luận
Các chính sách phát triển vùng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong mối quan tâm chủ yếu từ khía cạnh thuần túy kinh tế - xã hội (tăng trưởng và việc làm) sang tích hợp nhiều hơn vấn đề môi trường. Điều này một phần là do những nhận thức mới về phát triển bền vững. Ngoài ra, khía cạnh thể chế quản lý phát triển vùng cũng được quan tâm nhiều hơn, cả chính thức và phi chính thức.
Bên cạnh đó, các công cụ chính sách phát triển vùng cũng ngày càng được mở rộng. Trước đây, các công cụ chủ yếu được sử dụng là trợ cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và can thiệp vào thị trường lao động. Ngày nay, nhiều công cụ mới được đề xuất, cả ở góc độ vi mô và vĩ mô, kết hợp công và tư, cũng như bao hàm nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến phát triển cộng đồng và bảo vệ sinh thái.
Ngoài ra, cách tiếp cận từ trên xuống trong chính sách phát triển vùng, với vai trò chi phối của chính quyền trung ương, tùy vào bối cảnh từng quốc gia, được bổ sung bởi cách tiếp cận từ dưới lên với sự tham gia tích cực và chủ động từ cộng đồng tại chỗ. Điều này đòi hỏi các hình thức ủy quyền và phân quyền trong quản trị vùng; cũng như xây dựng năng lực địa phương. Trong nhiều trường hợp cách tiếp cận từ dưới lên tỏ ra phù hợp hơn với bối cảnh địa phương, cũng như sự thay đổi nhanh chóng bối cảnh bên ngoài do quá trình toàn cầu hóa mang lại.
Chính vì những xu thế nêu trên, hiện ở nhiều nước, mục tiêu phát triển một vùng không chỉ đơn thuần là tăng trưởng và việc làm, cũng như giảm chênh lệch trong phát triển, mà được tích hợp vào khung khổ mới - xây dựng năng lực cạnh tranh của vùng.
Tài liệu tham khảo
- Amin, A. and Thrift, N. (1995). Globalization, institutional “thickness” and the local economy. In P. Healey, S. Cameron, S. Davoudi, S. Graham and A. Madanipour (eds). Managing Cities: The New Urban Context. Chichester: Wiley.
- Armstrong, H. and Taylor J. (3rd ed.) (2000). Regional Economics and Policy. Oxford: Blackwell.
- Beer, A., Haughton, G. and Maude, A. (2003) Developing Locally: An International Comparison of Local and Regional Economic Development. Bristol: Policy Press.
- Borts, G.H. and Stein, J. (1964). Economic Growth in a Free Market. New York: Columbia University Press.
- Boudeville, J. (1966). Problems of Regional Economic Planning. Edinburgh University Press: Edinburgh.
- Capello, R. (2007). Regional Economics. Routledge Publisher: London & New York.
- Carvalho, L., van den Berg, L. and van der Meer, J. (2014). Cities as Engines of Sustainable Competitiveness: European Urban Policy in Practice. Chapter 1.
- Cooke, P. and Morgan, K. (1998). The Associational Economy: Firms, Regions and Innovation. Oxford: Oxford University Press.
- Dawkins, C.J. (2003). Regional Development Theory: Conceptual Foundations, Classic Works, and Recent Developments Journal of Planning Literature,18(2), pp. 130-172.
- Douglass, M. (1998). A regional network strategy for reciprocal rural-urban linkages: An agenda for policy research with reference to Indonesia. Third World Planning Review, 20(1). DOI:10.3828/twpr.20.1.f2827602h503k5j6
- Duranton, G. and Puga, D. (2004). Micro-Foundations of Urban Agglomeration Economies. Handbook of Regional and Urban Economics, 4, pp. 2063-2117.
- Friedmann, J. (1966). Regional development policy: A case study of Venezuela. Cambridge, MIT Press: Mass.
- Friedmann, J. and Douglass, M. (1978). Agropolitan development: towards a new strategy for regional planning in Asia. DOI:10.1016/B978-0-08-021984-4.50014-9
- Fujita, M., Krugman, P. and Venables, A. (1999). The spatial economy: Cities, regions and international trade. MIT Press.
- Haughton, G. (1998). Principles And Practice Of Community Economic Development. Regional Studies, 32(9), pp. 872-877.
- Haughton, G. and Counsell, D. (2004) Regions, Spatial Strategies and Sustainable Development. London: Routledge and Regional Studies Association.
- Hoover and Giarratani (2020). An Introduction to Regional Economics. Web Book of Regional Science. Regional Research Institute, West Virginia University.
- Knox, P. and Marston, S. (eds.) (2015). Human Geography - Places and Regions in a Global Context. 7th edition. Pearson.
