BIẾN ĐỔI DÂN SỐ VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở BẮC NINH SAU 25 NĂM TÁI LẬP TỈNH
Tóm tắt: Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng mối quan hệ giữa dân số và phát triển. Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững. Trên cơ sở khái quát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, bài viết phân tích đặc điểm biến đổi cơ cấu dân số và ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh kể từ khi tái lập năm 1997 dựa trên các dữ liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh và Tổng cục Thống kê. Kết quả cho thấy, biến đổi quy mô và cơ cấu dân số Bắc Ninh có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2009-2029. Trong giai đoạn 10 năm đầu (2009-2019) cơ cấu dân số làm hạn chế tốc độ tăng trưởng 1,56 điểm phần trăm nhưng trong giai đoạn sau (2019-2029) đã đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh. Từ kết quả phân tích, tác giả đưa ra một số gợi ý nhằm phát huy vai trò của dân số trong phát triển, chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất lao động, thực hiện khát vọng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển bền vững, hiện đại ở Việt Nam.
Mở đầu
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: “Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân” và đề ra những mục tiêu mới, rộng lớn: “giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa chỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững” (BCH Trung ương, 2017).
Những quan điểm và mục tiêu nói trên cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng mối quan hệ giữa dân số và phát triển, cũng như tác động của dân số đến tăng trưởng kinh tế. Bài viết xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm thành lập tỉnh với nhiều thành tựu đạt được, đồng thời quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW, phân tích ảnh hưởng của biến đổi cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh – một tỉnh công nghiệp phát triển ở Vùng Đồng bằng sông Hồng. Kết quả thu được gợi mở một số định hướng chính sách nhằm chủ động phát huy vai trò của dân số trong phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất lao động, thực hiện khát vọng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển bền vững, hiện đại ở Việt Nam.
1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh được tái lập vào ngày 01/01/1997 trên cơ sở tách Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Khi mới tái lập, Bắc Ninh là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm cả về kinh tế và xã hội đều rất thấp, hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp và chia cắt. Sau 25 năm tái lập (1997-2022), chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã thực hiện quyết liệt và có hiệu quả ba đột phá chiến lược, đó là: Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng; đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính; và đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc chủ động nắm bắt, tranh thủ tốt thời cơ của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế. Đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội ở đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh không chỉ trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2022) đến cuối năm 2021: (1) GRDP bình quân đầu ngườiđứng thứ 4 cả nước; (2) Tốc độ tăng trưởng GRDP (13,9%) đứng thứ 10 cả nước; (3) Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 7 cả nước; (4) Quy mô nền kinh tế, thu ngân sách nhà nướcđứng thứ 8 toàn quốc; (5) Giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2; (6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đứng thứ 5 toàn quốc; (7) Là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ 100% kiên cố hóa phòng học và 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia và cũng là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất; (8) Tỷ lệ trạm y tế chuẩn quốc gia đứng thứ nhất cả nước; (9) Bắc Ninh là 1 trong 13 tỉnh, thành phố hoàn thành chương trìnhxây dựng nông thôn mới đầu tiên; (10) Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2020 đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc so với năm 2019); chỉ số cải cách hành chính PAR đứng thứ 17/63 năm 2020 tăng 3,1 điểm % so với năm 2019; chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2020 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó chính quyền số xếp thứ 8, kinh tế số xếp thứ 2 và xã hội số xếp thứ 2.Từ một tỉnh thuần nông, với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, định hướng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế. Nếu như năm 1997, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (45%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,8%; khu vực dịch vụ chiếm 31,2%, thì đến năm 2010, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 9,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng lên 52,6% và khu vực dịch vụ chiếm 30,4%. Giai đoạn 2011-2021, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, hai khu vực còn lại tiếp tục giảm. Đến năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất - tới 77,3% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 2,7% (UBND, 2022).
