PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TỈNH CAO BẰNG: SỨC BẬT TỪ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU NON NƯỚC CAO BẰNG
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của ngành du lịch trên thế giới và Việt Nam. Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ trong đó có du lịch. Sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú về tài nguyên văn hoá và thiên nhiên, trong đó nổi bật là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đây là lợi thế cơ bản để tỉnh Cao Bằng tạo thành sức bật phát triển du lịch bền vững. Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng gắn với lợi thế về CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất các định hướng chiến lược trong phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị của tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên, tôn trọng các giá trị văn hoá - xã hội, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Đặt vấn đề
Du lịch ngày nay đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn trên toàn cầu. Sự bùng nổ của ngành du lịch tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đáng lưu ý, bên cạnh những tác động tích cực, quá trình phát triển du lịch cũng tiềm ẩn những mối đe dọa đến sinh cảnh, hệ sinh thái, môi trường, xáo trộn đời sống hoang dã, tác động đến chất lượng nước và đe dọa, tổn hại đến cộng đồng địa phương, phá vỡ các giá trị văn hoá truyền thống, gia tăng nguy cơ về tệ nạn xã hội, bất bình đẳng xã hội. Do đó, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, là đòi hỏi tất yếu của ngành du lịch từ toàn cầu đến mỗi quốc gia, mỗi địa phương.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, 2005), các xu hướng và thực hành quản lý phát triển du lịch bền vững được áp dụng cho tất cả các hình thức du lịch ở tất cả các loại điểm đến, bao gồm cả du lịch đại chúng và các phân khúc du lịch khác nhau. Các nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hoá xã hội của phát triển du lịch, và sự cân bằng phải được thiết lập giữa ba khía cạnh trên để đảm bảo tính bền vững, lâu dài.
Tỉnh Cao Bằng nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Đông Bắc. Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO vinh danh vào năm 2018 chính là đòn bẩy giúp du lịch Cao Bằng phát triển.
Với định hướng phát triển du lịch bền vững, tỉnh Cao Bằng đã và đang thực hiện hiệu quả việc xây dựng các chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn chặt mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
1. Du lịch Cao Bằng - Nhìn từ tiềm năng tới thực trạng
1.1. Tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh miền núiở vùng Đông Bắc nước ta, cùng với Hà Giang, Lạng Sơn có chung đường biên giới với Trung Quốc. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với đường biên giới dài trên 333km; phía Tây và Tây Nam giáp hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh núi non hùng vĩ tạo thành những thắng cảnh say đắm lòng người. Nổi bật là CVĐC Non nước Cao Bằnglà nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm và sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngày 12/4/2018, UNESCO đã chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.
CVĐC Non nước Cao Bằng trải rộng hơn 1.800m² diện lộ đá vôi có khoảng 200 hang động, trong đó tầm 50 hang động có thể khai thác phát triển du lịch, có nhiều hang lớn, dài, thạch nhũ đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao, hang Dơi, hang Ki Lu… Quần thể hồ - sông hang ngầm Thang Hen thuộc loại kỳ thú chưa thấy nơi nào khác ở Việt Nam. Trong đó, có những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm(UBND tỉnh Cao Bằng, 2022). Danh thắng Thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là thác lớn thứ 04 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; Hãng Sputnik Nga đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới;Tạp chí Touropia bình chọn là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới; Hãng tin Anh Fox News bình chọn là top 7 thác nước hùng vĩ nhất thế giới; Tạp chí National Geographic (của Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ) bình chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á (P.V, 2018).
Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, tỉnh Cao Bằng còn có bề dày lịch sử cùng với nét văn hóa đa sắc với hơn 28 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Theo UBND tỉnh Cao Bằng (2022), trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích, trong đó 98 di tích được xếp hạng (03 di tích Quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật quốc gia; 04 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Cao Bằng sở hữu nhiều đền, chùa có lịch sử lâu đời và cảnh quan đẹp, trong đó có chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía Bắc Tổ quốc.
Tỉnh Cao Bằng sở hữu hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng với nhiều lễ hội, nghi lễ, các làn điệu dân ca, dân vũ sống động và các phong tục tập quán đặc sắc. Tổng số di sản văn hóa phi vật thể đang lưu giữ trong toàn tỉnh là trên 2000 di sản, trong đó: loại hình tiếng nói chữ viết có 06 di sản; loại hình ngữ văn dân gian có 150 di sản; tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản; lễ hội truyền thống có 200 di sản; nghề thủ công truyền thống có 112 di sản; tri thức dân gian có 487 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 300 di sản (UBND tỉnh Cao Bằng, 2022).
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây đặc sản nổi tiếng như: Miến dong Phia Đén (huyện Nguyên Bình), quả lê và thạch đen (huyện Thạch An), hạt dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ. Vùng đất Cao Bằng còn nổi tiếng như một thiên đường ẩm thực: bánh cuốn, phở chua, bánh coóng phù, xôi trám, bánh khảo, vịt quay 7 vị, lợn sữa quay, bánh áp chao, bánh trứng kiến, cá Trầm Hương. Trong đó, một số sản vật được công nhận như: lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; bánh coóng phù Cao Bằng lọt vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; xôi trám, bánh coóng phù, hạt dẻ lọt top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam vào tháng 2/2021 cùng nhiều danh hiệu khác(UBND tỉnh Cao Bằng, 2022).