- Krugman, P. (1979). Increasing returns, monopolistic competition and international trade. Journal of International Economics, 9, pp. 469-479.
- Krugman, P. (1980). Scale economies, product differentiation and the pattern of trade. American Economic Review, 70, pp. 950-959.
- Krugman, P. (1993). On the relationship between trade theory and location theory. Review of International Economics, 1, pp. 11-22.
- Krugman, P. (1995). Development, geography and economic theory. Cambridge (MA), MIT Press.
- Krugman, P. (1998). What’s new about the “new” economic geography?. Oxford Review of Economic Policy, 14(2), pp. 7-17.
- Losch, A. et al. (1954). The economics of location. New Haven: Yale University Press.
- Marshall, A. 8th eds. (1920). Principles of Economics. London: McMillan.
- Martin, R. (2003). A study on the factors of regional competitiveness. University of Cambridge.
- Medeiros, E. (2022). Strategic-Based Regional Development: Towards a theory of everything for regional development?. European Journal of Spatial Development, 19(5), pp. 1-26.
- Nermend, K. (2009). Vector Calculus in Regional Development Analysis Comparative Regional Analysis Using the Example of Poland. Physica-Verlag Berlin Heidelberg.
- Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Phú (2006) (Đồng chủ biên). Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Nijkamp, P. and Abreu, M. (2009). Regional Development Theory. International Encyclopedia of Human Geography, pp. 202-207.
- North, D. (1956). Location Theory and Regional Economic Growth. Journal of Political Economy, 63, pp. 243-58.
- OECD (2002). Impact of Transport Infrastructure Investment on Regional Development. Paris: OECD Publications.
- OECD (2010). Regional Development Policies in OECD Countries. OECD Publishing.
- OECD (2019). OECD Regional Outlook 2019: Leveraging Megatrends for Cities and Rural Areas.
- OECD (2020). A Territorial Approach to the Sustainable Development Goals - Synthesis report.
- Perroux, F. (1955). Note sur la notion de pole de croissance?. Economic Appliqee, 8, pp. 307-320. (Translated in English as Perroux, F. (1970). Note on the Concept of Growth Poles. In McKee, D., Dean, R. and Leahy, W., (Eds.). Regional Economics: Theory and Practice. The Free Press, New York, pp. 93-104).
- Pike, A., Rodriguez-Pose, A. and Tomaney, J. (eds.) (2016). Handbook of Local and Regional Development. Routledge.
- Porter, M. (1990). The competitive advantage of nations. Free Press: New York.
- Preston, E. J. (1952). Toward a Further Understanding of the Regional Concept. Annals of the Association of American Geographers, 42(3), pp. 195-222.
- Sabic, D. and Vujadinovic, S. (2017). Regional development and regional policy. Collection of Papers - Faculty of Geography at the University of Belgrade, 65 (1a), pp. 463-477.
- Serra, M. A. (2003). Development pole theory and the Brazilian Amazon. http://www.empresas.ufpr.br/amazon.pdf
- Stimson, R., Stough R. and Roberts, B.H. (2006). Regional Economic Development: Analysis and Planning Strategy. Berlin: Springer.
- Stohr, W.B. (ed.) (1990). Global Challenge and Local Response: Initiatives for Economic Regeneration in Contemporary Europe. London: The United Nations University.
- Storper, M. (1997) The Regional World: Territorial Development in a Global Economy. London: Guilford.
- Stutz, F. and Warf, B. 6th eds. (2012). The World Economy: Geography, Business, Development. Prentice Hall.
- Todtling, F, and Trippl, M. (2005). One size fits all? Towards a differentiated regional innovation policy approach. Research Policy, 34(8), pp. 1203–1219.
- Todtling, F. (2011). Endogenous approaches to local and regional development policy. In Pike, A., Rodriguez-Pose, A., Tomaney, J. (eds.). Handbook of Local and Regional Development, Routledge, 333–344.
- Tödtling, F. (2020). Regional Development: Endogenous. In International Encyclopedia of Human Geography (2nd eds.), pp.303-308.
- Venables, A. (2001a). Trade, location, and developmnet: An overview of theory. London School of Economics and CEPR. http://www.econ.ox.ac.uk/members/tony.venables/lac3.pdf
- Venables, A. (2001b). International Trade: Economic Integration. International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences, pp. 7843-7848.
- Williamson, J.G. (1965). Regional Inequality and the Process of National Development: A Description of Patterns. Economic Development and Cultural Change, 13, pp. 3-47.
- World Bank (WB) (2008). Tái định dạng địa kinh tế. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
(*) Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Phát triển kinh tế - xã hội vùng của nước ta: Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chính sách mới” (mã số KX.04.21/21-25) thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025.