Ngay từ khi tái lập, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, tỉnh đã quan tâm tới công tác quy hoạch. Đến nay cơ bản đã hoàn thành bộ khung quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các đô thị, quy hoạch chung nông thôn mới, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chương trình phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc, cảnh quan,… được triển khai đồng bộ, có tính tổng thể, mang tầm nhìn dài hạn phù hợp với quy hoạch Vùng Thủ đô, gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước theo định hướng “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh (2022), hệ thống đô thị toàn tỉnh được tập trung đầu tư nâng cấp. Năm 1997 toàn tỉnh có 08 đô thị trong đó 01 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V; đến nay, toàn tỉnh có 9 đô thị trong đó 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 02 đô thị loại IV (Quế Võ và Thuận Thành) và 5 đô thị loại V (nâng cấp Nhân Thắng là loại V). Thị xã Từ Sơn được nâng cấp lên thành phố Từ Sơn; các huyện Thuận Thành, Quế Võ đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt trở thành thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ. Tỷ lệ đô thị hóa từ 9% năm 1997 tăng lên 38% năm 2021. Diện mạo đô thị Bắc Ninh đã có thay đổi rõ nét, với nhiều công trình kiến trúc hiện đại.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh (2022), hạ tầng nông nghiệp và nông thôn Bắc Ninh được ưu tiên đầu tư, phát huy hiệu quả và ngày càng hoàn thiện, với nhiều công trình thuỷ lợi, trạm bơm đầu mối có khả năng tưới tiêu lớn; cứng hoá và chỉnh trang toàn tuyến đê và kè xung yếu. Hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư, nhất là kiên cố hóa trường, lớp học, trạm y tế, trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa tỉnh đã được đầu tư mở rộng với quy mô1.000 giường bệnh. Nhiều dự án cấp nước sạch được đầu tư, mở rộng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân (đến nay 124/126 xã phường thị trấn có nước máy sạch, 98% người dân có nước sạch sử dụng). Các trung tâm thương mại, khách sạn, tòa nhà hỗn hợp cao tầng phát triển nhanh, với các trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao; nhiều tòa nhà cao tầng được hình thành trên các tuyến phố chính của thành phố. Diện tích nhà ở đạt 35 m2/người (cao hơn mức 26 m2 bình quân cả nước). Bộ mặt đô thị tạo nhiều điểm nhấn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp và hiện đại, tạo nền tảng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.Kiến trúc Bắc Ninh đã được định hình rõ theo hướng hiện đại kết hợp với truyền thống.Các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồmNhà hát dân ca Quan họ, Cung quy hoạch - kiến trúc, Khu đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt,Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành.
Hạ tầng viễn thông của tỉnh đã chuyển sang hệ thống cáp quang và ngầm hóa với hàng trăm trạm thu-phát sóng bao phủ toàn tỉnh để truyền đưa thông tin, hình ảnh, dữ liệu, đã góp phần đảm bảo liên lạc thông suốt, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn và các vùng miền trong cả nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh (2022), tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 2,2 triệu thuê bao điện thoại, mật độ đạt 154 thuê bao/100 dân và gần 1,1 triệu thuê bao internet, mật độ đạt 71 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm 80% dân số toàn tỉnh. Các hệ thống phần mềm đặt tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt; tỉnh đã lắp đặt gần 400 camera an ninh; 60 điểmwifi miễn phí và triển khai 1.367 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước tạo đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện vị trí của Bắc Ninh trong các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) năm 2019 của Bắc Ninh xếp thứ 6/63 tỉnh/thành cả nước (TCTK, 2020).
2. Đặc điểm dân số tỉnh Bắc Ninh
Số liệu mới nhất được Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh công bố (2022) cho thấy với diện tích 822,7 km2 - nhỏ nhất trong số 63 tỉnh, thành của Việt Nam, Bắc Ninh có dân số 1,48 triệu người năm 2022 với mật độ dân số khá cao 1.778 người/km2. Mật độ dân số này đứng thứ ba cả nước chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dân số đô thị chiếm 60,19% và dân số nông thôn chiếm 39,81%. Dân số nam chiếm 49,4%; dân số nữ chiếm 50,6%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của Bắc Ninh đạt mức rất cao, đạt 98,8%.Trình độ dân trí được cải thiện, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều đi học đều được đến trường.
Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019 (TCTK, 2019) cho thấy trong giai đoạn 10 năm (2009-2019), tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm của Bắc Ninh là 1,45%, trong đó dân số khu vực đô thị tăng nhanh hơn nông thôn do tốc độ đô thị hóa cao. Trung bình mỗi năm, dân số Bắc Ninh tăng 2,9%, đứng thứ hai toàn quốc (sau tỉnh Bình Dương) về mức tăng dân số. Đây là một đặc điểm đáng chú ý so với các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Toàn tỉnh có 424.623 hộ dân cư, với tỷ lệ tăng số hộ bình quân/năm là 4,3%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 2,5%/năm trong giai đoạn 2009-2019.