Ngoài ra, du khách đến đây sẽ có dịp tham quan các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng hương Phja Thắp, làng bánh khảo Cáp Tao, Phi Hải, di tích thành Bản Phủ, di tích thành Nà Lữ cùng đền Vua Lê, di tích đền thờ Nùng Chí Cao, di tích lịch sử cách mạng mộ Kim Đồng.
Với tiềm năng to lớn, Cao Bằng có thể khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm với các hoạt động như leo núi, đạp xe địa hình, đi xe moto địa hình, chèo thuyền kayak; du lịch trải nghiệm, khám phá (trekking); du lịch địa chất, khám phá công viên địa chất toàn cầu…và loại hình du lịch văn hóa, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; du lịch tâm linh đến các ngôi chùa nổi tiếng như Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng, Chùa Kỳ Sầm.
1.2. Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng
Với tài nguyên thiên nhiên, văn hoá đặc sắc và hấp dẫn, du lịch tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội địa phương, nâng cao thu nhập, sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo tồn các giá trị di sản.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đã có những bước phát triển và đạt được những thành công nhất định, phát huy được lợi thế về tài nguyên du lịch, trong đó chủ lực là CVĐC Non nước Cao Bằng nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù thu hút và hấp dẫn khách du lịch đến với Cao Bằng.Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Cao Bằng, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và đưa vào khai thác ba tuyến du lịch gắn với CVĐC Non nước Cao Bằng, cụ thể là: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” (tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng); Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (tập trung vào các huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang).
Về chủ trương, chính sách phát triển du lịch: Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Cao Bằng đã và đang xây dựng và thực thi nhiều chính sách quan trọng. Trong đó, ngành du lịch tỉnh đã định hướng, xây dựng 3 chương trình lớn bao gồm: Chương trình bảo vệ môi trường để làm giảm thiểu tác động đến môi trường; Chương trình bảo tồn văn hoá, du lịch bền vững không gây hại đến các cấu trúc xã hội và văn hoá cộng đồng, tôn trọng giá trị văn hoá bản địa; khuyến khích các bên liên quan hợp tác, liên kết và có sự tham gia của chính quyền, người dân và doanh nghiệp; Chương trình công bằng về kinh tế vì du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như các bên liên quan. Đó là những chính sách quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh Cao Bằng, dựa trên ba trụ cột chính là bền vững về môi trường, bền vững về văn hoá - xã hội và bền vững về kinh tế.
Tuy nhiên, trong khu vực Đông Bắc và một số tỉnh lân cận, lượng khách du lịch đến tỉnh Cao Bằng so với các tỉnh chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, ở chỉ số về lượng khách quốc tế, Cao Bằng có số lượng khách cao chỉ sau Hà Giang và Lạng Sơn. Khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng trong giai đoạn 2015-2019 có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong giai đoạn 2018 và 2019. Năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng là 185.040 lượt khách, tốc độ tăng trưởng trong thời kỳ này đạt 50,23%.
Về doanh thu từ hoạt động du lịch bao gồm tất cả các khoản thu từ khách du lịch như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, v.v. Trong giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 43,1%/năm. Năm 2015, tổng doanh thu từ du lịch của Cao Bằng đạt được 115 tỷ đồng, đến năm 2019 doanh thu du lịch đạt 481 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần.
BẢNG 1. TỔNG THU TỪ KHÁCH DU LỊCH TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2015-2019
(TỶ ĐỒNG)
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tốc độ tăng trưởng bình quân |
Tổng doanh thu du lịch | 115 | 147 | 189 | 363 | 481 | 43,1% |
Nguồn: Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Cao Bằng, 2022.
Về nhân lực du lịch, tỉnh Cao Bằng có khoảng 12.800 lao động gồm cả trực tiếp và gián tiếp đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, nhiều nhất vẫn là lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở dịch vụ khác, v.v. Về chất lượng nhân lực du lịch, giai đoạn 2016-2019 số lượng lao động trong ngành du lịch có trình độ lao động đào tạo trình độ đại học và trên đại học chiếm gần 20%, cao đẳng - trung cấp chiếm trên 20%, lao động đào tạo khác hoặc chưa qua đào tạo chiếm dưới 60%(Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cao Bằng 2022).
Về đầu tư cho phát triển du lịch, tỉnh Cao Bằng đã và đang xây dựng nhiều chủ trương, chính sách dài hạn trong phát triển du lịch của tỉnh, thông qua việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, tỉnh Cao Bằng đã chú trọng thúc đẩy nhiều dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng kết nối đến tỉnh như dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 3, 34, 34B, 4A, 4C, đường Hồ Chí Minh, nhiều dự án tỉnh lộ kết nối các khu, điểm du lịch như tỉnh lộ 2020, 206, 212,...nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Theo UBND Tỉnh Cao Bằng (2022), tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 296 cơ sở lưu trú du lịch (3.767 phòng và 6.265 giường), trong đó, có duy nhất 01 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 19 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 64 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao; còn lại là các nhà nghỉ, homestay. Các cơ sở lưu trú chủ yếu tập trung ở thành phố Cao Bằng và các khu vực thị trấn, khu, điểm du lịch trọng điểm như Thác Bản Giốc, Khu di tích Pác Bó.
Về các sản phẩm du lịch: Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã và đang khai thác một số sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng (2022), ngoài các loại hình du lịch truyền thống: du lịch lịch sử cách mạng, những năm gần đây, Cao Bằng đã quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch mới: tháng 4/2019, tổ chức Chương trình chào đón tour Caravan đầu tiên đến với tỉnh Cao Bằng, khai mạc “Chương trình du lịch về nguồn năm 2022” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng; khai thác sản phẩm chèo xuồng kayak trên sông Quây Sơn (năm 2019), khai trương tuyến du lịch khám phá trải nghiệm động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn, huyện Trùng Khánh (tháng 4/2021); Khảo sát địa điểm bay dù lượn tại thung lũng treo Tĩnh Túc và tổ chức Lễ khánh thành Điểm ngắm cảnh đỉnh Phja Oắc, xã Thành Công và công bố Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (tháng 4/2022). Đến nay, một số địa phương đã bắt đầu quan tâm phát triển các loại hình du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...Du lịch văn hoá - lịch sử gắn với các di tích lịch sử văn hoá, đặc trưng văn hoá các dân tộc ít người như Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950, lễ hội đền Kỳ Sầm, lễ hội du lịch Thác Bản Giốc,...Du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Phja Oắc, Phja Đén, huyện Nguyên Bình. Du lịch cộng đồng ở Pác Rằng, xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên), Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thuỷ (huyện Trùng Khánh),… (Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, 2019). Ngoài ra, một số sản phẩm như du lịch di sản, du lịch tham quan, nghiên cứu được phát triển mạnh tại Công viên địa chất non nước Cao Bằng.
Về công tác quy hoạch không gian du lịch: Tỉnh Cao Bằng đã thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, không gian du lịch tỉnh Cao Bằng được phân chia thành 04 không gian chính gắn với đặc điểm và lợi thế về tài nguyên du lịch của từng khu vực. Không gian du lịch trung tâm bao gồm thành phố Cao Bằng và huyện Hòa An gắn với du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, thương mại và dịch vụ, du lịch MICE,...Không gian du lịch phía Tây bao gồm huyện Nguyên Bình gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, lịch sử với Quần thể di tích cấp quốc gia rừng Trần Hưng Đạo, VQG Phja Oắc, Phja Đén. Không gian du lịch phía Bắc bao gồm huyện Hà Quảng gắn với du lịch lịch sử, du lịch về nguồn với quần thể di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Không gian du lịch phía Đông gồm các huyện Trùng Khánh, Quảng Hoà gắn với du lịch sinh thái đèo Mã Phục (Quảng Hoà), hồ Thanh Hen (Trùng Khánh), Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, cảnh quan sông Quây Sơn (Trùng Khánh).
Về kết quả kinh doanh du lịch: Trong giai đoạn 2016-2020, lượng khách, doanh thu và tăng trưởng du lịch có sự phát triển vượt bậc, đạt trên 5 triệu lượt khách, bình quân tăng 19%/năm (tăng 102% so với giai đoạn 2011 - 2015). Trong đó, khách quốc tế đạt trên 410 nghìn lượt người, bình quân tăng 42%/năm (tăng 207% so với giai đoạn 2011 - 2015); doanh thu du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng, bình quân tăng 36%/năm (tăng 192% so với giai đoạn 2011 - 2015); tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%/năm (UBND Tỉnh Cao Bằng, 2022).
Nhìn chung, việc phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng luôn được quan tâm với những chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch. Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, việc thực thi các chính sách về bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản, hay chuyển đổi các ngành kinh tế sản xuất công nghiệp, khai khoáng theo hướng xanh là những bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
1.3. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng
Điểm mạnh
Tài nguyên du lịch phong phú: Tỉnh Cao Bằng sở hữu nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Đặc biệt là CVĐC Non nước Cao Bằng với hệ thống núi non hùng vĩ, địa hình đặc biệt, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên giàu giá trị về cảnh quan, sinh thái là những lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Lô Lô,...được gìn giữ, bảo tồn với các nghi lễ, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán đặc sắc là những yếu tố thuận lợi trong phát triển du lịch. Ngoài ra, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như khu di tích quốc gia Pác Bó, khu di tích quốc gia đặc biệt.