Về tăng trưởng dân số, cũng theo số liệu thống kê (TCTK, 2019) trên địa bàn tỉnh tỷ suất sinh thô 19,9‰; tỷ suất chết thô là 5,6‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (đo bằng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh ra sống) là 18,12‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (đo bằng số trẻ dưới 1 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh ra sống) là 12,2‰, thấp hơn so với tỷ suất của cả nước. Điều này cho thấy hiệu quả của chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khỏe, nâng cao mức sống cho người dân nói chung. Tuổi thọ trung bình của dân số Bắc Ninh năm 2019 là 74,3 (trong đó nam là 71,8 và nữ là 77,0), ở mức khá cao, phản ánh quá trình già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh ở Bắc Ninh.
Đáng chủ ý là tỷ suất giới tính khi sinh Bắc Ninh vào loại cao trong cả nước với 124 bé trai so với 100 bé gái, cùng với Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Dương tạo nên một cụm khu vực phía Bắc có tỷ lệ sinh con trai cao ở Việt Nam. Tình trạng nói trên không chỉ diễn ra ở các địa phương mà còn đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Sở thích muốn có con trai và bất bình đẳng giới trong xã hội là nguyên nhân của vấn đề. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số - lao động, phá vỡ cấu trúc gia đình và xã hội (Đặng Nguyên Anh, 2022).
Tại Bắc Ninh và các địa phương này, kết quả Tổng Điều tra Dân số (TCTK, 2019) cho thấy, số lượng trẻ em trai cao gấp đôi số trẻ em gái khi xem xét lần sinh gần nhất của phụ nữ đã hoàn thành việc sinh đẻ, thể hiện tình trạng cha mẹ có xu hướng ngừng sinh con sau khi đã sinh được con trai. Trên địa bàn tỉnh, 5 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao song không những không giảm mà còn tăng so với chỉ tiêu kế hoạch, gồm: Thành phố Từ Sơn 141,0/100; thành phố Bắc Ninh 128,6/100; huyện Yên Phong 127,8/100; Quế Võ 126,4/100 và Thuận Thành 122,7/100. Mặc dù là một trung tâm đô thị hiện đại, thành phố Bắc Ninh lại có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tỉnh. Việc lựa chọn giới tính của con cái có thể là một trong các nguyên nhân khiến mức sinh của Bắc Ninh giảm chậm trong những năm gần đây. Tổng tỷ suất sinh của tỉnh theo kết quả Tổng Điều tra dân số năm 2019 là 2,53 con/phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (cao hơn mức sinh thay thế), giảm chậm so với năm 2015 (2,7 con). Điều này cho thấy cần có những giải pháp hữu hiệu làm thay đổi nhận thức, tạo dư luận nhằm xóa bỏ định kiến giới hiện nay.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kết nối giao thông thuận lợi, thu hút đầu tư FDI hiệu quả nên các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trở thành mũi nhọn và là động lực phát triển chính của kinh tế Bắc Ninh, thu hút và tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Quá trình phát triển nói trên đã và đang kéo theo sự gia tăng nhanh về quy mô dân số với tỷ suất nhập cư cao, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Cũng như các địa phương khác có điều kiện và khả năng thu hút các doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài, tỉnh Bắc Ninh hiện đang sử dụng một lực lượng lớn lao động với mức lương hấp dẫn. Các khu công nghiệp và làng nghề là điểm đến của các luồng lao động hiện gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ riêng cho Bắc Ninh mà còn đối với nhiều địa phương, tỉnh thành khác đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh.
3. Cơ cấu dân số và tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có quy mô, cơ cấu dân số, lao động, trẻ em, người cao tuổi,… mà trước hết là dân số có khả năng hoạt động kinh tế. Mối liên hệ này được phản ánh qua tỷ số phụ thuộc của nhân khẩu học, cho biết cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì có bao nhiều người ngoài độ tuổi này. Khi tỷ suất phụ thuộc nhỏ hơn 50 thì dân số đó có cơ cấu “dân số vàng”. Dân số của một quốc gia được xem là trong thời kỳ cơ cấu ‘dân số vàng’ khi nhóm trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm người cao tuổi (từ 65+ tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15% dân số. Nói cách khác, cứ một người phụ thuộc thì có 2 người ở độ tuổi lao động.