Cơ chế, chính sách phát triển du lịch: Với các chủ trương, chính sách cho thấy quyết tâm của Cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Cao Bằng là điều kiện thuận lợi thể thực thi hiệu quả các mô hình phát triển bền vững trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Vị trí địa lý: Mặc dù xa các trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng, tuy nhiên tỉnh Cao Bằng lại có lợi thế do nằm tiếp giáp với các trung tâm động lực phát triển du lịch như Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang,...cùng đường biên giới với Trung Quốc với các cửa khẩu như cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu chính Trà Lĩnh, Sóc Giang và Lý Vạn. Những thuận lợi từ vị trí địa lý chính là động lực quan trọng và điều kiện rất thuận lợi trong phát triển thương mại - dịch vụ trong đó có du lịch.
Điểm yếu
Hạ tầng giao thông hạn chế: Cao Bằng không có tuyến đường sắt đi qua, không có sân bay. Hiện trạng giao thông kết nối với Cao Bằng là vấn đề hạn chế, do vị trí thuộc vùng đồi núi của Tổ quốc, nên việc di chuyển mất nhiều thời gian, khiến giảm khả năng tiếp cận trong phát triển du lịch. Các tuyến giao thông chưa được đầu tư, hệ thống đường giao thông cao tốc còn hạn chế, chính là các điểm yếu hiện hữu trong phát triển của ngành du lịch tỉnh Cao Bằng. Do đó, ngoài một số điểm du lịch đã hình thành và được biết đến như khu du lịch Pác Bó, khu du lịch thác Bản Giốc, còn lại hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, kể cả khu vực thác bản Giốc, nhất là tuyến dọc sông Quây Sơn còn khó khăn trong việc tiếp cận. Kết nối giữa Cao Bằng với các địa phương lân cận cũng chưa thuận lợi, do đó hợp tác phát triển du lịch, liên kết tour/tuyến khó thực hiện.
Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch: Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, các cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm,...ở Cao Bằng chưa thực sự phát triển, dẫn đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch là chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu đã được quan tâm, như việc hạn chế ngân sách, các khó khăn của địa phương nên việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều hạn chế.
Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, chưa đặc thù: Các sản phẩm du lịch hiện nay đã và đang khai thác các giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá, tuy nhiên xét một cách tổng thể các sản phẩm du lịch của tỉnh Cao Bằng nhìn chung chưa có điểm nhấn. Một số sản phẩm du lịch chỉ dừng lại ở các sản phẩm du lịch đại chúng, phân khúc khách hàng thấp, do vậy mà doanh thu du lịch chưa cao. Tính mùa vụ trong du lịch ở Cao Bằng cũng thể hiện rõ ở việc mùa Hè và mùa Thu rất đông khách, nhưng mùa Đông lại không có khách lưu trú vì thời tiết giá lạnh, nơi đây không có sản phẩm du lịch đặc trưng nên khó thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú (Thanh Thuận, 2021).
Đầu tư du lịch còn hạn chế: Việc đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng còn nhiều hạn chế như thiếu ngân sách, việc kêu gọi, huy động đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cụ thể để thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt đối với địa phương miền núi có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn như Cao Bằng. Do đặc thù tỉnh biên giới, có vẻ như Cao Bằng còn quá thận trọng trong việc hình thành các cơ chế cởi mở, thông thoáng để thu hút đầu tư du lịch, đặc biệt tại khu du lịch thác Bản Giốc và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực gần biên giới với Trung Quốc.
Nhận thức của cộng đồng về vai trò của du lịch còn chưa cao: Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương còn hạn chế đặc biệt tại các huyện, thôn bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống chưa thực sự tốt, dẫn đến nhiều giá trị văn hoá như nhà cửa truyền thống, trang phục,...dần bị mai một và mất bản sắc.
Nhân lực du lịch còn hạn chế: Nhân lực du lịch trong hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước có thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đội ngũ lao động tại các khu, điểm du lịch hay các cơ sở dịch vụ du lịch. Nhân lực chưa qua đào tạo, chưa nắm được quy trình cung cấp và phục vụ dịch vụ cho khách du lịch. Ngoài ra các kỹ năng khác như kỹ năng chuẩn bị cá nhân, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp,...cũng là những kỹ năng còn thiếu trong nhân lực du lịch Cao Bằng hiện nay.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu: Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã được quan tâm, chú ý nhưng hiệu quả còn thấp. Kể từ khi UNESCO công nhận công viên địa chất non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu năm 2018, hình ảnh du lịch Cao Bằng được phổ biến rộng rãi hơn trên phương tiện thông tin đại chúng, song chỉ dừng ở quy mô Khu du lịch thác Bản Giốc, trong khi đó, Cao Bằng còn nhiều tiềm năng khác có thể khai thác quảng bá, giới thiệu. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá tới thị trường nước ngoài còn rất hạn chế mặc dù Cao Bằng có lợi thế khi là một trong ba địa phương có tên trong danh sách Công viên địa chất toàn cầu.