Số liệu trong Bảng 1 cho thấy rõ Bắc Ninh đã trải qua cơ cấu “dân số vàng” trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến năm 2015 tỷ số phụ thuộc tăng lên 50,1 (vượt quá ngưỡng 50) và tiếp tục tăng vào các thập niên tiếp theo, cũng có nghĩa là dân số Bắc Ninh đã qua giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
BẢNG 1. BIẾN ĐỔI CƠ CẤU DÂN SỐ THEO TUỔI Ở BẮC NINH, 2009 – 2035 (%)
Nhóm tuổi | 2009 | 2015 | 2019 | 2030 | 2035 | 2045 |
0-14 | 25,3 | 25,5 | 26,2 | 23,5 | 21,9 | 20,5 |
15-64 | 67,4 | 66,6 | 65,8 | 65,2 | 65,8 | 65,3 |
65+ | 7,3 | 7,8 | 7,9 | 11,3 | 12,3 | 14,2 |
Tỷ số phụ thuộc | 48,3 | 50,1 | 51,7 | 52,8 | 53,4 | 54,6 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu TCTK, 2010, 2019, 2020.
Những biến đổi cấu dân số nói trên cho thấy Bắc Ninh cần xem xét, tính toán và dự báo những tác động của cơ cấu dân số đến nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Tác động của biến đổi cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế được đo lường theo công thức sau đây (Siegel và Swanson, 2004):
Tốc độ tăng GDP bình quân = Tốc độ tăng năng suất lao động (NS) + Tốc độ tăng lao động (LĐ) - Tốc độ tăng dân số (DS) [1].
Phương trình [1] cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỷ lệ thuận với tốc độ tăng năng suất lao động (NS) và dân số trong độ tuổi lao động (LĐ), tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng dân số (DS). Mặc dù phương trình này chưa tính đến các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng cho phép lượng hóa được vai trò của dân số và lao động đối với tăng trưởng, với giả định các yếu tố khác không đổi.
Do hạn chế số liệu về năng suất lao động trên địa bản tỉnh cũng như dân số qua các thời kỳ nên chúng tôi chỉ xem xét nhân tố dân số, và ước lượng thành phần (LĐ - DS) trong công thức nói trên. Theo đó, có thể ước tính được đóng góp của nhân tố dân số đối với tăng trưởng kinh tế theo các giai đoạn của Bắc Ninh (số liệu trình bày Bảng 2).
BẢNG 2. TÁC ĐỘNG CỦA DÂN SỐ ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BẮC NINH, 2009-2029
Năm | 2009 | 2019 | 2029 |
(1) Quy mô dân số (người) | 1316389 | 1368840 | 1434282 |
(2) Tốc độ tăng dân số (%) | -- | 3,98 | 4,78 |
(3) Số lượng lao động (người) | 913112 | 935238 | 982581 |
(4) Tốc độ tăng lao động (%) | -- | 2,42 | 5,06 |
Tác động = (4) – (2) |
| -1,56 | 0,28 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu TCTK, 2010, 2019, 2020.
Kết quả cho thấy biến đổi quy mô và cơ cấu dân số Bắc Ninh có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2009-2029: Trong giai đoạn 10 năm đầu (2009-2019) cơ cấu dân số làm hạn chế tốc độ tăng trưởng 1,56 điểm phần trăm nhưng trong giai đoạn sau (2019-2029) đã đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh. Đây là một hiệu ứng tích cực, phản ánh tác động của cơ cấu dân số trong kinh tế cần được nhận diện, đánh giá đúng mức trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh hiện đang ở mức cao (trên 13,9%) phụ thuộc chủ yếu vào tăng năng suất lao động, vốn đầu tư, xuất nhập khẩu và dịch vụ hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng trưởng còn tùy theo khả năng thu hút và phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, quản lý tốt các nguồn lực, khai thác hiệu quả thu ngân sách, đẩy mạnh tăng trưởng bền vững của tỉnh. Đương nhiên, có nhiều nhân tố đóng góp vào tăng trưởng mà cơ cấu dân số chỉ là một nhân tố, song đây là nhân tố không thể bỏ qua khi xem xét tăng trưởng kinh tế. Năng suất lao động cũng đóng vai trò quyết định nhưng trong điều kiện hạn chế về số liệu nên chưa thể ước tính được đóng góp của nhân tố này vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh.