Cơ hội
Tình hình an ninh, chính trị dần ổn định: Đối mặt với các khủng hoảng về an ninh, chính trị trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch thế giới. Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh, xung đột, chính trị thế giới ngày càng được ổn định hơn sẽ là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam và Cao Bằng dần phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Kinh tế thế giới phục hồi: Sau các khủng hoảng về năng lượng, lạm phát từ các siêu cường trên thế giới, cũng đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam. Hàng hoá đắt đỏ, giá nguyên liệu tăng cao, thu nhập của người lao động bị cắt giảm do vậy mà ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách chi tiêu và ngân sách dành cho du lịch của người dân. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực trong phục hồi kinh tế trong giai đoạn vừa qua là những tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội phục hồi ngành du lịch Việt Nam và Cao Bằng.
Dịch bệnh được kiểm soát: Tình hình dịch bệnh ngày càng được kiểm soát, Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh, cùng với đó là việc thực thi các chính sách trong phục hồi sản xuất và thương mại dịch vụ. Trong đó, chính sách mở cửa phục hồi ngành du lịch vào ngày 15/3/2022 được coi là chính sách chiến lược của Chính phủ trong phục hồi lại ngành du lịch Việt Nam. Điều này tạo thuận lợi và cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam mở cửa và phục hồi sau hơn hai năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng đã mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, giúp tạo thương hiệu về điểm đến Cao Bằng với cảnh quan đa dạng phong phú và giá trị văn hóa đặc sắc của khu vực Non Nước Cao Bằng, từ đó thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho công tác liên kết phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh điểm đến Cao Bằng trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Du lịch địa chất và du lịch khám phá đang là xu thế mới của ngành du lịch thế giới. Nhiều du khách muốn học hỏi, tìm hiểu, khám phá về địa chất, thiên nhiên thông qua các hoạt động du lịch, khám phá. Trong khi đó, tài nguyên tự nhiên Cao Bằng có một hệ cấu tạo địa chất rất đặc biệt, mang giá trị lịch sử khoảng 500 triệu năm của trái đất với nhiều dấu tích còn lưu lại ở đây, đó là các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản; đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, hang động.
Phát triển du lịch biên giới là một trong những mục tiêu đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cao Bằng có đường biên giới giáp Trung Quốc với 3 cửa khẩu song phương chính, cùng lối mở cho phép sử dụng thẻ du lịch tham quan trong ngày tại khu du lịch thác Bản Giốc là cơ hội lớn thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai nước.
Thách thức
Sự cạnh tranh trong du lịch: Sự phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương trong khu vực Đông Bắc sẽ tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ. Một số tỉnh đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho phát triển du lịch như Lạng Sơn, Hà Giang, đồng thời các tỉnh này lại có lợi thế về giao thông, các tuyến đường cao tốc thuận lợi trong kết nối. Do vậy đây cũng là một trong những thách thức lớn trong phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn tới.
Suy thoái của môi trường tự nhiên: Ngày nay, việc phát triển từ các hoạt động sản xuất của con người tạo ra những mối đe dọa lớn đến môi trường. Môi trường tự nhiên ngày càng bị suy thoái, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nguồn nước, đất,...là những vấn đề bức thiết hiện nay. Do đó, các vấn đề về môi trường không chỉ thách thức của riêng tỉnh Cao Bằng mà là thách thức cho ngành du lịch Việt Nam và thế giới.
Tác động của biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và tài nguyên thiên nhiên. Cao Bằng là một tỉnh miền núi do vậy, các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thiên tai là rất rõ ràng, tác động trực tiếp đến tài nguyên du lịch cũng như việc phát triển hoạt động du lịch ở Cao Bằng.
Các nguy cơ mai một về văn hoá: Các giá trị văn hoá truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một do nhiều yếu tố như tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển kinh tế đô thị, xuất hiện nhiều các văn hoá ngoại lai, nhận thức về gìn giữ bảo tồn văn hoá của cộng đồng và chính quyền địa phương là chưa cao, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với hoạt động du lịch của tỉnh Cao Bằng.
2. Phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng công viên địa chất toàn cầu
2.1. Tạo sức bật để phát triển du lịch bền vững
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2 trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh, với những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Ngày 11/12/2021, Hội đồng CVĐC toàn cầu đã phê duyệt hồ sơ mở rộng ranh giới CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong kỳ họp thứ 6 của Hội đồng. Theo hồ sơ mở rộng, CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ bao gồm địa giới hành chính của toàn bộ thành phố Cao Bằng, các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An, với tổng diện tích 3.683 km2. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Báo Insider bình chọn là một trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019).
Ngay sau khi được công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2018, lượng khách quốc tế đến tỉnh Cao Bằng năm 2019 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 25,8% so với năm 2018, doanh thu trên 480 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 31% (Bùi Thị Bích Lan, 2022). Việc được công nhận là công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã thu hút một số lượt lớn du khách đến tham quan du lịch hàng năm, từ đó thúc đẩy mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương.
Để phát huy tốt vai trò danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản địa phương; bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh để khai thác du lịch bền vững.
2.2. Phát triển du lịch kết hợp giáo dục
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có các giá trị địa mạo đáng chú ý, nhất là các cảnh quan karst thể hiện một chu trình tiến hóa karst nhiệt đới ẩm hoàn chỉnh từ giai đoạn sơ khai, non trẻ, trưởng thành đến già, có thể nói CVĐC Non nước Cao Bằng thực sự là một “Bảo tàng ngoài trời” sinh động nhất (Khánh Linh, 2021). Thêm vào đó, các cảnh quan karst lại thường đi cùng với các kiểu loại DSĐC khác, đặc biệt là các biểu hiện di sản kiến tạo, và ở một số điểm cụ thể là các biểu hiện di sản cổ sinh, càng làm tăng lên giá trị, ý nghĩa khoa học, giáo dục, thẩm mỹ cũng như tiềm năng phục vụ du lịch của chúng.
Giá trị địa chất của CVĐC Non nước Cao Bằng rất to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống; nhưng hiểu biết của người dân về địa chất còn rất hạn chế. Vì vậy, cần làm cho người dân hiểu thiên nhiên và địa chất là nguồn gốc của sự sống; nâng cao nhận thức về địa chất, thiên nhiên cho người dân bản địa để họ biết cách bảo vệ địa chất, thiên nhiên và tạo ra sinh kế từ du lịch. Điều đó có nghĩa là, người dân bản địa phải được hướng dẫn cách khai thác du lịch, phát triển kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường; học cách sống thân thiện với môi trường, kết nối giữa con người và thiên nhiên, địa chất với văn hóa, lịch sử; và kết nối người dân bản địa và khách du lịch để tạo ra giá trị kinh tế bền vững lâu dài.
2.3. Phát huy các yếu tố văn hóa bản địa
Bên cạnh các yếu tố tự nhiên của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, nơi đây cũng hội tụ các yếu tố bản địa đặc trưng, hấp dẫn có thể phát triển du lịch bền vững. Tỉnh Cao Bằng cần chú trọng phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng như Giảo cổ lam, chè Kolia, hương thơm (làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên), miến dong (huyện Nguyên Bình), sản phẩm dệt thổ cẩm (xóm Lũng Nọi, huyện Hà Quảng), thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo như hương Phia Thắp, dao Phúc Sen… bằng cách in logo, dán tem Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trên các sản phẩm OCOP để quảng bá và thu hút du khách mua các sản phẩm đặc sản cũng như các sản phẩm OCOP của địa phương, tạo thêm sinh kế, giúp người dân được hưởng lợi từ danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Ngoài ra, Cao Bằng được coi là chiếc nôi văn hoá của khu vực phía Bắc Việt Nam. Đây là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc anh em chúng sống, gắn bó lâu đời, với nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, San Chỉ,...(Báo Cao Bằng, 2021). Theo đó, du lịch công viên địa chất với du lịch văn hóa nên được gắn bó chặt chẽ bằng cách xây dựng các điểm du lịch hoặc các sản phẩm để du khách có thể trải nghiệm các hoạt động của người dân trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường,… Bảo tồn và phát huy các nghệ thuật truyền thống: Hát Then, hát Páo Dung, hát Sli, lượn, múa khèn Mông.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương cũng là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Tích cực đầu tư và phát triển nguồn lao động du lịch từ cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp với du khách ở khâu vận chuyển, dịch vụ Homestay, hướng dẫn viên thôn bản, xe ôm, thợ chụp ảnh, bán hàng…, và cần có giải pháp quản lý, tuyên truyền, vận động; lập các đề án, dự án đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với du khách, ngoại ngữ… để tạo điều kiện cho người dân trau dồi kỹ năng nghề trong du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú và các điểm du lịch.
2.4. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Tỉnh Cao Bằng cần quan tâm nghiên cứu và đánh giá các giá trị địa chất và nhân văn gắn với CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng để khai thác phục vụ du lịch. Với tài nguyên đa dạng gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, tỉnh Cao Bằng có thể phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng tuy nhiên để tránh dàn trải và tập trung vào yếu tố khác biệt và tài nguyên đặc thù theo 02 dòng sản phẩm chính gồm: Du lịch văn hóa (gắn với di sản, du lịch lễ hội, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch cộng đồng); và Du lịch sinh thái (du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch địa chất, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp).
Định hướng phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch về nguồn… kết hợp phát triển hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa di tích và danh lam thắng cảnh sẽ làm cho du lịch Cao Bằng không bị nhàm chán, sản phẩm du lịch không lặp lại. Du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch khám phá danh lam thắng cảnh sẽ là loại hình hấp dẫn và là thế mạnh của Cao Bằng bởi vẻ đẹp hùng vĩ. Ngành du lịch Cao Bằng, đặc biệt là một số huyện biên giới có danh lam thắng cảnh đẹp cũng nên coi đó là giải pháp để tăng lượng khách du lịch vào mùa đông. Bên cạnh đó, không gian nhà ở, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng như các làn điệu dân ca, dân vũ, nếp sinh hoạt, trang phục,… cần được khai thác có chọn lọc để thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn,... nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú để thu hút du khách, góp phần đưa du lịch Cao Bằng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển cho nhiều nhóm đối tượng khách cần phát triển sản phẩm du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm và giải trí cũng như định hướng phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ về đặc sản, ẩm thực, nghệ thuật, lễ hội,...