Kết quả phân tích cho thấy, Bắc Ninh sẽ trở thành tỉnh có dân số già năm 2045. Điều này đặt ra những thách thức về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cũng như đáp ứng nhu cầu được tiếp tục làm việc đối với người cao tuổi khỏe mạnh, có khả năng lao động.
Ngay từ năm 2009, tỷ lệ dân số 65+ tuổi trở lên của tỉnh Bắc Ninh là 7,3%, nghĩa là bước vào thời kỳ già hóa dân số trong khi vẫn tiếp tục duy trì có cơ cấu “dân số vàng”. Tuy nhiên, đến năm 2045, tỷ lệ này đạt mức 14,2% và dân số Bắc Ninh trở thành dân số già, đòi hỏi phải có sự chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ về an sinh xã hội, có sở hạ tầng kinh tế - xã hội và nhất là ứng dụng công nghệ cao trong đời sống.
Kết luận
Phát huy những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và toàn dân tiếp tục thực hiện phương hướng chung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025 (Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, 2020): “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc; Khai thác có hiệu quả, tiềm năng, cơ hội đổi mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực; tiếp tục thu hút, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng”nhằm thực hiện khát vọng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển bền vững, hiện đại ở Việt Nam. Nghị quyết phấn đấu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2030 có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh với hạ tầng số hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, đi trước một bước, tạo nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Thúc đẩy liên kết giữa các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Thủ đô, làm cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kết quả phân tích cho thấy dân số Bắc Ninh tuy có quy mô không lớn nhưng quá trình phát triển có khá nhiều thuận lợi. Vị trí địa lý gần Hà Nội, mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện cũng như quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng giúp cho Bắc Ninh có được những lợi thể về chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu dân số là chiều cạnh quan trọng khi xem xét biến đổi nhân khẩu học, phản ánh bức tranh về tình hình phát triển dân số trong mối liên hệ với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số cũng có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và sự phát triển bền vững của tỉnh. Kết quả phân tích sự biến đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Bắc Ninhvới 3 nhóm tuổi chính (0-14, 15-64 và 65+) qua các mốc thời gian cho thấy xu hướng chung là dân số trẻ em (0-14 tuổi) giảm từ sau năm 2009 và tiếp tục giảm theo thời gian. Ngược lại, dân số cao tuổi gia tăng tương ứng và sẽ tăng mạnh kể từ giữa thể kỷ này (2050).Tốc độ già hóa nhanh ở Việt Nam đã được phản ánh qua nhiều nghiên cứu trước đây, đặt ra nhiều vấn đề về phát triển bền vững.
Do hạn chế về số liệu nên bài viết chưa thể áp dụng những mô hình thống kê phức tạp để tính toán đầy đủ và chi tiết các cấu phần tăng trưởng kinh tế cũng như mối quan hệ giữa dân số và phát triển. Quá trình già hóa dân số có thể dẫn đến năng suất lao động suy giảm và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng (nếu như các nhân tố khác không thay đổi). Song, một yếu tố không thể thiếu để tăng năng suất lao động là đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bằng việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh sẽ dựa trên một nền tảng và nhân tố mới, đem lại chất lượng tăng trưởng hiệu quả, xanh và bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Ban Chấp hành Trung ương (2017). Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/
- Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2022). Số liệu kinh tế - xã hội năm 2022. Cục Thống kê tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
- Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2020). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh ủy Bắc Ninh.
- Đặng Nguyên Anh (2022). Biến đổi dân số ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và định hướng chính sách, tr. 36-72, trong cuốn Vấn đề dân số và Phát triển bền vững, Vũ Thị Thùy Dung, Lê Minh Chiến và Đào Thị Hiếu (đồng chủ biên). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Siegel, J. S. and Swanson, D. A. (2004). The Methods and Materials of Demography: A Volume in Studies in Population. 2nd edition.Elsevier Academic Press.
- TCTK (Tổng cục Thống kê) (2019). Kết quả Tổng Điều tra dân số và Nhà ở 1/4/2019. Ban Chỉ đạo Tổng ĐTDS và Nhà ở Trung ương. Hà Nội.
- TCTK (Tổng cục Thống kê) (2020). Tư liệu Kinh tế-xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nxb Thống kê, Hà Nội.
|
UBND (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh) (2022). Báo cáo thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập tỉnh (1997-2021). Văn phòng U