2.5. Thúc đẩy công tác quảng bá và liên kết vùng
Để phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, công tác quảng bá và liên kết vùng đóng vai trò quan trọng. Liên kết vùng trong phát triển du lịch đã và đang nổi lên như một xu hướng tất yếu ở hầu khắp các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam (Đào Thị Hồng Thuý, 2015). Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm khai thác tối đa những lợi thế và tiềm năng về tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi vùng và mỗi quốc gia, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo có tính chất tổng hợp, góp phần thu hút khách du lịch (Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, 2017). Trong bối cảnh đó, tỉnh Cao Bằng với tài nguyên du lịch đặc sắc, gắn liền với yếu tố vùng miền về tự nhiên và văn hoá, việc liên kết với các tỉnh trong vùng Đông Bắc để hình thành và phát triển các tuyến, điểm du lịch và các sản phẩm du lịch mang tính chất vùng là rất cần thiết.
Theo đó, tỉnh Cao Bằng cần thực hiện liên kết chặt chẽ với các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ nhằm xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính tổng hợp dựa trên khai thác các giá trị của tài nguyên thiên nhiên và văn hoá.
Với lợi thế sở hữu Công viên địa chất non nước Cao Bằng cần liên kết với tỉnh Hà Giang trong hình thành các sản phẩm du lịch di sản, khám phá cảnh quan thiên nhiên và nghiên cứu địa chất. Cao Bằng cần xây dựng các chương trình, kế hoạch và chiến lược trong liên kết vùng trong phát triển du lịch, trong đó tập trung nhấn mạnh đến việc khai thác các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Cụ thể, hai địa phương Hà Giang và Cao Bằng cần phối hợp triển khai tour du lịch kết nối Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Kết hợp với tỉnh Bắc Kạn trong khai thác du lịch sinh thái giữa Công viên địa chất non nước Cao Bằng và Vườn Quốc gia Ba Bể.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch của từng địa phương. Tỉnh Cao Bằng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác với các tỉnh trong thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tổ chức các hội thảo, hội nghị, chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu, hội nghị xúc tiến đầu tư về phát triển du lịch vùng Đông Bắc.
Kết luận
Sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nổi bật, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã và đang trở thành sức bật cho ngành du lịch tỉnh Cao Bằng phát triển bền vững. Đồng thời CVĐC toàn cầu còn là nền tảng trong việc khai thác các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng, hấp dẫn và khác biệt, góp phần đưa Cao Bằng trờ thành trong điểm du lịch của vùng Đông Bắc trong tương lai.
Trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện những chương trình phát triển du lịch bền vững. Trong đó chú trọng chủ yếu là các chính sách trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hoá, gắn phát triển du lịch với các mục tiêu về an sinh xã hội, phát huy văn hoá bản địa là những chiến lược cụ thể và lâu dài.
Tuy nhiên, để việc thực hiện phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả, điều cần thiết là sự chung tay, phối hợp của các bên liên quan. Bởi lẽ, phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước là động lực, thúc đẩy phát triển du lịch bằng chủ trương, chính sách. Doanh nghiệp, cộng đồng địa phương là chủ thể trọng tâm thực hiện việc phát triển và kinh doanh du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, cộng đồng địa phương trên cả ba khía cạnh là bền vững về kinh tế, bền vững về văn hoá - xã hội và bền vững môi trường.
Đặc biệt, để phát triển du lịch Cao Bằng theo hướng bền vững dựa trên nền tảng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, cần phải chú trọng vào việc bảo tồn vốn tri thức và văn hóa bản địa, song song với việc gắn kết giáo dục về môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên và thực hiện các hoạt động du lịch. Phát triển du lịch trên nền tảng lấy cộng đồng và người dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng làm trung tâm trong các định hướng, kế hoạch và chương trình hành động phát triển du lịch của tỉnh, bảo đảm khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng và người dân chủ động tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, được làm chủ và được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Tài liệu tham khảo
- Báo Cao Bằng (2021). Cao Bằng: Văn hoá truyền thống - lợi thế góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch. Truy cập ngày 29/9/2022, tại: https://bvhttdl.gov.vn/cao-bang-van-hoa-truyen-thong-loi-the-gop-phan-thuc-day-hoat-dong-du-lich-20210126085847294.html
- Báo Cao Bằng (2022). Cao Bằng: Từng bước phát triển du lịch theo hướng bền vững. Truy cập ngày 19/5/2022, tại:https://bvhttdl.gov.vn/cao-bang-tung-buoc-phat-trien-du-lich-theo-huong-ben-vung-20220228083054657.html
- Butler, R.W. (1993). Tourism - an evolutionary perspective. In Tourism and Sustainable Development: Monitoring, Planning, Managing, ed. J.G. Nelson, R.W. Butler and G. Wall, pp. 27-44. Waterloo, Ontario: University of Waterloo (Department of Geography Publication 37).
- Bùi Thị Bích Lan. (2022). Để nghề thủ công truyền thống và du lịch xích lại gần nhau hơn (Nghiên cứu tại cụm làng nghề vùng Công Viên Địa Chất Non Nước Cao Bằng). Tạp Chí Nghiên cứu Dân tộc, 11(4). DOI: https://doi.org/10.54163/0866-773X/765.
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn. (2017). Cao Bằng - Điểm du lịch hấp dẫn vùng Việt Bắc. Truy cập ngày 15/9/2022 tại https://backan.gov.vn/Pages/cao-bang---diem-du-lich-hap-dan-vung-viet-bac.aspx
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng (2019). Hướng đi mới trong phát triển du lịch. Truy cập ngày 29/9/2022, tại: https://sovhtt.caobang.gov.vn/mDefault.aspx?sname=svhttdl&sid=1328&pageid=3641&catid=73973&id=652041&catname=Du-lich&title=Huong-di-moi-trong-phat-trien-du-lich.
- Đào Thị Hồng Thuý. (2015). Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Thái Nguyên với một số tỉnh phía Bắc Việt Nam: Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Luận văn Thạc sĩ Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- HN. (2019). Công viên địa chất Non nước Cao Bằng lọt tốp 50 địa điểm tham quan tốt nhất thế giới. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, truy cập ngày 29/9/2022, tại: https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-vien-dia-chat-non-nuoc-cao-bang-lot-top-50-dia-diem-tham-quan-tot-nhat-the-gioi-529275.html
- Khánh Linh. (2019). Các di sản địa mạo-kiến tạo karst trong CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng. Truy cập ngày 24/9/2022 tại http://caobanggeopark.com/vi/news/di-san-dia-chat/cac-di-san-dia-mao-kien-tao-karst-trong-cvdc-toan-cau-unesco-non-nuoc-cao-bang-305.html
- Lương Văn La, Hồ Lương Xinh, Lưu Thị Thùy Linh, Bùi Thị Thanh Tâm. (2021). Đánh giá dịch vụ du lịch cộng đồng tại huyện Trùng Khánh, Tỉnh Cao Bằng. Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Đại học Thái Nguyên, Số 226(17) 75 - 83.
- Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Thị Quỳnh Anh. (2017). Liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc: Từ lý luận đến thực tiễn, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu chính sách và quản lý, Tập 33, Số 4 (2017) 12-33.
- Nguyễn Xuân Khiển, Trần Tân Văn. (2007). Công viên địa chất - Di sản địa chất với mục tiêu phát triển bền vững. Vietnam Journal of Earth Sciences, 29(3), 284–287. https://doi.org/10.15625/0866-7187/29/3/11543
- PV. (2018). Tính kết nối của Khu du lịch thác Bản Giốc với CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng và mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Tạp chí Du lịch, truy cập ngày 29/9/2022, tại: https://www.vtr.org.vn/tinh-ket-noi-cua-khu-du-lich-thac-ban-gioc-voi-cvdc-toan-cau-non-nuoc-cao-bang-va-mang-luoi-cvdc-toan-cau-unesco.html
- Thanh Thuận. (2021). Thúc đẩy du lịch miền biên cương Cao Bằng. Truy cập ngày 20/9/2022, tại: https://www.bienphong.com.vn/thuc-day-du-lich-mien-bien-cuong-cao-bang-post436712.html
- Trần Đức Thanh, Phạm Hồng Long, Vũ Hương Lan, Trần Thuý Anh, Nguyễn Quang Vinh, Tô Quang Long, Nguyễn Thu Thuỷ, Trịnh Lê Anh, Nguyễn Ngọc Dung, Đinh Nhật Lê, Bùi Nhật Quỳnh, Trần Thị Yến Anh, Nguyễn Hoàng Phương, Đỗ Hải Yến, Đặng Thị Phương Anh. (2022). Nhập môn Du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- TTXVN/Báo Tin Tức. (2018). Cơ hội mới cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Truy cập ngày 15/9/2022 tại https://baotintuc.vn/du-lich/co-hoi-moi-cho-cong-vien-dia-chat-toan-cau-non-nuoc-cao-bang-20180413081544910.htm
- UBND tỉnh Cao Bằng. (2020). Đề án Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- UBND Tỉnh Cao Bằng. (2022). Báo cáo khái quát tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 – 2021 và 6 tháng đầu năm 2022
- WTO. (2005). Making Tourism More Sustainable: A Guide for policy Maker, UNEP/UNWTO, Paris/Madris, truy cập ngày 29/9/2022, tại: https://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.11822/8741/-Making%20Tourism%20More%20Sustainable_%20A%20Guide%20for%20Policy%20Makers-2005445.pdf?sequence=3&isAllowed=y.
|